Năm 2013, đúng dịp 30.4 cũng là dịp sinh nhật lần thứ 70 của Già làng Y Luyện, chúng tôi đã có dịp lên thăm ông để thưởng thức rượu cần, những câu chuyện cách mạng và chuyện về rừng Xà Nu đại ngàn Tây Nguyên.
Hôm đó, chúng tôi được nhà báo Đỗ Phượng dẫn thêm thăm Già làng Tây Nguyên Y Luyện Niếk đăm, là một trong những người có uy tín bậc nhất Tây Nguyên và được đồng bào dân tộc thiểu số gọi là Vua Ê đê.
Tiếp chúng tôi bằng rượu cần tại khu nhà nằm lọt thỏm giữa buôn Kr Am thuộc xã Ea Tiêu, cách thành phố Buôn Mê Thuột thủ phủ Tây Nguyên hơn 15 km. Một khu nhà rộng khoảng 3ha, đẹp và yên tĩnh giữa rừng mà ông xây hết…60 tấn cà phê. Một ông lão dáng mảnh, đen và ăn mặc giản đơn, tộc toạc như một già làng. Ai gặp lần đầu khó biết được đó lại chính là một cựu Đại biểu Quốc hội, Bí thư tỉnh ủy uy danh một thời của Buôn Mê, của Đăk Lăk, của núi rừng Tây Nguyên này.
Đồng chí Y Luyện (người thứ hai từ trái qua) lưu niệm với một số thành viên trong đoàn
Già làng Y Luyện trò chuyện rất thân mật và mời mọi người dùng rượu cần bên tiếng chiêng ngay tại sân nhà ông. Biết có khách quý từ miền Bắc vào, dân làng đến nhà Y Luyện (Cách gọi thân mật của người đồng bào khi nói về ông) rất đông để chúc tụng, thăm hỏi giao lưu. Phút chốc cả nhà ông trở thành một ngày hội của buôn làng. Nhiều người không giấu nổi niềm xúc động được hòa mình vào những điệu hò, câu hát hay điệu múa của đồng bào trong không khí của ngày vui Tết Thống nhất ở Tây Nguyên thật ấn tượng độc đáo.
Mọi người uống rượu cần, hát những bài hát cách mạng, cùng múa theo điệu múa của người Ê đê và nghe vị "thủ lĩnh" Tây Nguyên bày tỏ những sinh kế lâu dài để đồng bào một lòng theo cách mạng, để những mùa xuân nối những mùa xuân yên bình bền vững.
Trong men rượu cần Tây Nguyên, già làng tâm sự: "Tây Nguyên sẽ chẳng ra làm sao nếu không còn men rượu cần và vắng tiếng cồng chiêng. Rừng Tây Nguyên luôn gắn với văn hóa rừng. Rừng có thú có chim muông, nó có cái hồn và văn hóa rừng hẳn hoi đấy. Mình không có nhà trên phố, lúc đương chức cũng như khi đã hưu đều tiếp khách ở “dinh thự núi” này thôi. Các vị Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết…và hầu hết các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khác đến với Tây Nguyên đều đã về đây, ngồi phệt xuống sàn nhà tớ uống rượu cần như hôm nay. Uống đi, uống cho say mới được về! Cần rượu quay vòng liên tục, không được phép dừng, chuyền và quay vòng đến… ngất ngây! Gặp khách quí tớ nói nhiều, say chuyện say tình chứ không phải say rượu đâu nhé!".
Những người trẻ tuổi như chúng tôi sau khi nghe các cụ tâm sự mà cảm tưởng "dòng máu cách mạng" đã ngấm vào từng đường gân thớ thịt của các cụ. Để rồi đây họ làm gì, nói gì, suy nghĩ gì cũng một lòng vì nước vì dân theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh. Chẳng thế mà, ở cổng ngõ vào nhà riêng của ông luôn treo cờ Tổ quốc và đắp nổi dòng chữ "Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam muôn năm". Cuộc vui cứ vậy kéo dài đến khi mặt trời khuất núi mới dừng. Chia tay, hai cụ còn quyền luyến hẹn gặp lại những Tết Thống nhất năm sau.