Gặp lại một đồng đội từng bắt giặc lái Mỹ

Một lần, tôi vừa xuống bến xe buýt gần chợ Vinh để đón xe về nhà, bỗng có một người đàn ông cao gầy đã có tuổi phóng xe máy đến bên cạnh, hỏi: “Anh đi xe ôm không?”. Tôi chưa kịp trả lời, nhìn anh đang ngờ ngợ lạ, quen thì thấy anh vội gạt chân chống, dựng xe rồi thốt lên: “Ngọc phải không?”, (nói rồi anh ôm chầm lấy tôi: “Ôi! Đúng Ngọc rồi! Đã gần 50 năm!!!)

242656980-387711709473082-3606323207229158149-n-1632381874.jpg

Thì ra anh là Phạm Minh Đức, người cùng đơn vị với tôi từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Cả hai chúng tôi nhận ra nhau cùng xúc động, nghẹn ngào. Anh đưa tôi về nhà, giới thiệu với vợ con về người bạn chiến đấu năm xưa. Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, anh vẫn rộn ràng cười nói như những ngày còn trong quân ngũ. Tôi hỏi Đức: “Anh có nhớ lần bắt phi công ở Nhân Trạch, Quảng Bình không?”. “Nhớ chứ, đó là lần thứ hai mình được đi bắt giặc lái đấy”!

Cả hai chúng tôi cùng nhớ lại chuyện xưa.... Ngày ấy, tôi biết Phạm Minh Đức khi Sư đoàn 324 điều anh về Phòng Chính trị làm nhiệm vụ chụp ảnh chứng minh thư cho cán bộ, chiến sĩ. Đức biết nghề ảnh vì khi mới 15 tuổi, anh đã được ông bố truyền nghề và mọi người vẫn thường gọi anh là Đức “nháy”. Chiến tranh với giặc Mỹ xâm lược năm đó đã vào thời kỳ ác liệt, cả sư đoàn chuyển dần từ biên giới phía Tây Bắc Quân khu 4 để vào Nam. Đến vĩ tuyến 17, nơi có con sông Bến Hải yêu thương thì dừng lại làm nhiệm vụ “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Là lính trinh sát bộ binh, tôi luôn gặp địch và nổ súng hàng ngày ở đất Gio Linh, Cam Lộ, có trận bám trụ căng thẳng, có trận nổ súng tập kích địch rồi rút, có trận ung dung; “hốt” chiến lợi phẩm khi đã cùng đơn vị đánh, đuổi lính thủy đánh bộ Mỹ...

Cuối năm 1967, trong một trận đánh không cân sức với giặc Mỹ ở Gio An, tôi bị thương phải ra Bắc điều trị. Sau đó, từ Đoàn an dưỡng 200, tôi được Quân chủng Phòng không - Không quân nhận về làm pháo thủ 37mm của Đại đội 10 (Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 214). ở đấy, tôi bất ngờ được gặp lại Đức “nháy”. Đức “nháy” cũng bị thương do bom B52, người anh xanh gầy vì sốt rét, anh về Đoàn an dưỡng 200 rồi sau đó được điều về Tiểu đoàn 15 làm trinh sát pháo cao xạ.Ngày đó, đơn vị chúng tồi thường kéo pháo vào rừng thông thuộc xã Nhân Trạch (Quảng Trạch, Quảng Bình) để huấn luyện. Quãng 7 giờ sáng một ngày đầu tháng 6-1968, chiếc RF4C “Con ma” của Mỹ bay từ biển vào. Đến vùng trời đơn vị bảo vệ, nó đổi hướng theo trục đường 1. Cả tiểu đoàn báo động sẵn sàng chiến đấu. Tên giặc lái chúi đầu định tập kích vào trận địa. Tiểu đoàn trưởng Hải hô: “Bắn!”. Các khẩu đội nổ súng nhịp nhàng, giòn giã. Chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy rồi lao thẳng xuống biển. Chiếc dù xanh đỏ vừa bung đủ cỡ thì tên giặc lái đã chạm đất. Chúng tôi reo hò vui sướng trên mâm pháo rồi chuẩn bị bắn những chiếc khác. Đức “nháy” liền khoác súng CKC chạy theo hướng tên giặc lái vừa nhảy dù. Đoạn đường cát chừng 1km, Đức chạy một mạch. Tới nơi, thấy 4 dân quân (2 nam, 2 nữ) dùng súng K44 hướng nòng rê về phía tên giặc, Đức vội hô trong hơi thở: “Không được bắn! Các đồng chí dân quân đừng bắn nó”. Viên phi công khiếp sợ giơ hai tay xin hàng, chiếc máy thông tin trên người vẫn nhấp nháy bóng đèn xanh đỏ phát ra tiếng tích tè, tích tè. Đức ra hiệu cho tên phi công cởi mũ, cởi giày, cởi đồ bay, tắt máy liên lạc. Nó ngoan ngoãn làm theo. Trên không, có rất nhiều loại máy bay: Đủ tầng, đủ hướng, đủ kiểu loại. Chúng bắn xuống xung quanh đủ các loại đạn, có cả thật và đạn giấy. Đức yêu cầu bốn dân quân tỉnh táo cùng trải rộng chiếc đù để lũ giặc trời nhìn thấy, không bắn vào chỗ đồng bọn. Anh rút súng ngắn của tên Mỹ từ bao súng, giơ lên tròi định bóp cò để phát tín hiệu cho tiểu đoàn biết, đúng lúc ấy Tiểu đoàn phó Vượng đã kịp đến. Sau đó, tên giặc lái bị dẫn về giao cho Huyện đội Quảng Trạch.

Chiến tranh kết thúc, lứa chúng tôi có người đã nằm lại chiến trường mãi mãi không về, số còn sống thì người mang thương tích, người phục viên, chuyển ngành, mỗi người mỗi ngả. Đức “nháy” phục viên về khu phố I, thành phố Vinh (nay là khối 12, phường Quang Trung) mang trong người chất độc da cam. Anh tiếp tục làm nghề “phó nháy” của ông bố để sinh sống một thời gian, sau thấy lạc hậu so với ảnh số hiện đại nên đã kính cẩn đặt chiếc máy ảnh cũ lên bàn thờ thân phụ. Sau đó, anh chuyển sang nuôi lợn rang đậu phộng đóng gói đem bỏ mối ỏ các quầy hàng. Ở thời bao cấp hai vợ chồng anh đã phải chật vật xoay đủ nghề, trong đó có cả nghề xe ôm để dành dụm, chắt chiu nuôi 3 con ăn học.

 

Theo Trái tim Người lính