Ghé thăm phòng tranh của ông anh, nhà văn Nguyễn Đình Chính

Ông anh, nhà văn Nguyễn Đình Chính đã alo ời ời cho tôi từ tuần trước: ”Này, cậu nhớ ghé xem phòng tranh của tớ bày ở tầng một Ngô Quyền sát lối đi nhé! Bận gì thì bận cậu phải đến coi xem ông anh “vẽ vời lên tay“ ra sao nhé!“

 

 

Ông anh, nhà văn Nguyễn Đình Chính đã alo ời ời cho tôi từ tuần trước: ”Này, cậu nhớ ghé xem phòng tranh của tớ bày ở tầng một Ngô Quyền sát lối đi nhé! Bận gì thì bận cậu phải đến coi xem ông anh “vẽ vời lên tay“ ra sao nhé!“

 Quả thật, phận làm đàn em như tôi đã có dăm chục năm lẻ đánh đu “điếu đóm hóng hớt“ theo chân phượt xa gần của những nhà văn, nhà thơ bậc trên nổi tiếng “ thi hoạ “ cỡ các tài danh Nguyễn Đình Chính, Lưu Trọng Văn, Hoàng Nhuận Cầm...những thập niên tám chín mươi thế kỷ trước! Ấy thoắt vậy, bây giờ các bác đều đã chớm bước chân sang “ thất thập cổ lai hy “ cả, nghĩ mà kinh! Sách viết chữ nghĩa, thi tứ như đã cạn, hay đã cùn... dần chẳng rõ, chợt thấy nhiều người trong làng văn thơ hồi này bỗng nhiên “ngứa tay mó bút“, chạm vào mầu, vào toan như một “thú chơi” đầy khoái trá, chả ai ngăn được các bậc đàn anh bỗng cặm cụ, ngồi lọ mọ chăm chút bên giá vẽ cả! Tất nhiên, nhà văn mà vẽ đẹp như cỡ Nguyễn Quang Thiều lâu nay ai cũng nể phục, xét thấy cũng chẳng mấy người. Còn phần nhiều mọi người cứ nghĩ, chắc nhà văn, nhà thơ họ “khai phóng “ cho khuây khoả bao nỗi ưu phiền đang khuất lấp trong tâm hồn mình chốc nhát, rồi lại chẳng chóng thì chày vẽ chán ra, xếp đầy nhà “chả ma nào ngó ngàng “ là lại buông bút vẽ ngay thôi mà!

Sáng nay mới có chút thời gian, tôi lẳng lặng qua thăm phòng tranh của nhà văn Nguyễn Đình Chính! Những lẵng hoa chúc mừng hôm khai trương vẫn tươi rói, trang ngập cả lối đi! Chắc chắn, đã có rất nhiều bạn hữu và những người mến mộ anh đến dự! Thật ra, ngay cái danh xưng nhà văn Nguyễn Đình Chính, cũng đã đủ để thu hút đông đảo công chúng đến với các tác phẩm của anh. Bởi lâu nay, ai cũng đều biết, nhà văn Nguyễn Đình Chính là con trai của một tài năng văn chương, âm nhạc, hội hoạ, thi ca bậc nhất trong thế hệ văn nghệ sĩ Cách mạng là nhà văn Nguyễn Đình Thi. Và tình yêu với hội hoạ ở nhà văn Nguyễn Đình Chính, còn có thể bởi những sự trải nghiệm học hỏi từ người cha vợ là hoạ sĩ Mai Văn Hiến. Ở tuổi ngoài bảy mươi, chẳng hiểu sao môt niềm say mê với hội hoạ bỗng thức dạy và thôi thúc nhà văn Nguyễn Đình Chính lao vào đầy sự cuồng nhiệt, vẽ không ngừng tay, chẳng hề mỏi mắt canh cánh trên mỗi khung toan! Mà chết nỗi, thời bây giờ cứ mầu dầu Hà lan hay Anh quốc, toan Nga trắng muốt căng sẵn trên khung, nhà bác nào chả vẽ sướng tay thì thôi! Chả bõ cho những năm tháng thời bao cấp xa xưa, đến hoạ sĩ nổi danh như cụ Phái nhà ta, còn phải hý hoáy ký hoạ bút bi lên từng mẩu giấy vỏ thuốc lá mỗi khi hút hết!

Tôi hoàn toàn bất ngờ với một thế giới đầy mầu sắc tươi rói, trăm hồng ngàn tía, sáng sủa, giản dị trong mỗi bố cục tranh của anh. Có cảm giác, khi nhà văn Nguyễn Đình Chính đứng trước khung toan, tâm hồn anh như trong trẻo lại, hồi ức về tuổi thơ xa xôi còn phảng phất đâu đây níu giữ trên mỗi đường nét...Có lẽ hội hoạ cũng là một cách để những người không còn trẻ như tôi, cảm thấy được hồi tâm lại trong những miền hoang dại đầy sắc mầu quyến rũ trong tranh của ông anh đã bước qua tuổi” thất thập cổ lai hy “ như nhà văn Nguyễn Đình Chính chăng!?