Giá trị cốt lõi & giá trị cộng thêm

Nhân gian có những câu khuyên con người kìm hãm bớt ham muốn, tham vọng như: "chết có mang theo được đâu" "ngày chỉ ăn 3 bữa, tối chỉ ngủ 1 giường" "ai rồi cũng về cát bụi"...

271745855-1089676668460547-4024173388670956917-n-1642048517.jpgẢnh minh họa

Biết là vậy nhưng làm con người hầu hết không chịu an phận để hưởng hạnh phúc, bình an trần thế. Mặt tích cực của tham vọng là động lực lớn thúc đẩy sự tiến bộ của loài người thì bên cạnh đó làm con người đau khổ hơn nhưng có thể nói sự đau khổ lý thú, có ý nghĩa. Vậy nên mới tồn tại đến hôm nay và mãi mãi đến vô tận, chừng nào còn sự hiện diện của con người.

Ở đây không luận giải thuyết này thuyết nọ, không có ý khuyên răn ai vì người viết quá nhỏ bé. Chỉ muốn nói cảm nhận của riêng cá nhân nhằm đi đến chỗ tìm tiếng nói chung về vấn đề này. Chết có mang theo vật chất được không? Tất nhiên là không, chuyện này rành rành ra đó. Kết thúc ở cõi trần là ra đi trắng tay chỉ để lại cho người thân mà chưa chắc làm cho họ tốt hơn. Điều này được chứng minh rõ ràng kiểu như: đời cha ăn mặn đời con khát nước, cha làm con phá, của thiên trả địa... Vậy thì sao họ vẫn quyết ăn thua đủ, gom góp càng nhiều càng tốt dù biết quỹ thời gian còn rất ít. Đó chính là thỏa mãn tham vọng, chứng tỏ hơn người, tiếc của đời và kì vọng vào thế hệ hưởng thừa kế dù rằng nó rất mơ hồ, không chứng kiến được và có thể áp phê ngược. Họ không muốn thua ai, mà thước đo dễ thấy nhất là tiền bạc, vật chất, nhà cửa. Trí tuệ là do bẩm sinh và học hỏi phải cụ thể hoá ra vật chất thì mới nói chuyện với họ được. Nếu không thì chỉ ở dạng tiềm năng khó để họ nể nang trong thời buổi kim tiền này. Nhiều người cũng có học thức, nắm những vị trí cao trong xã hội, thân đang mang trọng bệnh cũng tranh thủ để bị ngã ngựa mà người đời nhìn lắc đầu, sao mà tham quá vậy. Anh để lại ngàn tỉ khi ra đi tay không, vài năm chẳng ai nhớ đến anh nhưng đôi khi chỉ để lại bản nhạc, bài thơ, sản phẩm tinh thần thì lại được lưu danh hậu thế, đó coi như sự công bằng và hấp dẫn của cuộc sống.

Còn sống, nhưng không phải đi đâu cũng mang theo được nói gì đến chết đi. Anh không thể mang theo các bất động sản, đất đai, nhà cửa, nhiều xe cộ, vàng bạc kim cương... theo anh đi mọi nơi. Nếu anh nào hợm hĩnh thì mang theo va li sổ hồng nhà đất để dọa thiên hạ chơi thì có thể. Nhưng phải có người ngồi xem anh trình diễn mà chắc cũng chẳng ai rảnh mà xem vì có được gì đâu. Anh cũng chẳng cho ai cái gì khi khoe ra tất cả. Nhưng khi đi bất cứ nơi đâu, anh mang theo trí tuệ, kiến thức uyên bác sẽ tha hồ trình diễn và dễ dàng được chấp nhận, được cảm mến và kính phục.

Tôi từng gặp một anh nhà giàu, anh khoe khoang tài sản, đất đai, nhà cửa trước hàng chục người bạn quen, lạ. Có người nghe anh nói, họ khen ngợi trầm trồ nhưng ngoài cái đó ra thấy anh rỗng tuếch. Anh cứ thao thao bất tuyệt không để ai nói. Tất nhiên sẽ làm cho nhiều người tủi thân, chạnh lòng nghĩ về bản thân mình. Muốn chặn anh lại thì chỉ có giàu hơn anh mới được. Tôi cũng bịa ra, nổ banh có cả chục căn nhà, nhiều miếng đất Đà Nẵng, Quận 2, Thủ Đức... nhiều hơn của anh thì anh mới chịu im. Thực ra có ai kiểm chứng đâu, không lẽ lại mang theo sổ hồng, sổ đỏ để chứng minh. Giàu nghèo lúc này chỉ là khái niệm tương đối. Anh ngồi im suốt cả cuộc vui dù nhiều người nói chuyện rôm rả nhiều đề tài trong cuộc sống. Rồi khi tàn tiệc cũng gom tiền vào trả chứ có thấy anh giành trả đâu. Lúc này mới thấy kiến thức nó quan trọng như thế nào và ta luôn luôn mang theo nó suốt cả cuộc đời.

Khi anh có tham vọng, anh xây dựng được song song với vật chất, thương hiệu là một nhân hiệu thì dễ được kính trọng. Nhưng rất tiếc trong thời buổi này kiếm hơi bị khó. Các nhà bác học, khoa học, các thương hiệu trên thế giới họ thể hiện tham vọng với một trí tuệ lỗi lạc, dẫn dắt văn minh loài người trong một môi trường luật pháp công bằng nên thành quả họ đạt được rất đáng trân trọng, vinh danh hậu thế. Ít có kiểu giàu trời ơi, cơ hội, đầu cơ chính trị hay mafia, mà trời ơi thì nhận thức thường kém cỏi và hợm hĩnh. Rất nhiều người khi giàu có lên họ mất phương hướng xa rời giá trị cốt lõi, tham lam theo đuổi giá trị cộng thêm quyết liệt bất chấp, đó là nguồn cơn của đau khổ bản thân và hệ lụy cho xã hội.

Những giá trị cốt lõi như: một ngôi nhà, một người vợ, vài đứa con, một mái ấm gia đình, vật dụng căn bản phục vụ đời sống con người, một trình độ học thức căn bản...  Khi có căn nhà, người vợ/chồng là giá trị cốt lõi làm nên mái ấm gia đình. Căn nhà thứ 2, thứ 3... dù to, đắt giá chỉ là giá trị cộng thêm, giá trị sẽ giảm dần... Nếu sống hư một tí, có người phụ nữ thứ 2, thứ 3... dù đẹp, giỏi cũng sẽ giảm dần giá trị, thứ thêm chỉ là tiểu tam, bồ nhí... không thể sánh với người vợ tào khang, chính qui được. Những đứa con của các bà này thì cũng là con rơi, con rớt mà thôi, chẳng có danh phận gì.

Những người luôn tham vọng theo đuổi điên cuồng giá trị cộng thêm mà không gìn giữ giá trị cốt lõi, đánh mất mình thì không thất bại cũng là bất hạnh mà thôi. Nói thế không phải là bài xích sự tiến bộ và phát triển của xã hội mà là nhận thức ra những giá trị căn bản làm cho con người hạnh phúc và đáng trân trọng hơn.

 

Theo Chuyện Làng quê