Tổ chức nhiều đợt, mỗi đợt tối thiểu 28 ngày
GS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội không hạn chế số lần dự thi. Tuy nhiên, thời gian dự thi giới hạn cách nhau tối thiểu là 18 ngày. Ví dụ, lần 1 thi ngày 8/5/2021 thì lần 2 dự thi sớm nhất là 5/6/2021”.
Trước câu hỏi mà nhiều thí sinh đặt ra là “Thí sinh có được chuyển hoặc huỷ ca thi hay không?”, GS Nguyễn Tiến Thảo trả lời: “Thí sinh được phép chuyển ca thi trước 14 ngày thi (nếu còn chỗ trống ở ca thi chuyển đến). Thí sinh được huỷ dăng ký dự thi. Đồng thời, thông tin thay đổi được xác thực và gửi tới thí sinh qua email cá nhân”.
Trong khi đó, nhiều thí sinh cũng quan tâm đến nội dung “Trung tâm Khảo thí của ĐH Quốc gia Hà Nội có tổ chức ôn luyện thi hay không?”, GS Nguyễn Tiến Thảo khẳng định: “Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội không tổ chức luyện thi hay tổ chức bất kỳ các hoạt động liên quan đến ôn luyện, thi thử bài thi đánh giá năng lực (ngoại trừ bài thi mẫu công bố ngày 15/3/2021)”. Đồng thời, GS Nguyễn Tiến Thảo cam kết: Đội ngũ cán bộ, chuyên gia, cộng tác viên của Trung tâm Khảo thí không tổ chức bất kỳ hoạt động nào liên quan đến bài thi đánh giá năng lực.
Là một trong những trường cân nhắc sử dụng bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển, PGS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo, trường Đại học Ngoại thương đặt vấn đề: “Trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực có tách kết quả khối Khoa học tự nhiên và khối Khoa học xã hội hay không? Tiếp đó, điểm của bài thi đánh giá năng lực có mức quy đổi tương đương với điểm của các kỳ thi như SIT, ICT hay không”.
GS Nguyễn Tiến Thảo cho biết: “Bài thi đánh giá năng lực có 3 đầu điểm. Phần 1 là tư duy định lượng toán học gồm 50 điểm, đầu điểm thứ 2 tư duy định lượng cho các môn như văn, ngoại ngữ, đầu điểm thứ 3 là khoa học và không tách tiếp các đầu điểm theo sau nữa”.
“Sau các đợt thi, chúng tôi có dữ liệu chuyển đổi đối sánh với các bài thi trong và ngoài nước. Trong hướng nghiên cứu, chúng tôi cũng mong muốn chuyển đổi với các bài thi trên thế giới. Về mặt khảo thí, chúng tôi cần có mẫu đủ lớn để xây dựng công cụ chuyển đổi. Từ đó mới có đề tài nghiên cứu, đưa đề xuất thang chuyển đổi để đảm bảo tính khoa học, chính xác”, GS Nguyễn Tiến Thảo cho biết.
Có thêm bài thi đánh giá năng lực ở lĩnh vực hẹp không?
Tính đến nay, bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội là bài thi riêng duy nhất được tổ chức trên máy tính và chỉ ở Hà Nội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay bài thi đánh giá năng lực được nhiều trường xem xét là một trong những phương thức xét tuyển thì bài thi cần có đánh giá năng lực ở lĩnh vực hẹp như: y dược, nghệ thuật…
GS Nguyễn Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Trường đã có lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp từng trúng tuyển qua bài thi đánh giá năng lực. Quá trình đào tạo cho thấy bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội đã đánh giá đúng chất lượng sinh viên. Tới đây, chúng tôi tích cực hưởng ứng tuyển sinh theo hình thức này. Tuy nhiên, với khối ngành Y, dược có một số đặc thù. Các nước đều coi đây là lĩnh vực đào tạo nhân lực đặc biệt, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh. Hiện nay, có khá nhiều cách thức tuyển sinh các nhau. Trong nước, chúng tôi có hiệp hội hiệu trưởng các trường Đại học Y dược toàn quốc, khi họp, hội đồng cũng đưa các ý kiến ra để thảo luận, thống nhất. Đó là: Với lĩnh vực y học, bên cạnh kiến thức cơ bản thì cũng có những đặc thù như tiếp xúc sinh học nhiều. Do đó, cần tuyển được những em sẵn sàng không ngại khó, không sợ tiếp xúc với sản phẩm sinh học. Bên cạnh các kiến thức khoa học, xã hội, các em cần có phẩm chất thấu cảm, đồng cảm với người bệnh. Đây là những năng lực mà chúng tôi mong muốn tới đây các bộ câu hỏi đánh giá năng lực cần thêm vào”.
Tuy nhiên, PGS TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Đại học Quốc gia Hà Nội đã nghiên cứu các mối tương quan, thấy được những ưu điểm so với xu hướng giảng dạy đại học, phổ thông hiện đại là hướng tới xây dựng con người toàn diện, nên bài thi khuyến khích các em hướng tới năng lực toàn diện. Nhưng một số lĩnh vực tương đối cụ thể, khác biệt như y dược, văn hoá nghệ thuật là những vấn đề khác hẳn, không phải kiến thức chung chung. Có thể xem xét xây dựng bài thi đánh giá năng lực riêng cho nhóm đó. Tuy nhiên, đây không phải là kỳ thi tuyển sinh mà là bài thi đánh giá năng lực học sinh phổ thông. Không chỉ đáp ứng việc phân loại sinh viên, thậm chí còn quay trở lại ở trường phổ thông để tác động đến quá trình đào tạo, giúp học sinh có năng lực toàn diện, sáng tạo, biết giải quyết các vấn đề tư duy, xử lý số liệu…”