Giải pháp phòng ngừa lừa đảo mua bán lan đột biến và bảo vệ người tiêu dùng, người sản xuất và kinh doanh chân chính

Huy Hoàng

Ngày 01/06 vừa qua, UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản số 1692/UBND – NC về việc phòng ngừa tội phạm và các hành vi VPPL liên quan đến hoạt động mua bán trao đổi, chuyển nhượng hoa lan đột biến. Để hiểu thêm về nội dung có liên quan, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội.

PV: Xin ông có thể giới thiệu khái quát về quá trình hình thành và hoạt động của Hội Sinh Vật cảnh TP. Hà Nội?

Ông Vương Xuân NguyênHội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội được thành lập ngày 08 tháng 07 năm 1991 theo Quyết định số 1218/QĐ – UB của UBND thành phố Hà Nội. Theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ – BNV ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về Tổ chức và quản lý Hội và Quyết định số 34/2013/QĐ – UBND ngày 30 tháng 8 năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội về quản lý hoạt động Hội và nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hội trên địa bàn thành phố Hà Nội thì Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo Điều lệ và các quy định của pháp luật.

Cụ thể theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 của Quyết định số 34/2013/QĐ – UBND ngày 30 tháng 8 năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội thì Hội Sinh Vật Cảnh TP.Hà Nội hoạt động trong phạm vi thành phố Hà Nội không có hội cấp trên, cấp dưới, tức là Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam không phải là Hội cấp trên của Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội và Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội không phải là cấp trên của Hội Sinh Vật Cảnh các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hoạt động của các Hội này theo Điều lệ riêng và độc lập, không phụ thuộc hay chịu sự chỉ đạo của nhau mà chỉ có quan hệ phối hợp hội thành viên theo Điều 6 của Quyết định số 34/2013/QĐ – UBND.

hn123-1623395282.jpg

Ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội

Đến nay, Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội có trên 12.000 hội viên đang sinh hoạt ở 50 chi hội, CLB chuyên ngành Cây cảnh, Hoa lan, Chim cảnh, Đá cảnh, Gỗ lũa, Tranh tượng…và hội thành viên là Hội sinh vật cảnh các quận, huyện, thị xã. Trong 10 năm qua, Hội là thành viên tích cực trong phối hợp thực hiện xây dựng Nông thôn mới, Chương trình số 02-CTr/TU và nay là Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Với thành tích đó, năm 2019, Hội đã được UBND Thành phố Hà Nội tặng bằng khen vì thành tích 10 năm xây dựng Nông thôn mới. Tháng 5 năm 2021, Hội được UBND Thành phố Hà Nội tặng bằng khen vì thành tích trong chương trình OCOP của thành phố giai đoạn 2018 – 2020. Hiện tại Hội đang tích cực phối hợp cùng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội, Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội trong việc đẩy mạnh phát triển nghề Sinh Vật Cảnh và làng nghề có liên quan theo Nghị định 52 của Chính phủ; Tiếp tục tham gia xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển đô thị; Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và các sở ban ngành có liên quan. Trong đó, Hội phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội triển khai nhân giống cây Xanh Bốn Mùa do Bác Hồ mang từ nước ngoài và một số loại cây trồng khác, phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ trồng mới khoảng 100.000 cây xanh nhằm hưởng ứng Đề án trồng 1 triệu cây xanh của Thành phố và Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ.

PV: Vâng ông có thể nêu một số kết quả nổi bật của Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội trong những năm gần đây?

Ông Vương Xuân NguyênHoạt động nuôi trồng, sản xuất Sinh Vật Cảnh, trong đó có hoa lan trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm gần đây đã có bước phát triển cả về bề rộng, lẫn chiều sâu, nhất là giai đoạn sau khi hoạt động sản xuất và kinh doanh Hoa Cây cảnh được công nhận là một trong 7 ngành phát triển Nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ – CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ.

Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 8.000ha hoa cây cảnh với giá trị bình quân trên 520 triệu đồng/ha/năm; trong đó có khoảng 15% diện tích phát triển các loại hoan lan. Những năm qua, Hà Nội đã có đề án riêng về phát triển hoa, cây cảnh với những chính sách hỗ trợ cụ thể; chọn xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu với điểm nhấn là Làng du lịch sinh vật cảnh xã Hồng Vân (huyện Thường Tín); khuyến khích nhiều phong trào sinh vật cảnh trong xây dựng nông thôn mới như: Đường hoa nông thôn, đường bích họa; thêm hoa - bớt rác...

hn3-1623395575.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng giới thiệu mô hình hoa lan của Hà Nội năm 2019

Đặc biệt, trong những năm qua, Hà Nội đã nhanh chóng trở thành một trong trong những trung tâm sản xuất hoa hàng đầu của cả nước, nhất là hoa lan Hồ Điệp với sản lượng trên 15% cho nhu cầu hoa của cả nước. Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Toàn Cầu (Toàn Cầu JSC) đã đạt được một số thành tựu nhất định, quy mô sản xuất đã tăng từ 5.000m2 diện tích nhà kính ban đầu lên thành 3ha và dự kiến sẽ được mở rộng thành 10 ha vào năm 2025, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Toàn Cầu JSC đang trong quá trình hoàn thiện và đưa vào vận hành nhà nuôi cấy mô có quy mô lớn nhất Việt Nam với diện tích trên 5.000m2 và sản lượng dự kiến đạt được xấp xỉ 10 triệu cây giống/năm.

Mô hình sản xuất hoa lan Hồ Điệp của HTX Đan Hoài được mở rộng lên tới 12.500m2, với phòng nuôi cấy mô hiện đại, giúp HTX kiểm soát được nguồn cây giống. HTX cũng có hệ thống làm lạnh, bảo quản hoa sau thu hoạch. Nhờ sự đầu tư bài bản, khoa học, những năm qua, HTX Đan Hoài sản xuất trung bình khoảng 250.000 cây hoa các loại. Và đến nay đơn vị này đã có 08 sản phẩm hoa lan đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 4 sao đầu tiên của cả nước.

Tại Quyết định số 390/QĐ – UBND ngày 17/01/2019 của UBND thành phố Hà Nội cũng đã xác định Hoa lan, Hoa hồng, hoa Lily, Hoa đào là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố. Ngày 10/5/2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 289-TB/TU về kết luận của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đề cập đến nội dung phát triển sinh vật cảnh với vai trò một ngành kinh tế trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Trong đó xác định ngành hoa, cây cảnh là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế và xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị.

PV: Phong trào sản xuất và kinh doanh hoa lan gần đây trên địa bàn thành phố Hà Nội như thế nào, mong ông chia sẻ?

Ông Vương Xuân NguyênVề hoạt động sưu tầm, sản xuất và kinh doanh hoa lan trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 1000 hội viên, hội thành viên, phần lớn là các nghệ nhân đam mê có truyền thống chơi hoa lan lâu năm. Hội Hoa lan Hà Nội được thành lập từ năm 1991 và là hội tương đương với CLB thuộc Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội đã tập hợp đông đảo các nhà khoa học, nghệ nhân, chuyên gia đầu ngành về hoa lan như GS. TS Phan Kế Lộc, PGS. TS Dương Xuân Trinh, GS. TSKH Trần Duy Quý, Nghệ nhân Trần Tuấn Anh, Nghệ nhân Chu Xuân Cảnh, Nghệ nhân Tấn Phong, Nghệ nhân Nguyễn Xuân Thủy…

Hội Hoa lan Hà Nội cũng đã xuất bản nhiều công trình, tài liệu khoa học về hoa lan. Đặc biệt, đã phát hiện ra nhiều giống hoa lan mới quý hiếm và được các tổ chức thực vật quốc tế có uy tín xác nhận đặt tên cho Việt Nam như: Hài Cảnh, Hài Trần Tuấn Anh…GS. TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội đã chủ biên cuốn tài liệu phổ biến kỹ thuật Sổ tay người Hà Nội chơi lan năm 2005 phục vụ hoạt động sản xuất, nuôi trồng hoa lan của cả nước. Trong 10 năm trở lại đây, GS. TSKH Trần Duy Quý và cộng sự đã bảo tồn được trên 1000 giống hoa lan quý hiếm bản địa của Việt Nam. Trong đó bảo tồn và phát triển 02 cây lan thuốc quý hiếm của Việt Nam đã bị khai thác cạn kiệt là cây lan Thạch Hốc Tía và Lan Kim Tuyến. Hiện tại, mỗi năm, GS. TSKH Trần Duy Quý và cộng sự nhân giống bằng phương pháp cây mô được trên 2 triệu cá thể cung cấp cho Tập đoàn TH nuôi trồng trong môi trường rừng tự nhiên tại khu vực Bắc Trung Bộ.

hn2-1623395687.jpeg

Hội Hoa lan Hà Nội tích cực đồng hành cùng công tác thiện nguyện xã hội

Ngoài ra, Hội Hoa Lan Hà Nội cũng rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện cộng đồng. Chỉ riêng trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Cộng đồng những người yêu hoa lan Thủ đô đã đóng góp cho công tác thiện nguyện và hỗ trợ đồng bào nghèo, người dân vùng lũ trên 35 tỷ đồng. Trong đó, Resort Hoa lan Chính Trương (Ba Vì) đã đóng góp gần 25 tỷ đồng trong đó có 18 tỷ đồng trào trực tiếp trao cho Quỹ cứu trợ Trung ương của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

PV: Dư luận gần đây rất quan tâm đến sự phát triển của hoa Lan Đột Biến, vậy ở Hà Nội thì phong trào này phát triển ra sao?

 Ông Vương Xuân Nguyên: Ở Hà Nội, với những loại hoa lan khác lạ về hình thái bên ngoài nhưng do chưa xác định được bằng công nghệ giải cấu trúc Gen bên trong nên Hội Lan Hà Nội đã thống nhất gọi chung là Lan VAR bao gồm Lan Đột Biến Di truyền và Lan Biến Dị do Tái tổ hợp hoặc do Thường biến. Trong đó từ VAR được viết tắt từ Variation, trong tiếng Anh có nghĩa là sự biến đổi, sự thay đổi; mức độ thay đổi, mức độ biến đổi. Cách gọi này vừa chính xác về mặt thuật ngữ vừa đúng về mặt thực tế hoạt động, tránh những tranh chấp phát sinh có liên quan.

Hoạt động sưu tầm, bảo tồn các giống lan bản địa quý hiếm trong đó có hoa Lan VAR được nhiều hội viên của Hội Hoa lan Hà Nội thực hiện từ hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, khoảng 03 năm trở lại đây, trên phạm vi cả nước có sự dịch chuyển từ các thú chơi Sinh Vật Cảnh, các thú chơi thú cảnh, vật nuôi nước ngoài khác sang chơi hoa Lan VAR tạo thành phong trào rầm rộ, nhất là sau khi tác động bởi các điều kiện kinh tế xã hội do đại dịch COVID19 gây ra từ đầu năm 2020 đến nay.

cv1-1623395938.jpg

Trang 1 Văn bản số 1692/UBND – NC của UBND TP. Hà Nội

Sự phát triển quá “nóng” của một thú chơi mới được công nhận là một nghề, bên cạnh những mặt tích cực như giảm nhập khẩu các loại hoa cây cảnh, các thú chơi sinh vật cảnh khác có nguồn gốc từ nước ngoài; tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất hoa cây cảnh trong nước; thu hút các nguồn tiền nhàn dỗi trong dân cư đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; tạo thêm công ăn việc làm cho một bộ phận lao động…Tuy nhiên, cũng phát sinh ra nhiều hệ lụy mặt trái gây hoang mang dư luận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự: Hoạt động lừa đảo, trộm cắp và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan (đã được nêu tại Văn bản số 1692/UBND – NC) nhằm chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ cả tin, thiếu những hiểu biết và kiến thức nhất định về Lan VAR (Nhất là việc chưa phân biệt rõ bản chất thế nào là Lan Đột Biến, thế nào là Lan Biến Dị do tái tổ hợp, Lan Biến Dị do thường biến). Những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa lan nói chung, Lan VAR nói riêng của những chủ thể chân chính, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của những người hoạt động Sinh Vật Cảnh Thủ đô.

lan111-1623396615.jpg

Một loại lan VAR được người yêu lan Hà Nội đặt tên Trắng Tràng An

Kết quả buổi phối hợp cùng Phòng Hình sự, Công an TP. Hà Nội vào ngày 10/6/2020 với các bị hại cho thấy: Cả người mua, người bán, người muôi giới mua bán lan đột biến trong các vụ lừa đảo gần đây không phải là Hội viên Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội, cũng không phải là những nhà vườn có kinh nghiệm hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa lan trên địa bàn Hà Nội, mà phần lớn là những mới bước vào kinh doanh hoạt động Lan VAR, người đến từ các tỉnh/thành lân cận Hà Nội. Người bị hại phần đông là cả tin vào sự giới thiệu của người thân, bạn bè. Phương thức giao dịch được thực hiện qua mạng xã hội và không được thể hiện chặt chẽ bằng các hình thức hợp đồng với các điều khoản rõ ràng như giao dịch đối với các loại hàng hóa khác.

PV: Vậy từ thực trạng đó, thì Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội trong thời gian tới có những giải pháp nào để một mặt phòng ngừa hành vi lừa đảo, một mặt bảo vệ những người sản xuất và kinh doanh lan VAR chân chính?

Ông Vương Xuân Nguyên: Vừa qua, Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội đã triển khai một số giải pháp nhằm kịp thời phòng ngừa và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán, trao đổi, chuyển nhượng hoa Lan VAR, cũng như để kịp thời bảo vệ người tiêu dùng, hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa lan chân chính.

Cụ thể, Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, hội thành viên, người sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ có liên quan Lan VAR và người dân về các nội dung chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về phòng ngừa và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán, trao đổi, chuyển nhượng hoa Lan VAR tại Văn bản số 1692/UBND – NC ngày 01/06/2021. Và phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện các nội dung có liên quan đến văn bản nêu trên.