Cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Đào Duy Anh là hành trình đi từ tinh thần yêu nước, yêu văn hóa dân tộc đến hoạt động khoa học. Ông là một học giả uyên bác với vốn tri thức Bách Khoa sâu rộng, giáo sư Đào Duy Anh là người thầy của những thế hệ xử gia đầu tiên được đào tạo sau Cách mạng Tháng Tám. Những công trình nghiên cứu của ông đã khai phá và đặt nền móng cho sự hình thành của nền sử học và nền văn hóa học hiện đại Việt Nam.
Đào Duy Anh “ Con chim Tinh Vệ” suốt đời lấp biển học.
Giáo sư Đào Duy Anh sinh năm 1904 tại Thanh Hóa trong một gia đình Nho học. Năm 1923, sau khi tốt nghiệp trường Quốc Học Huế, ông đã chọn nghề giáo chứ không chịu làm công chức cho chính quyền thực dân Pháp. Năm 22 tuổi, ông đã có nhiều bài viết về thời sự trong nước đăng trên tờ báo "Écho Annamite" của Nguyễn Phan Long ở Sài Gòn. Sau khi gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc này là Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ ở Đà Nẵng, ông cùng cụ sáng lập báo "Tiếng Dân". Năm 24 tuổi, ông sáng lập Quan Hải Tùng Thư với sự cộng tác của nhiều tri thức yêu nước như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu... Đồng thời, xuất bản sách phổ cập về tư tưởng khoa học, tư tưởng duy vật, lịch sử nhằm mở mang dân trí và ngầm truyền bá tinh thần yêu nước. Ông cũng dịch nhiều đầu sách để góp phần đấu tranh chính trị và văn hóa. Với bút danh Vệ Thạch, Đào Duy Anh tự ví mình như con chim Tinh Vệ, nguyện suốt đời ngậm đá để lấp biển học mênh mông. Với niềm đam mê và nghị lực phi thường, giáo sư Đào Duy Anh đã tìm tòi nghiên cứu, tự trang bị cho mình vốn cơ sở kiến thức rộng lớn Đông Tây Kim Cổ, bao gồm nhiều ngành khoa học xã hội. Lĩnh vực đầu tiên mà ông quan tâm là từ điển học. Ông đã xuất bản hai bộ từ điển lớn là "Hán Việt Từ Điển" và "Pháp Việt Từ Điển". Đây là những công cụ tra cứu vô cùng hữu hiệu thời bấy giờ, đồng thời là cầu nối giữa hai thế hệ gồm lớp người già theo nho học và lớp người trẻ theo Tây học. Năm 1974, từ điển "Truyện Kiều" của ông ra đời và trở thành cuốn từ điển tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam. Những tác phẩm này của ông đã đặt cơ sở cho từ điển học hiện đại Việt Nam.
Năm 1938, tác phẩm "Việt Nam Văn Hóa Sử Cương" của giáo sư Đào Duy Anh cùng với "Văn Minh An Nam" của giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã đánh dấu và đặt nền tảng hình thành nền văn hóa học Việt Nam hiện đại trên tinh thần khoa học dân tộc. Từ đây, ông chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu văn hóa. văn học với nhiều công trình nổi tiếng như Khổng Giáo Phê Bình Tiểu Luận, Trung Hoa Sử Cương, Khảo Luận về Kim Vân Kiều"...
Cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại.
Có thể nói lịch sử là lĩnh vực khoa học mà giáo sư Đào Duy Anh dốc nhiều tâm sức nhất. Ông coi lịch sử là phương tiện tốt nhất để thức tỉnh tinh thần yêu nước, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trong nền sử học thế giới và khu vực. Năm 19, ông cho xuất bản hai bộ giáo trình nổi tiếng là Lịch sử Việt Nam và Cổ sử Việt Nam. Một năm sau, ông bổ sung và viết lại thành tác phẩm Lịch sử Cổ đại Việt Nam gồm bốn tập. Đồng thời, cho ra mắt cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời. Bên cạnh đó, ông còn hiệu đính, biên dịch, chú giải hàng loạt tác phẩm như Lịch Triều Hiến, Trương Loại Chí, Đại Nam Lục, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nguyễn Trãi Toàn Tập, Đại Nam Nhất Thống Chí, Hoa Tiên Truyện, Truyện Kiều trong văn hóa Việt Nam… Trong thời gian giảng dạy tại trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, ông đã đào tạo nhiều khóa sinh viên của khoa Lịch sử, những thế hệ sử gia đầu tiên của nền Đại học Việt Nam độc lập, trong đó, nhiều người trở thành giáo sư, phó giáo sư và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển sử học hiện đại của đất nước. Năm 2000, ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tên của ông được ghi vào bộ từ điển "Le Robert" của Pháp, với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư thời hiện đại. Có thể nói, với khối di sản khổng lồ và vô giá trên nhiều lĩnh vực, giáo sư Đào Duy Anh đã trở thành tượng đài cho lớp lớp thế hệ những nhà nghiên cứu khoa học xã hội noi theo.