Giáo sư Phan Trọng Luận, người thầy của những người thầy

Năm 1969, Phan Trọng Luận đưa ra chuyên luận “Rèn luyện tư duy giáo dục văn học" đặt ra vấn đề cấp bách là dạy văn phải chú ý đến vai trò người học văn. Cùng với tư duy logic, người giáo viên phải khuyến khích sự phát triển năng lực tư duy hình tượng, tư duy sáng tạo cho học sinh. Đây là lần đầu tiên vai trò chủ thể học sinh được Giáo sư Phan Trọng Luận đặt ra như một hoạt động ‘khoa học bức xúc’ gợi mở hướng tiếp cận căn bản vấn đề Dạy và Học.

gs-phan-trong-luan-1623862964.jpgGS.NGND Phan Trọng Luận

   Trong một lần mấy ‘Ông Đồ Nghệ thời hiện đại ‘ gặp nhau ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng hàn huyên chuyện đời và chuyện nghề, khi điểm danh đến Giáo sư Tiến sỹ Phan Trọng Luận, Giáo sư Nguyễn Đình Chú nói rất hay mà dí dỏm: - Anh là thầy học con nhà nòi rất mực thông minh. Cụ cố nội của anh như thế, ông nội của anh như thế, thân phụ của anh như thế, chẳng có cớ gì mà không có một Phan Trọng Luận như thế...?

    Phan Trọng Luận sinh năm 1927 trong một gia đình dòng dõi khoa bảng yêu nước và cách mạng ở làng Đông Thái xã Châu Phong huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Cụ cố nội là Phan Nhật Tĩnh (1816- ?) đỗ Tiến sỹ khoa thi Nhâm Tý (1872) đời vua Thiệu Trị, làm Tổng đốc Hải Dương, sau kỳ phúc hạch Văn quan (1853). được thăng Tế tửu Quốc Tử Giám . Ông nội là Phan Trọng Mưu (1851-1904) đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Mão (1879) đời vua Tự Đức, được bổ nhiệm làm Tri phủ Hoài Đức. Một thời gian ngắn ông bỏ quan về quê hương tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp Bị bắt giam rồi được tha, làm nghề dạy học. Cha là Phan Trọng Quảng (1902-1984) từ nhỏ học chữ Hán rồi học trường Pháp-Việt... Tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 1926 cùng Trần Phú dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu rồi gia nhập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Hoạt động ở Lào, Nam Kỳ... bị địch bắt đày ra Côn Đảo đến năm 1937 mới được tha. Trở về quê hương tiếp tục hoạt động ở Liên khu IV với nhiều trọng trách. Cả cụ cố, ông nội và cha đều là những người am hiểu thời thế giỏi văn chương.

    Sau khi tốt nghiệp loại ưu Đại học Sư phạm Hà Nội, Phan Trọng Luận được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với sự nghiệp “Trồng người”, bằng tâm huyết và tài năng, ông đã có những đóng góp xứng đáng. Chỉ tập trung để nghiên cứu chuyên sâu vào 2 vấn đề: Phương pháp và Phương pháp luận, Giáo sư NGND Phan Trọng Luận cùng đồng nghiệp đã góp phần đưa khoa học học dạy văn và học văn trong nhà trường lên một vị thế xứng đáng, vững chắc toàn diện và hiện đại hơn. Công trình nghiên cứu và ứng dụng của ông đánh một dấu mốc quan trọng quá trình xây dựng và phát triển khoa học dạy văn và học văn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta.

   Nhớ lại những năm cuối thập kỷ năm mươi đến sáu mươi, nền giáo dục cách mạng còn non trẻ, với khoa Sư phạm Ngữ văn thì dạy văn chưa ý thức được đó là một môn khoa học độc lập, nội dung giáo trình phương pháp dạy văn chỉ quan tâm đến tác phẩm, chỉ thấy công việc của giáo viên. Giáo sư Đặng Thai Mai là người có công xây dựng cơ sở lý luận ban đầu cho bộ môn Giảng văn nhưng cũng chỉ đặt vấn đề có tính chất gợi mở. Với mong muốn nâng cao chất lượng giảng dạy văn học, nhiều nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, ngôn ngữ học có uy tín như Lê Trí Viễn, Đới Xuân Ninh, Tạ Phong Châu, Bùi Văn Nguyên, Hoàng Tuệ Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử... cũng quan tâm bàn thảo nghiệp vụ dạy văn. Tuy nhiên do xuất phát điểm không đồng bộ, hướng tiếp cận dạy và học văn vẫn là văn bản nên mối quan tâm của người dạy chỉ chú ý giới thiệu bối cảnh và tác gia, phân tích và bình giá tác phẩm. Vì vậy 3 yếu tố cơ bản là tác phẩm, phương pháp dạy và phương pháp học thì yếu tố thứ 3 lại chưa được quan tâm một cách thỏa đáng.

   Trong thực tế, để phân tích và bình giá tác phẩm cho đúng, trúng và hấp dẫn là công việc khó. Câu phương ngôn “Văn học là Nhân học “ đã đi vào đời sống xã hội, vì vậy dạy văn là dạy người, là thiết thực góp phần giáo dục, bồi dưỡng trí tuệ tâm hồn và nhân cách con người.

   Thời kỳ đó, một số đồng nghiệp đã mạnh dạn đi vào thể nghiệm nhưng gặp không ít khó khăn. Phan Trọng Luận đã tiếp thu và sáng tạo những kinh nghiệm về phương pháp của ta và các nước, áp dụng quan điểm khoa học liên nghành để tiếp cận đồng bộ phương pháp dạy và học văn.

   Năm 1969, Phan Trọng Luận đưa ra chuyên luận “Rèn luyện tư duy giáo dục văn học" đặt ra vấn đề cấp bách là dạy văn phải chú ý đến vai trò người học văn. Cùng với tư duy logic, người giáo viên phải khuyến khích sự phát triển năng lực tư duy hình tượng, tư duy sáng tạo cho học sinh. Đây là lần đầu tiên vai trò chủ thể học sinh được Giáo sư Phan Trọng Luận đặt ra như một hoạt động ‘khoa học bức xúc’ gợi mở hướng tiếp cận căn bản vấn đề Dạy và Học.

    Năm 1977, Phan Trọng Luận lại cho xuất bản cuốn “Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường “. Đây là một công trình tương đối dày dặn bao gồm cả một hệ thống luận điểm vừa cơ bản lại vừa mới mẻ trong khoa học dạy văn lần đầu tiên được đề cập một cách liền mạch với mục đích khơi dậy và phát huy được những yếu tố nội sinh của cả người dạy và người học nhằm tiếp cận văn học theo hướng tích cực. Năm năm sau đó, Phan Trọng Luận tiếp tục ra mắt chuyên luận “Cảm thụ văn học-Giảng dạy văn học” đem đến những thông tin mới về lý thuyết tiếp nhận văn học theo một cách tư duy đúng đắn.

   Với uy tín nghề nghiệp, cuối những năm tám mươi  Giáo sư Phan Trọng Luận được Bộ Giáo dục Đào tạo giao trọng trách Tổng Chủ biên bộ giáo trình “Phương pháp dạy học văn”. Đây là một bộ sách có một hệ thống lý thuyết cơ bản vừa chuyên sâu về khoa học dạy văn học trong nhà trường nước ta, nêu lên những luận điểm khoa học mới về phương pháp tiếp cận văn học trong điều kiện lịch sử cụ thể Sách có lý luận hàm súc vừa có tính thực tiễn ứng dụng nghề nghiệp cao. Ngay sau khi bộ sách phát hành đã thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với người đọc, nhất là đội ngũ giáo viên. Để đáp ứng yêu cầu sử dụng, sách đã được tái bản tới 10 lần, mỗi lần từ ba đến năm ngàn bộ. Mỗi lần tái bản lại được tác giả bổ sung hiệu chỉnh để đến nay “Phương pháp dạy học văn trở thành bộ giáo trình tiêu chuẩn để dùng chung cho tất cả các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm trong cả nước.

     Bước sang thế kỷ XXI sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, văn học nhà trường nói riêng đang đứng trước thử thách và vận hội mới. Cách nhìn nhận thấu đáo của Giáo sư Phan Trọng Luận được thể hiện rõ trong chuyên luận “Văn học- Giáo dục thế kỷ XXI” đề cập nhiều vấn đề đối mới nhưng vẫn mang tính chất chiến lược về giáo dục và giáo dục văn học trong nhà trường với mục tiêu là giải phóng tiềm năng sáng tạo của học sinh sinh viên và xã hội  Đây cũng là thời điểm xuất hiện nhiều ý kiến phiến diện, trái chiều và cực đoan về đổi mới do không am hiểu tính chất đặc thù cũng như thực tiễn đời sống Văn học học đường. Chuyên luận “Văn học nhà trường:-Nhận diện-Tiếp cận-Đổi mới “ của Giáo sư Phan Trọng Luận đã đặt ra yêu cầu và mục đích lớn hơn là Nhận diện đúng bản chất và đặc thù của văn học nhà trường, qua đó phải có phương pháp tiếp cận hệ thống với việc dạy và học văn. Những giờ lên bục giảng, thầy không lạm dụng cách ‘bình giảng hàn lâm’ và khung cảnh văn hoá nhà thờ độc tôn chỉ có người giảng và người nghe như trước đây. Thay vào đó là những tiết học sinh động, có thảo luận có đối thoại trao đổi, để từ đó rút ra kết luận khoa học. Ông rất tâm đắc khi đọc lại câu nói của Là Sơn phu tử Nguyễn Thiếp: Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm ! để nhắc nhở sinh viên.

   Đã vào tuổi ‘thất thập’ được nghỉ ngơi theo chế độ nhưng với sự tin cậy của ngành và lòng ham mê có trách nhiệm với nghề nghiệp, Giáo sư Phan Trọng Luận đảm nhận làm Tổng Chủ biên 3 bộ sách “Ngữ văn Trung học phổ thông (10 - 11 - 12) ông đã cùng các soạn giả chạy đua với thời gian để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông tiếp tục làm Chủ biên và cùng Tiến sỹ giảng viên Phạm Thu Hương viết chung 2 bộ giáo trình gồm “Dạy học theo chuẩn kiến thức và kỹ năng” và “Thiết kế bài học ngữ văn “ cho cả ba lớp bậc Trung học phổ thông. Ông còn tranh thủ thời gian khảo sát để xây dựng giáo trình “Phương pháp dạy và học văn” bậc đại học cho các trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Cần Thơ...

   Giáo sư Phan Trọng Luận là thành viên ban biên soạn Từ điển Hồ Chí Minh. Những tác phẩm tiêu biểu của ông đã được tập hợp và xuất bản trong Tuyển tập Phan Trọng Luận-NXB Giáo dục-2005.   

    Với quá trình lao động khoa học nghiêm túc và không mệt mỏi, Giáo sư-NGND Phan Trọng Luận đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý và xứng đáng Trong đó cụm công trình “Lý luận và phương pháp dạy học Văn học” đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ đợt 1 năm 2000. Niềm hạnh phúc lớn lao hơn khi ông  được giới học giả và đồng nghiệp tôn vinh là chuyên gia hàng đầu về Phương pháp-Phương pháp luận dạy học văn, là “Người thầy của những người thầy “ của nền giáo dục cách mạng Việt Nam  

    Sau 35 năm kể từ khi tác phẩm “Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường” phát hành rộng rãi trong ngành giáo dục, Giáo sư Phan Trọng Luận đã tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học và học sinh sinh viên. Tuy người đọc dành nhiều lời khen ngợi nhưng mỗi lần đọc lại tác phẩm, ông đã nhận ra những hạn chế như khi dẫn dụ chi tiết chưa coi trọng và đi sâu vào giá trị biểu đạt bề rộng. Ý định viết tiếp một chuyên luận nhằm bổ sung khắc phục những khiếm khuyết đó được ông thực hiện vào khoảng giữa năm 2012. Trong lời nói đầu tác phẩm, Giáo sư Phan Trọng Luận nêu rõ: - Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay cuốn sách của tôi ngày càng bộc lộ những bất cập, hạn chế. Hạn chế nhất là quan niệm về văn bản như một hệ thống khép kín, mối quan hệ giữa tác phẩm và bạn đọc nói chung còn bị coi nhẹ. Phương pháp giảng dạy vẫn còn quá coi trọng văn bản và giảng viên, chưa xác định đúng mức vai trò của chủ thể và tính chủ động của người tiếp nhận...”

   Say mê với khoa học khi tuổi đã cao sức khỏe giảm dần, Giáo sư-NGND Phan Trọng Luận đã từ giã cõi đời vào ngày 19 tháng 10 năm 2013 khi cuốn chuyên luận dày 200 vừa mới được hoàn thành ở dạng bản thảo. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nơi ông gắn bó nghề nghiệp gần như suốt cả cuộc đời, đào tạo hàng vạn thấy cô giáo bậc đại học và trung học phổ thông cho đất nước. Trong tâm tưởng và việc làm hôm nay, họ luôn nhớ và tri ơn ông-Nhà sư phạm mẫu mực, một người thầy đáng kính, một nhà khoa học có bề dày thành tựu và cống hiến. Rất nhiều việc làm cảm động thể hiện tình cảm và nghĩa cử thầy trò để lại những ấn tượng đẹp, trong đó câu chuyện “Một người thầy không biết mặt “ kể câu chuyện một thanh niên ở tỉnh Bạc Liêu ngày đi làm kiếm sống tối về tự học. Khi đọc sách tham khảo có nhiều bài viết của Giáo sư Phan Trọng Luận về Phương pháp tự học. Thầy cho rằng tự học là tất yếu đối với mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội trong khi Tri thức được coi là kho tài nguyên vô tận nhưng Quỹ thời gian của mỗi con người là hữu hạn. Ông nêu bật việc coi trọng con đường tự học và sự lên ngôi của các loại hình giáo dục và đào tạo không chính quy. “...Ông khơi trúng vấn đề, bàn sâu nói kỹ cứ như là Giáo sư Phan đang nói chuyện riêng với tôi, chỉ cho tôi con đường riêng để đi tới hợp với hoàn cảnh của mình. Tôi thực sự bị chinh phục trước những kiến giải đó để kiên trì tự học...”

   Sau khi tốt nghiệp trung học, anh tiếp tục lấp lỗ hổng kiến thức về tin học, tâm lý học, mỹ học, triết học, lý luận văn học, ngôn ngữ học... Anh cho rằng: Chẳng trở thành Bảng nhãn, Thám hoa nhưng tôi đã có vốn chử nghĩa cần thiết để dấn thân với đời. Nhìn lại sự thành công của tôi có đóng góp mang tính định hướng và động viên của Giáo sư-NGND Phan Trọng Luận...”

   Chắc rằng Giáo sư-NGND sẽ rất viên mãn và tự hào với hậu thế của đất nước khi ông đã về nơi giành cho “Thế giới Người Hiền”

 Đ.N

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 - Địa chí huyện Đức Thọ

 - Gia phả họ Phan Trọng-Đông Thái

 - Từ điển Nhân vật Xứ Nghệ

 - Các nhà Khoa Hà Tĩnh