Giáo sư Vũ Khiêu bàn về đức trị và pháp trị trong công tác xây dựng Đảng

Trước thềm Đại hội thứ XIII của Đảng, gợi nhớ trong chúng tôi những kỷ niệm về năm tháng được gần gũi giúp việc nhiều vị lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, nhà văn hóa, khoa học tiêu biểu…Trước mỗi kỳ Đại hội, họ luôn trăn trở và kỳ vọng về những chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh; thực sự xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân; đủ sức lãnh đạo nhân dân ta, đất nước ta ngày càng trở nên vẻ vang, hùng cường như tâm nguyện thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu!

Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/01 - 02/02/2021 tại Hà Nội

Thực tiễn sau 35 năm đổi mới đất nước cho thấy, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thì công cuộc đổi mới toàn diện đất nước còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Trong đó, Đảng ta cũng đã thẳng thắn chỉ ra, tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức, lối sống trong một phận cán bộ, đảng viên là một trong những nguy cơ đe dọa đến tồn vong của chế độ, sự phát triển bền vững của đất nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng.

Nguyên nhân của thực trạng đó, đã được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tâm huyết chỉ rõ: Chính những yếu kém trong quản lý, những sơ hở và bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật và phương thức điều hành các hoạt động của chúng ta đã dẫn tới những tiêu cực, những biến dạng lệch lạc trong đời sống đạo đức - tinh thần của xã hội. Việc xem nhẹ công tác giáo dục đạo đức và tư tưởng chính trị, không chú trọng thực hành và rèn luyện đạo đức, nhất là đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức của thành niên, sinh viên, học sinh, của các tầng lớp nhân dân nói chung trong đời sống hằng ngày đã làm suy giảm mối quan tâm xã hội tới vấn đề đạo đức...Tính khuôn sáo, giáo điều và chủ nghĩa hình thức trong giáo dục đạo đức đã cản trở và gây ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này - một nhiệm vụ chủ yếu, căn bản thuộc về nội dung của cuộc cách mạng tư tưởng và văn hoá, của xây dựng văn hoá và đời sống văn hoá tinh thần ở nước ta.

Từ mối suy tư đó, ngay sau Đại hội lần thứ X của Đảng năm 2006, nhóm các nhà khoa học gồm: Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý; Giáo sư Vũ Khiêu; Giáo sư Nguyễn Đức Bình; Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn; Giáo sư Hoàng Chí Bảo; Giáo sư Nguyễn Văn Huyên; Phó giáo sư Lê Đức Quý; Phó giáo sư Đặng Cảnh Khanh; Phó giáo sư Thang Văn Phúc; Phó giáo sư Hồ Sĩ Quý; Tiến sĩ Phạm Văn Lang; Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh và Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã xuất bản cuốn sách: "Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay vấn đề và giải pháp".

Cho đến nay, những nội dung của cuốn sách vẫn thực sự là những lời khuyến nghị tâm huyết, có giá trị thực tiễn và thời đại, chan chứa tình cảm với Đảng, trách nhiệm với Đất nước, xuất phát từ mong muốn Đảng ta tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc dạy đạo đức công vụ đồng thời với việc tuyên truyền, giảng dạy tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; Tiếp tục quan tâm đến mặt Văn hóa – Xã hội – Con người một cách toàn diện gắn với nhiệm vụ: “Phát triển kinh tế là trung tâm, Xây dựng Đảng là then chốt; Coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”.  

Cuốn sách được xuất bản năm 2006 nêu nhiều vấn đề đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự

Cuốn sách đề cấp đến một số nội dung chính như: Những vấn đề chung về đạo đức xã hội; Đời sống đạo đức xã hội ta hiện nay; Thực trạng, nguyên nhân, phương hướng và giải pháp xây dựng đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay được chia thành 09 chương với hơn 300 trang.

Trong đó, bằng chiều sâu nghiên cứu về văn hóa, triết học, tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng…,Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã tập trung đi sâu phân tích và làm rõ vấn đề "Đức trị và Pháp trị ở Việt Nam" đặt trong mối liên hệ với việc học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây thực chất là vấn đề rèn luyện Đạo đức cách mạng và xây dựng nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong công tác xây dựng Đảng - một vấn đề đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đang Ðẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để góp phần thiết thực trong công tác xây dựng Đảng; Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Xây dựng đất nước kiên định theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì những vấn đề được Giáo sư Vũ Khiêu phân tích, bàn luận trong bài viết nêu trên là những bài học kinh nghiệm quý báu.

Trong bài viết, Giáo sư Vũ Khiêu đã đi từ những vấn đề khái quát về Đức trị và Pháp trị trong xã hội phương Đông, trong lịch sử Việt Nam đến quan điểm Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đức trị và Pháp trị. Từ đó, tác giả rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá về sự kết hợp giữa Đức trị với Pháp trị trong giai đoạn hiện nay.

Trong đời sống văn hoá phương Đông (chủ yếu là các nước Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản), Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo là những học thuyết tư tưởng có ảnh hưởng đến Đức trị và Pháp trị ở từng giai đoạn với mức độ khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của giới cầm quyền.

Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng, Nho giáo chủ trương đức trị, nghĩa là lấy đạo đức để răn dạy con người và từ đó ổn định xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Đối lập với tư tưởng đức trị là tư tưởng pháp trị mà đại biểu là Quản Trọng, Thân Bất Hại, Thương Ưởng, Hàn Phi, Lý Tư...Nho giáo thường coi đức trị là Vương đạo, còn pháp trị là Bá Đạo. Vương đạo dùng chính giáo, bá đạo dùng hình pháp.

Từ sự phân tích các thiết chế phong kiến quá các triều đại cụ thể, Giáo sư Vũ Khiêu kết luận, tư tưởng đức trị và pháp trị thời phong kiến đều có tính chất phiến diện. Những tư tưởng ấy đều là những biện pháp khác nhau của giải cấp phòng kiến sử dụng để lừa bịp và đàn áp nhân dân mà thôi. Không thể có đức trị khi giới cầm quyền sống xa hoá, hưởng lạc trên xương máu và mồ hôi của nhân dân. Cũng không thể có pháp trị một cách nghiêm chỉnh khi giới cầm quyền sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn tàn bạo để đàn áp nhân dân, bất chấp cả pháp luật. Trên con đường tiến hoá của nhân loại và của các dân tộc Đông Á, sự thống nhất đạo đức và pháp luật chỉ có thể được thực hiện trong một xã hội dân chủ và nhân đạo trên cơ sở lợi ích của toàn thể nhân dân.

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu

Vậy còn vấn đề Đức trị và Pháp trị trong lịch sử Việt Nam thì sao? Theo Giáo sư Vũ Khiêu, qua chiều dài của lịch sử, con người Việt Nam đã từng chinh phục hoàn cảnh và hoàn cảnh đã từng bước làm biến đổi còn người. Mối quan hệ ấy đã từng đem lại cho người Việt Nam những đức tính cần thiết để vừa khắc phục thiên nhiên, vừa cải tạo bản thân vì sự tiến bộ xã hội và hạnh phúc của con người. Quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ ấy đã tạo nên ở dân tộc Việt Nam ý thức về quy tắc đạo đức và pháp luật tối thiểu để tồn tại và phát triển.

Đối với nhân dân Việt Nam, giá trị đạo đức cái nhất chính là tinh thần chiến đấu hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của cộng đồng. Đó là nguyên tắc lớn đầu tiên của pháp luật quốc gia phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Sở dĩ, Giáo sư Vũ Khiêu nhận định như vậy là xuất phát từ luận điểm, trải qua hơn một nghìn năm chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, nhân dân ta không chịu khuất phục đã liên tục nổi dậy chiến đấu và cuối cùng, với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền, nhân dân ta đã giành lại toàn vẹn chủ quyền dân tộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của đất nước.

Và điều đó tiếp tục được củng cố trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, khi các triều đại nối tiếp nhau trị vì, có hưng thịnh, có suy thoái, nhưng tinh thần yêu nước, chí khí quật cường, ý thức về chủ quyền và thống nhất đất nước không hề bị lay chuyển; trái lại, nó luôn luôn vượt qua mọi thử thách, ngày càng tỏ rõ những phẩm giá cao đẹp nhất, là cốt lõi bền vững nhất của truyền thống đạo đức dân tộc. Đồng thời, nó cũng là nền tảng tư tưởng cho sự hình thành và phát triển những nhân tố tích cực trong nền pháp chế của nhà nước phong kiến Việt Nam qua nhiều thế kỷ.

Không phủ nhận những ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo và từ sức ép của các thế lực ngoại bang, song, Giáo sư Vũ Khiêu đã chỉ rõ, lòng yêu nước, thương dân vẫn là nội dung cốt lõi của cả đạo đức và pháp luật qua các triều đại phong kiến Việt Nam nhằm xây dựng một xã hội có trật tự kỷ cương. Điều đó, được thể hiện rõ ràng hơn khi các triều đại được lãnh đạo bởi các vị vua anh minh, bề tôi tài giỏi. Những tấm gương như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung...đã biết lấy dân làm gốc, dựa vào dân, sử dụng hài hoà cả Đức trị và Pháp trị để làm nên sức mạnh của thời đại. Tiêu biểu nhất phải kể đến là vua Lê Thánh Tông, khi về mặt Pháp trị đã bán hành Bộ luật Hồng Đức hay còn gọi là Quốc triều hình luật, về mặt Đức trị là lời răn dạy quần thần và nhân dân. Ông đặt nền tảng văn hoá cho cả Đức trị và Pháp trị.

Phân tích sâu về Đức trị và Pháp trị theo dòng lịch sử Việt Nam, Giáo sư Vũ Khiêu đặc biệt nhấn mạnh, giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta đã xoá bỏ chính quyền phong kiến và thực dân, cũng đồng thời xoá bỏ tư tưởng đức trị phong kiến và Pháp trị Chủ nghĩa thực dân. Thay vào đó là đạo đức cách mạng và pháp luật của chế độ dân chủ nhân dân.

Từ tính ưu việt xuất phát từ bản chất nhà nước, dẫn tới vấn đề Đức trị và Pháp trị dần dần được hoàn thiện. Với thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, dân tộc ta đi vào bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử. Lần đầu tiên đạo đức và pháp luật không còn là những phương tiện nô dịch của giai cấp thống trị mà đã trở thành những điều kiện giải phóng nhân dân. Lần đầu tiên, đạo đức và pháp luật được đặt trên một nền văn hoá cao nhất của dân tộc và loài người. Đạo đức và pháp luật đều có chung mục tiêu là nâng cao trí tuệ, phát triển tài năng, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Người viết bài lưu niệm cùng GS. Vũ Khiêu trong dịp phỏng vấn GS về Nhà nước pháp quyền 

Bàn về tư tưởng Hồ Chí Minh với vấn đề Đức trị và Pháp trị, Giáo sư Vũ Khiêu phân tích, Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra một sức mạnh vô tận của nhân dân ta từ xa xưa đến nay: đó là sức mạnh của tinh thần. Chính dựa vào sức mạnh này mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đứng trước muôn ngàn khó khăn và thử thách, vẫn tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh đã suốt đời chăm lo giáo dục toàn Đảng, toàn dân những phẩm chất tốt đẹp nhất để hoàn thành mọi nhiệm vụ, vượt quá mọi khó khăn, đánh thắng mọi kẻ thù. Chính sức mạnh tinh thần này đã đem lại cho dân tộc ta những thắng lợi lừng lẫy trong thế kỷ XX, tạo ra bước ngoặt to lớn nhất trong lịch sử dân tộc.

Trong luận điểm này, Giáo sư Vũ Khiêu nhấn mạnh, sau Cách mạng Tháng Tám thành công và các giai đoạn xây dựng đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng, Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm đến nhân tố sức mạnh tinh thần qua giáo dục đạo đức và đề ra những chuẩn mực mới cho tư duy và hành động của cán bộ và nhân dân. Đó là đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư góp phần gìn giữ Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Giáo sư Vũ Khiêu cũng đã chỉ ra, trong sự nghiệp quản lý đất nước, Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức mà còn chú ý đến vấn đề thi hành pháp luật. Đó là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà trước hết là nhà nước hợp pháp. Bằng chứng là ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà ngày 3/9/1945, Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Hiến pháp dân chủ.

Nêu lại vụ án Trần Dụ Châu trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư Vũ Khiêu khẳng định, Bác Hồ rất đề cao phép nước, Đức trị đi đôi với Pháp trị. Bác hết lòng thương yêu dạy bảo cán bộ. Nhưng kẻ nào lạm dụng tình thương của Bác, làm hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân, làm mất thanh danh, uy tín của Đảng và Nhà nước, thì dù họ có là cách mạng kỳ cựu, là bộ trưởng, thứ trưởng, là gì đi nữa, vẫn phải đem ra xét xử theo đúng pháp luật.

Bởi theo Bác Hồ, tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, đều là bạn đồng mình của thực dân phong kiến...Nó làm hỏng tình thần trong sạch và ý chí khắc phục khó khăn của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư...Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám.

Từ những cơ sở phân tích như trên, Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng, trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, Người để lại cho chúng ta cả một triết lý nhân sinh, triết lý hành động cực kỳ sâu sắc, có ý nghĩa vô cùng mới mẻ và hiện đại mà ngày nay chúng ta cần ra sức vận dụng, noi theo. Người nhấn mạnh vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Đó là việc phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ, bị áp bức. Với Hồ Chí Minh, những giá trị đạo đức cơ bản ấy còn phải được lấy làm chỗ dựa cho việc xây dựng và thi hành pháp luật trong một nhà nước pháp quyền thực sự của Dân, do Dân và vì Dân.

Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng với chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta trong quyết tâm xây dựng và bảo vệ Đất nước ta ngày càng trở nên giàu mạnh, hùng cường. Cũng từ đó đã đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho mỗi cán bộ đảng viên đến từng tổ chức Đảng phải thường xuyên nỗ lực phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, ý thức xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Với khí thế đó, trước thềm Xuân mới Tân Sửu năm 2021, phát huy tinh thần Đại hội XIII của Đảng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng: Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước; Kế thừa những thành quả cách mạng hơn 90 năm qua; Phát huy những truyền thống tốt đẹp của ông cha; Đoàn kết, khơi dậy tinh thần dân tộc mạnh mẽ và khát vọng thời đại chân chính trong mỗi con người Việt Nam, thì vinh quang đời đời sẽ thuộc về dân tộc ta, non sông, Đất nước ta!