Gỡ vướng” thủ tục chuyển đổi đất rừng cho các dự án truyền tải điện

(Chinhphu.vn) - Do những vướng mắc trong chuyển đổi đất rừng nên hiện nay nhiều dự án truyền tải điện cấp bách đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ. Nếu những vướng mắc này không kịp thời được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giải tỏa công suất một số nguồn điện, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.

Vướng thủ tục chuyển đổi đất rừng nhiều dự án truyền tải điện chậm tiến độ

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây về triển khai các dự án điện trọng điểm, cấp bách theo quy hoạch điện VII, Bộ Công Thương nêu ra thực trạng rất nhiều dự án vướng mắc thủ tục chuyển đổi đất rừng cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để cùng tháo gỡ.

Điển hình là dự án 500 kV đấu nối nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 công tác giải phóng mặt bằng đang rất chậm. Đặc biệt là công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và công tác tái định cư đến nay vẫn chưa có chủ trương chuyển đổi.

Ngày 20/11/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Ngày 27/11/2019, UBND tỉnh Nghệ An có văn giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các đơn vị để giải trình ý kiến của các Bộ và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Hiện nay các Sở và các đơn vị liên quan đang hoàn thiện hồ sơ, để báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bộ Công Thương cho biết, nếu đến tháng 6/2020 dự án không hoàn thành thì ngành Điện sẽ phải nộp phạt cho nhà đầu tư BOT dự án nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2. Vì vậy, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, nơi có đường dây đi qua.

Những vướng mắc trong thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng đã ảnh hưởng  lớn đến tiến độ nhiều dự án truyền tải điện. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Cùng với đó, một số công trình lưới điện giải tỏa các nhà máy thủy điện ở Tây Bắc như trạm biến áp (TBA) 220 kV Mường Tè, đường dây 220 kV Mường Tè – Lai Châu cũng vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi đất rừng khiến việc giải tỏa công suất các nguồn thủy điện nhỏ khu vực này gặp khó khăn.

Đường dây 220 kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ và Nghĩa Lộ - Việt Trì phục vụ truyền tải công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc hiện nay, UBND tỉnh Yên Bái và UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Do khó khăn trong việc chuyển đổi đất rừng nên cần phải hiệu chỉnh thiết kế của dự án. Vì vậy, 2 dự án này không đáp ứng tiến độ khởi công trong quý IV/2019 theo kế hoạch mà phải lùi lại đến quý IV/2020 và dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Đáng lưu ý nhất là là sự chậm trễ của đường dây 220 kV Thượng Kon Tum - Quảng Ngãi, do thủ tục chuyển đổi đất rừng kéo dài khiến dự án không thể hoàn thành đóng điện trong năm 2019 (mặc dù kế hoạch hoàn thành là quý II/2019), đang ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ phát điện của thủy điện Thượng Kon Tum. Vì vậy, UBND tỉnh Quãng Ngãi cần quyết liệt trong công tác GPMB.

Tập trung “gỡ vướng” thủ tục chuyển đổi đất rừng cho các dự án điện

Là đơn vị thay mặt Tổng công ty truyền tải điện quốc giá (EVNNPT) trực tiếp quản lý điều hành nhiều dự án truyền tải điện, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho rằng, thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR), đặc biệt rừng tự nhiên các loại sang đất xây dựng dự án rất phức tạp, rất nhiều bộ ngành thẩm định, có ý kiến, nhiều cấp để kiểm tra rà soát, thời gian kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ phê duyệt đầu tư xây dựng dự án.

Ngoài ra, quy định hiện nay dự án và diện tích CMĐSDR phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất 5-10 năm của tỉnh, thành được Chính phủ phê duyệt, ban hành Nghị Quyết và phù hợp kế hoạch sử dụng đất được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua hằng năm.

Ảnh: VGP

Nội dung này thường gặp vướng mắc do các dự án thường không được UBND tỉnh cập nhật trong quy hoạch sử dụng đất 5 -10 năm và diện tích đất chủ đầu tư đăng ký kế hoạch sử dụng đất cho dự án tại các tỉnh chỉ là phần thu hồi đất tại phần móng trụ nên diện tích xin CMĐSDR cả hành lang sẽ không tương ứng. Ngoài ra, cũng chưa có quy định hay hướng dẫn nào của cấp có thẩm quyền cho việc diện tích CMĐSRD cần phải thu hồi đất trong hành lang an toàn.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc này, mới đây tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sớm xem xét và ban hành chỉ thị tăng cường quản lý nhà nước về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thực hiện BT-GPMB các dự án điện.

Chỉ đạo các Bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác BT-GPMB, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với các dự án điện. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An tập trung quyết liệt để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 500 kV đấu nối nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 để bảo đảm tiến độ của dự án có thể hoàn thành trước tháng 6/2020.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính để giúp tháo gỡ vướng mắc, sớm hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng, tạo điều kiện cho các địa phương và chủ đầu tư sớm triển khai các dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, nhất là các dự án nhiệt điện và đường dây truyền tải điện. Chỉ đạo các Cục chức năng hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, thống nhất cho chủ đầu tư về các hồ sơ thủ tục cấp giấy phép.

Ngoài ra, Bộ Công Thương kiến nghị UBND các tỉnh/thành phố giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án điện, nhất là các đường dây và trạm đấu nối đồng bộ với phát điện nhà máy, các dự án điện cấp bách, các dự án giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo. Chỉ đạo các địa phương trong tỉnh/thành phố phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư xử lý dứt điểm và quyết liệt các vướng mắc về GPMB. Giao Sở Xây dựng, Sở tài nguyên và môi trường bố trí chi tiết vị trí các trạm biến áp và tuyến đường dây 220, 110kV theo quy hoạch điện được duyệt vào kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm của địa phương, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư rút ngắn thời gian thỏa thuận vị trí trạm biến áp và tuyến đường dây.

                                                                                                                                    Toàn Thắng