Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm Luật Báo chí 2016 ngày 4/12/2019, tại Hà Nội. Ảnh: XC/Báo Tin tức
Đặc biệt, Luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho phóng viên tác nghiệp, đồng thời là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội, nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cản trở quá trình tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên cần sớm được sửa đổi để hoạt động báo chí phát triển, đúng theo Luật định. Đây là nhận định của đại diện một số cơ quan báo chí tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Luật Báo chí.
Bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành
Qua gần ba năm thi hành, Luật báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để báo chí, hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm, phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Những nội dung của Luật báo chí 2016 về cơ bản đã phù hợp, bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí. Luật cũng quy định rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu, hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên. Các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ cũng như đột xuất cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí cho biết, các cơ quan hành chính nhà nước đã bước đầu tích cực phản hồi thông tin của cơ quan báo chí.
Có thể nói, nội dung Luật Báo chí 2016 phù hợp với tình hình đất nước, thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, tạo hành lang pháp lý cần thiết để xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế. Luật cũng tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho các nhà báo hoạt động đúng pháp luật, nâng cao vị thế, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo; quan trọng hơn, các nhà báo được làm việc trong môi trường pháp luật có kỷ cương, có trách nhiệm tuân thủ những quy định trong Luật.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quá trình thực hiện Luật Báo chí cũng gặp nhiều khó khăn. Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc cho biết: Trên thực tế vẫn còn những quy định chung chung, chưa phân định rõ một số loại hình mới. Đơn cử như quy định: "Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng". Với định nghĩa này, chưa có sự phân biệt, lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng "báo hóa", gây khó khó khăn trong công tác quản lý. Luật Báo chí 2016 cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú cho chặt chẽ hơn. Có tình trạng nhiều văn phòng đại diện chỉ có Trưởng văn phòng có thẻ nhà báo, còn lại phóng viên thuộc văn phòng là nhân viên quảng cáo hoặc cơ quan báo chí ký với các cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về báo chí làm cộng tác viên, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực và trình độ của người làm báo. Thậm chí, có cơ quan báo chí cử phóng viên ở tòa soạn tại Hà Nội làm Trưởng văn phòng và đưa các nhân viên hợp đồng làm nhân sự tại Văn phòng đại diện ở địa phương.
Tình trạng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động không chuẩn mực gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp là do cơ quan báo chí buông lỏng quản lý đối với nhà báo, phóng viên và cộng tác viên; khoán doanh thu quảng cáo cho văn phòng đại diện dẫn đến tình trạng phóng viên sử dụng cộng tác viên và cấu kết với một số đối tượng nhằm sách nhiễu doanh nghiệp để vòi vĩnh, ép ký hợp đồng quảng cáo; viết bài chủ yếu tập trung khai thác vấn đề tiêu cực, mặt trái, vướng mắc của địa phương - ông Lưu Đình Phúc chia sẻ.
Khó khăn trong thực tiễn hoạt động
Là cơ quan thuộc Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thực hiện chức năng Thông tấn nhà nước trong việc đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện, phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng, các đối tượng khác trong và ngoài nước. Thời gian qua, TTXVN luôn tuân thủ nghiêm túc Luật Báo chí 2016 trong quá trình tổ chức nội dung, sản xuất thông tin, cũng như trong việc quản lý nhà báo, đảm bảo thủ tục cho phóng viên tác nghiệp, trong hoạt động hợp tác với các hãng thông tấn, cơ quan báo chí nước ngoài.
Cụ thể, đơn vị đã tiến hành các thủ tục cấp, đổi Thẻ Nhà báo cho 812 nhà báo; thực hiện thủ tục cấp, đổi thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cho 899 nhà báo, trong đó 141 thẻ cấp mới. Trong năm 2019 xảy ra hai trường hợp các phóng viên TTXVN thường trú tại Lâm Đồng và Tuyên Quang bị hành hung trong quá trình tác nghiệp theo đúng luật định, việc này đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan có liên quan trong việc bảo vệ nhà báo. Nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã lên tiếng ủng hộ, bảo vệ các phóng viên của TTXVN bị hành hùng, tạo dư luận tốt và có tính cảnh báo, răn đe các hành vi hành hung nhà báo. Hoạt động hợp tác quốc tế của TTXVN không ngừng được mở rộng, đảm bảo đúng tôn chỉ của Luật Báo chí 2016.
Tuy nhiên, TTXVN cũng như nhiều cơ quan báo chí khác cũng gặp một số khó khăn trong thực tiễn hoạt động Luật Báo chí. Phó Trưởng ban Ban biên tập tin Trong nước (TTXVN) Hoàng Như Hoa cho biết: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí là sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội. Nhiều thông tin báo chí đã bị cắt gọt, chỉnh sửa khi đăng tải trên mạng truyền thông xã hội. Điều này cho thấy, vấn đề bản quyền báo chí đang bị bỏ ngỏ, chưa được xử lý triệt để. TTXVN là một trong những cơ quan báo chí chịu ảnh hưởng nhiều nhất của tình trạng vi phạm bản quyền thông tin. Quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí quy định xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, vì vậy, ngay trong nội dung Luật Báo chí cũng có thể làm rõ và cụ thể hóa hơn những vi phạm bản quyền báo chí và vấn đề bồi thường thiệt hại.
Đối với quy định về việc cung cấp thông tin trên báo chí, quy định rõ quyền tiếp cận thông tin của báo chí và trả lời trên báo chí, quy định thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Thực tế cho thấy, thời hạn 30 ngày là quá dài, nhất là đối với truyền thông hiện đại ngày nay và đối với các sự kiện nóng dư luận đang quan tâm. Cơ quan chức năng chậm cung cấp thông tin cũng tạo lợi thế cho truyền thông xã hội đi trước báo chí chính thống. Thậm chí, có những cơ quan, tổ chức có biểu hiện ngần ngại, tránh tiếp xúc với báo chí, khi sự việc trôi qua rất lâu sau mới cung cấp thông tin hoặc thông báo đồng ý trả lời phỏng vấn - bà Hoàng Như Hoa chỉ rõ.
Cùng quan điểm, Phó Tổng biên tập báo Lao động Nguyễn Đình Chúc đưa ra dẫn chứng: Luật Báo chí 2016 quy định rất rõ việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí của các cơ quan công quyền, các tổ chức, các cấp chính quyền địa phương cởi mở hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, thực tế theo phản ánh của nhiều phóng viên khi tác nghiệp còn gặp không ít khó khăn. Luật đã quy định khi làm việc chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo nhưng không ít nơi còn yêu cầu giấy giới thiệu tác nghiệp, thậm chí còn gọi điện thoại về tòa soạn để xác minh nhân thân; yêu cầu xuất trình chứng minh thư hoặc thẻ căn cước công dân. Việc này gây phiền hà, tốn kém cho tòa soạn do phóng viên đi lại nhiều lần, làm mất đi tính thời sự của thông tin. Bên cạnh đó, việc quy định người phát ngôn và cung cấp thông tin cũng gây nhiều khó khăn. Có nơi người phát ngôn lấy lý do bận đi công tác, đi nước ngoài, ốm đau nhưng cũng có nơi viện lý do bận để trốn tránh, không cung cấp thông tin, từ chối trả lời báo chí . Nhiều vụ việc mang tính thời sự nóng bỏng nhưng người có trách nhiệm lợi dụng yêu cầu khi trả lời phỏng vấn phải có văn bản gửi câu hỏi, sau đó vài ngày thậm chí cả tháng, chờ cho sự việc nguội lạnh hoặc chìm xuồng mới trả lời, gây ảnh hưởng đến quá trình tác nghiệp của phóng viên.
Khắc phục những bất cập trong hoạt động báo chí
Để góp phần thực hiện Luật Báo chí 2016 đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, Phó Tổng biên tập báo Công lý Tô Lan Phương đề nghị các cơ quan chức năng triển khai việc xây dựng các nghị định, thông tư để phục vụ tốt nhất việc đưa Luật Báo chí năm 2016 vào cuộc sống. Cụ thể, thời gian tới, các cơ quan chủ quản cần nghiên cứu ban hành một số nghị định, thông tư hướng dẫn trên một số lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, liên kết, hướng dẫn quảng cáo trên báo chí; thực hiện tốt Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước để chủ động cung cấp thông tin. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần bổ sung quy định tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật báo chí, cản trở nhà báo tác nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ báo chí làm tốt chức năng phản biện xã hội. Về quy định cải chính trên báo chí, các cơ quan báo chí cần có quy chế rõ ràng trong việc đăng, gỡ bài nhất là các tin bài trên báo điện tử, phân cấp quản lý cũng như cử gười trực tiếp chịu trách nhiệm khi xảy ra sai phạm.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu, đề xuất ban hành bổ sung chế tài xử lý đối với các vi phạm trong hoạt động báo chí, phù hợp các quy định sửa đổi, bổ sung Luật báo chí 2016; đặc biệt, đối với các vấn đề: khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, không kiểm chứng để đăng tải, bình luận trên báo chí và gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín báo chí và các địa phương. Cá nhân, doanh nghiệp truyền thông tự sản xuất chương trình truyền hình cung cấp cho các hạ tầng truyền dẫn nội dung số, các phương thức truyền dẫn mới (Youtube, Facebook…) phải đăng ký liên kết sản xuất với cơ quan báo chí theo từng loại hình nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu thẩm định nội dung đối với các sản phẩm như truyền hình.
Đồng thời, Bộ cũng đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí đối với sai phạm của cơ quan báo chí; tình trạng cơ quan, tổ chức, cá nhân của các cơ quan hành chính nhà nước cố tình "né" báo chí, không chịu cung cấp thông tin cho báo chí, không thực hiện trách nhiệm người phát ngôn hoặc cung cấp thông tin sai sự thật; bổ sung quy định về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, không để tình trạng “khoán doanh thu” và không kiểm soát được hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; có cơ chế bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp đúng quy định của Luật Báo chí; xử lý nghiêm các trường hợp giả danh phóng viên.