Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9/1945 đã đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên tươi sáng. Tháng 9 hàng năm là tháng thiêng liêng luôn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần thi đua yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam. Với GS, AHLĐ. Vũ Khiêu những ngày này thật nhiều kỷ niệm và cảm xúc. Không chỉ là tháng mà bằng hữu gần xa mừng khánh thọ ông bước vào tuổi 106 (19/9/1916 – 19/9/2021) mà còn gợi nhớ trong ông những kí ức hào hùng của dân tộc 76 năm về trước. Cũng gợi nhớ về kí ức bi hùng khi ông viết Văn tế truy điệu hơn 2 triệu lương dân chết đói vào tháng 3 năm 1945 do chính sách nhổ lúa trồng đay của Phát xít Nhật gây ra. Trong sâu thẳm tâm hồn của vị Giáo sư cao niên vừa là “Anh hùng” vừa là “Nghệ sĩ" luôn dạt dào tình yêu thiên nhiên và sinh vật cảnh. Giáo sư luôn quan tâm đến hoạt động của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập tới nay.
Theo GS. Vũ Khiêu, chúng ta gần gũi thiên nhiên là bởi: “Thiên nhiên vừa là người mẹ hiền, vừa rất hào phóng, vừa rất nghiêm khắc. Dải đất bốn mùa xanh tươi của Việt Nam là một nguồn vô tận cho cuộc sống no đủ của mọi người. Nhưng cũng trên mảnh đất này lại diễn ra cảnh tượng bão lụt, hạn hán, luôn luôn hủy hoại mùa màng cướp đi cả tài sản và sinh mạng con người. Những thử thách lớn lao ấy đòi hỏi nhân dân ta phải có một khí phách kiên cường để "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa", duy trì cuộc sống của mình, đem lại sự giàu mạnh cho tổ quốc. Bao nhiêu công sức đã đổ xuống mảnh đất này, khiến một tấc đất không chỉ là tấc vàng mà còn là tấc lòng của nhân dân Việt Nam thắm đượm máu, nước mắt, mồ hôi của thế hệ này đến thế hệ khác. Con người cải tạo thiên nhiên nhưng thiên nhiên cũng cải tạo lại con người. Thiên nhiên trở thành quê hương thân thiết, tổ quốc thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân đạo, khí phách anh hùng của con người Việt Nam đã được hình thành và không ngừng được nâng cao trong sự gắn bó bền chặt lâu đời ấy giữa thiên nhiên Việt Nam và con người Việt Nam. Chỉ trong sự gắn bó ấy mà thiên nhiên mang tính thẩm mỹ và chứa đựng những cái đẹp thiên nhiên trong cuộc sống của con người" (Trích tham luận của GS,AHLĐ.Vũ Khiêu tại Hội thảo Văn hóa Sinh vật cảnh Việt Nam tháng 12/1999).
Chúng ta yêu Sinh vật cảnh là vì: “Yêu Sinh vật cảnh cũng là Tổ quốc. Bởi có quốc gia nào lại không hài hòa giữa màu xanh của thiên nhiên với trái tim đỏ của mình” (Lời tựa của GS, AHLĐ Vũ Khiêu cho sách ảnh Thiên trường Hương Sắc năm 2013).
Bằng sự nhạy cảm của một triết gia, ngay từ những năm đầu thành lập Hội, Giáo sư là người đã chỉ ra cho những người yêu sinh vật cảnh thấy rõ mối tương quan giữa “Tính thẩm mỹ và tính thực dụng của Sinh vật cảnh” để khẳng định sinh vật cảnh không chỉ ra là một thú chơi nhân văn mà là một hoạt động kinh tế sinh thái: “Cái đẹp trên mọi lĩnh vực của cuộc sống cũng như cái đẹp trong quá trình vận động từ cái thực dụng sang cái thẩm mỹ. Nói về kinh doanh Sinh - Vật - Cảnh cũng có nghĩa là đặt sinh vật cảnh trong mối quan hệ buôn bán với tư cách như hàng hóa để trao đổi…Trong cuộc sống của con người, nhiều sản phẩm lao động không chỉ mang tính thực dụng mà còn mang thêm tính thẩm mỹ. Đồ gỗ bán ở trong các cửa hàng, trước hết phải có tính thực dụng, phải được chắc, được bền, được tiện lợi. Nhưng khi nó được chế biến với một độ tinh xảo hơn, với một đầu óc thẩm mỹ hơn, nó sẽ từ hàng tiêu dùng bình thường trở thành hàng mỹ nghệ. Khi người thợ dồn cả tâm huyết và tài năng để sản xuất, họ cảm thấy tâm hồn sảng khoái đứng chiêm ngưỡng sản phẩm của mình thì dịch vụ của họ mang thêm giá trị thẩm mỹ. Quan hệ giữa họ với sản phẩm giống như quan hệ giữa nghệ sĩ với tác phẩm nghệ thuật của mình”.
Giáo sư chỉ rõ mối quan hệ và sự khác biệt giữa các sản phẩm nông nghiệp thuần túy và các sản phẩm, dịch vụ với tư cách là tác phẩm nghệ thuật sinh vật cảnh: “Khi trình độ nghề nghiệp không ngừng được nâng cao, khi chất lượng của sản phẩm ngày một hoàn thiện thì người sản xuất và kinh doanh cảm thấy không chỉ thỏa mãn về hiệu quả thị trường mà còn tự hào trước chất lượng của sản phẩm, thể hiện được tài năng Việt Nam, bản sắc Việt Nam ở rau quả của mình. Chỉ khi đó, những sản phẩm đó và những người sản xuất ra nó mới nằm trong phạm vi Sinh - Vật - Cảnh theo ý nghĩa ban đầu của nó. Trong khi rau quả không ngừng được nâng cao chất lượng để được xếp ngang hàng với các loại Sinh - Vật - Cảnh khác, thì trồng hoa, nuôi cá, nuôi chim cũng không dừng lại chỉ ở giá trị thẩm mỹ mà ngày nay còn bao gồm cả tính thực dụng. Nhưng ở đây giá trị thực dụng không mang ý nghĩa thông thường. Đây là giá trị thực dụng được sinh ra từ giá trị thẩm mỹ…Hoa cùng cây cảnh, chim cá cảnh cũng được đưa ra thị trường giống như tác phẩm nghệ thuật. Nó phải được thỏa mãn không phải nhu cầu vật chất mà thỏa mãn những nhu cầu tinh thần ngày một cao của xã hội. Tính thẩm mỹ của nó phải là nhân tố quyết định đầu tiên của sản xuất và kinh doanh. Rau quả không ngừng được nâng cao chất lượng, hoa cây cảnh được đưa ra thị trường với giá trị thẩm mỹ ngày một cao. Đó là mục tiêu phấn đấu của ngành Sinh - Vật - Cảnh”.
Giáo sư cũng chỉ rõ con đường dẫn đến sự phát triển bền vững của ngành Sinh - Vật - Cảnh: “Một mặt sản xuất và kinh doanh thành đạt sẽ cổ vũ và không ngừng nâng cao chất lượng của Sinh - Vật - Cảnh, mặt khác nội dung cao đẹp của Sinh - Vật - Cảnh sẽ đảm bảo cho hướng phát triển đúng đắn của sản xuất và kinh doanh trên lĩnh vực này”.
Nhớ năm 2002, Đại hội lần thứ III của Hội trong không khí đất nước đang bước hội nhập quốc tế, Giáo sư đã tặng Hội một đôi câu đối để kỳ vọng vào hoạt động sinh vật cảnh sẽ có bước tích cực, đem lại diện mạo mới cho đất nước trong xu thế hội nhập:
Tổ Quốc nghinh xuân, hoa thảo ngư cầm tân quốc sắc
Toàn cầu hội nhập, đông tây nam bắc đại thành công
Tại Đại hội lần thứ IV của Hội vào năm 2007, Giáo sư lại đặt ra một câu hỏi cũng là nhiệm vụ chung cho toàn thể cán bộ và hội viên trong nhiệm kỳ mới: “Một dân tộc có bề dày văn hiến mấy nghìn năm, có lẽ nào dân tộc đó cam chịu nghèo nàn mãi được? Một đất nước có bốn mùa hoa thơm trái ngọt, lẽ nào ngành sinh vật cảnh không phát triển sánh ngang với các nước trong khu vực?”.
Khi đã bước vào tuổi 96, Giáo sư có bài phát biểu đầy xúc động chào mừng thành công Đại hội lần thứ V của Hội. Kết thúc bài phát biểu là một câu đối được Giáo sư ứng khẩu tại chỗ ca ngợi sự phát triển mới về tổ chức Hội và phong trào sinh vật cảnh trên đất nước ta:
Tổ quốc bừng lên Sinh - Vật - Cảnh
Nhân dân trải khắp Trí - Nhân - Cường
Trong quỹ thời gian ít ỏi của một bậc trí giả uyên bác, một nhà văn hóa lớn, một trí thức tiêu biểu đương đại đã bước vào tuổi xưa nay hiếm có, vẫn duy trì cường độ làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày nhưng Giáo sư luôn dành thời gian tiếp đón, chia sẻ góp ý chân thành cho những người làm công tác sinh vật cảnh ở mọi miền đất nước.
Người viết bài này may mắn được gần gũi GS. AHLĐ Vũ Khiêu gần 20 năm, bằng những tình cảm trân trọng của lớp hậu sinh xin mạnh dạn chia sẻ đôi dòng tâm tình của GS, AHLĐ. Vũ Khiêu với Sinh vật cảnh và cũng mạo muội xin được kính gửi Giáo sư đôi câu đối cùng lời chúc “Giáo sư mãi được Trường Lạc Vĩnh Khang” nhân khánh thọ lần thứ 106:
LIÊM TRINH, MINH TRIẾT THÂU KIM CỔ
NGHỆ SĨ, ANH HÙNG VẠN ĐẠI CA.