Số lượng bị cáo là bao nhiêu, từng bị cáo giữ chức vụ gì, cách các bị cáo phạm tội, số tiền các bị cáo nhận hối lộ và bao nhiêu thí sinh được các bị cáo nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia năm 2017-2018 ở Hòa Bình, không làm dư luận quan tâm nhiều trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, bởi báo chí đã nói quá nhiều, quá tỷ mỷ, chi tiết.
Nhưng, điều được dư luận đặc biệt quan tâm là thái độ “tươi như hoa nở” của một số bị cáo trong tòa, bởi “cứ nhận hết đi, vợ con bên ngoài đã có các anh lo”, và nhất là câu trả lời “dậy sóng” của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, nguyên phó phòng khảo thí thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình “động cơ của tôi là do nể nang. Có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó. Vì ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.
“Gù” ở đây là những kẻ lươn lẹo, gian lận”, còn “thẳng” là những người thẳng thắn, trung thực. Lời khai của bị cáo đã làm phát lộ một sự thật rất kinh hoàng. Có lẽ không chỉ trong Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình mà còn nhiều cơ quan, tập thể khác có số lượng người “gù” rất đông, đông đến mức gần như tuyệt đối.
Chính vì thế nên mới có những trường hợp “không phát hiện mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm” hay “không phát hiện trường hợp nào tham nhũng hay kê khai tài sản không trung thực” ở các tỉnh, trong khi gái mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm vẫn “đông như quân Nguyên” hay biệt phủ chục tỷ trăm tỷ vẫn nhan nhản, sờ sờ trước mắt.
Và những chi bộ, đảng bộ đang “trong sạch, vững mạnh”, nhưng chỉ cần Ủy ban kiểm tra rờ vào một cái là những yếu kém, lập tức bị phơi bày. Không ít những ngài hôm nay đang “đường đường trướng phủ ngôi cao”, lên giọng hô hào “chống diễn biến”, hôm sau bỗng tra tay vào còng...
Người phương Tây có câu “trong một đàn quạ, thì con bồ câu chính là con quạ”, Người phương Đông có câu “trong một đám say, thì người tỉnh chính là người say”. Nay lại được bị cáo này “bổ sung” thêm một câu nữa, đó là câu “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Hay nói khác đi, là trong một đám gù, thì người thẳng chính là người khuyết tật.
Câu nói của bị cáo Liên rất đúng. Trong một tập thể toàn người lươn lẹo, gian dối, thì người thẳng thắn, trung thực chắc chắn là bị xa lánh, bị công kích, bị “bới lông tìm vết” từ những việc nhỏ bé nhất, bị coi là kẻ lập dị, ngông cuồng, và họ sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi như không được đề bạt dù rất có tài năng, thậm chí không ít người đã bị “gài bẫy” và hậu quả là nhẹ thì bị bật khỏi cơ quan, nặng thì tù tội... trong hoàn cảnh ấy, họ sẽ cảm thấy cực kỳ cô đơn ngay tại nơi làm việc của mình.
Và để không bị coi là “dị tật”, rất nhiều người, do thiếu bản lĩnh, cũng đành nhắm mắt “gù” theo số đông, dù trong lòng đầy cay đắng.
Làm thế nào để những người “thẳng lưng” ngày càng nhiều và kẻ “gù” ngày càng ít đi trong các cơ quan, trong xã hội ? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời.
Bạn đang đọc bài viết Gù và thẳng tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.