Kết tinh hương vị núi rừng
Bao đời nay, bánh chưng đã trở thành món ăn rất đỗi quen thuộc đối với mỗi người con đất Việt. Bởi vậy, bánh chưng mang trong mình nhiều ý nghĩa. Trước hết là nét đẹp về văn hóa, đó là sự cảm tạ đất trời cho một năm mưa thuận, gió hòa; lòng hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ; sự đoàn tụ, chia sẻ, yêu thương của mỗi gia đình sau một năm vất vả nhưng đồng thời cũng là món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe. Bánh chưng gù đã có từ xưa, gắn với sự hình thành dân tộc Tày và thường là công việc của phụ nữ.
Gạo để gói bánh chưng gù là loại nếp mùa hay nếp cái hoa vàng, hạt bóng mẩy và đều nhau
Có nhiều cách khác nhau lý giải về tên gọi “bánh chưng gù”, song tựu chung lại một điểm đó là bà con các dân tộc ở đây lấy hình ảnh người phụ nữ đeo gùi khi làm nương sẽ cúi xuống để làm việc. Mượn hình ảnh đó để ca ngợi vẻ đẹp, sự siêng năng cần cù của những người phụ nữ dân tộc sống trên rẻo cao.
Đối với đồng bào Tày ở Hà Giang, bánh chưng gù là loại đồ ăn không thể thiếu trong ngày lễ Tết, ngày trọng đại của gia đình, dòng họ. Nó làm nên hương vị, không khí cho bữa cơm gia đình thêm ấm cúng.
Bánh chưng gù Hà Giang hấp dẫn
Tuy nguyên liệu chế biến khá đơn giản, song để đảm bảo cho bánh có hương vị ngon, đẹp thì công đoạn chuẩn bị nguyên liệu được thực hiện rất kỹ càng. Lá dong được chọn là những lá không to quá cũng không nhỏ quá, không non quá mà cũng không già quá, nhìn lá bóng, xanh đậm, cuống nhỏ. Khi chọn được lá dong ưng ý, đem rửa sạch sẽ, phơi chỗ thoáng gió. Gạo để gói bánh chưng gù là loại nếp mùa hay nếp cái hoa vàng, hạt bóng mẩy và đều nhau. Gạo ngâm khoảng nửa ngày bằng nước lạnh sau đó vo qua, để ráo nước và xóc muối trắng lượng vừa phải cho thêm vị đậm đà. Đối với thịt lợn, loại nhân trong cùng của bánh người dân thường chọn thịt ba chỉ của con lợn ngon, được nuôi dân dã để thịt thơm và chắc. Điểm đặc sắc của bánh chưng gù tại Hà Giang mà ít nơi nào có được đó là trong cách lựa chọn nguyên liệu đặc biệt chỉ có tại địa phương. Màu xanh của bánh được bà con lấy từ nước cốt lá riềng, màu đen từ tro cây sương muối, đều là những công thức truyền thống, thịt lợn làm nhân được các hộ dân trực tiếp chọn mua lợn và tự mổ, gạo nếp là gạo Khum được đặt mua tại huyện Bắc Mê, cùng với đó là các nguyên liệu đi kèm như: Hạt tiêu, đỗ, lá dong...
Gói bánh chưng “lưng gù” ở đây cũng rất độc đáo, lá dong được xếp chồng lên nhau sau đó người ta cẩn thận cho thứ tự gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn đen, một lượt gạo bên trên rồi cuốn lá vào, gập chéo từng đầu cắt cho bằng lá, lấy lạt buộc chặt ở giữa thân bánh gù. Sau khi gói xong, người ta ngâm bánh vào nước khoảng 10 - 12 giờ để nước ngấm vào bánh và cho bánh vào nồi đun khoảng 6 - 8 giờ là chín. Bánh được luộc bằng bếp củi truyền thống không dùng bếp điện, có như vậy mới giữ được nguyên vẹn mùi vị của bánh chưng gù truyền thống của người Tày Hà Giang. Theo những hộ làm bánh lâu năm, bánh chưng gù được đun đúng cách sẽ xanh và rền, chất lượng bánh sẽ được thơm ngon nhất.
Sau khi luộc, bánh được vớt ra rửa sạch trong nước lạnh và để khô ráo vỏ ngoài. Bánh bên ngoài có màu xanh, nhân ở giữa màu vàng của đỗ xanh hòa quyện với thịt lợn. Khác với bánh chưng dưới xuôi, nguyên liệu gói bánh chưng của người Tày ở Hà Giang chủ yếu do bà con tự làm ra, vì vậy bánh ăn có vị thơm ngon tự nhiên, dẻo, không bị ngấy. Tiêu và muối trong phần nhân thịt đỗ được ướp vừa vặn, thịt tơi, mềm bánh ăn rất ngon không lo bị lại gạo. Vì vậy, bánh chưng gù có hương vị rất đặc trưng của vùng núi không nơi đâu sánh bằng.
Hơn cả một nét văn hóa
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và phân phối Bánh chưng Gù bà Dung có địa chỉ tại thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) là một địa chỉ nổi tiếng làm nghề sản xuất bánh tại Hà Giang. Sản phẩm của HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP (sản phẩm đặc trưng của địa phương) 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, HTX sản xuất trung bình khoảng 1.000 bánh/ngày, cao điểm vào dịp Tết có thể lên đến 4.000 bánh/ngày với giá bán buôn 12 nghìn đồng/bánh. Đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 - 25 lao động địa phương với mức thu nhập từ 200 – 250 nghìn đồng/người/ngày.
Người dân huyện Vị Xuyên, Hà Giang gói bánh chưng gù ủng hộ đồng bảo miền Trung
Đặc biệt, sản phẩm Bánh chưng Gù bà Dung đã có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sở hữu trí tuệ và chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quy chuẩn của Bộ Y tế. Từ đó, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Không chỉ dừng lại như một sảm phẩm văn hóa của địa phương, bánh chưng gù Hà Giang còn “vượt núi” đến với thị trường trong và nước ngoài. Trong những ngày cùng với cả nước hướng về miền Trung ruột thịt trong đợt lũ giữa tháng 10/2020, nhiều nơi ở Hà Giang đã dấy lên phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt. Rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã đứng ra tổ chức quyên góp, theo đó nhiều nhóm thiện nguyện đã và đang quyên góp được rất nhiều lương thực, thực phẩm, hàng chục ngàn chiếc bánh trưng gù đã theo xe đến tận tay đồng bào miền Trung trong cơn bão lũ.
Hàng chục nghìn chiếc bánh chưng gù đến với đồng bảo miền Trung trong đợt lũ tháng 10/2020
Ngày trước, loại bánh này chỉ xuất hiện trong ngày lễ, Tết, giỗ chạp… Tuy nhiên, hiện nay, nó đã trở thành thứ đặc sản phổ biến mà bất cứ ai tới Hà Giang đều có thể mua về làm quà tặng. Bánh chưng gù có thể để được rất lâu, đến hết tháng Giêng mà vẫn thơm ngon. Những ngày Tết trong cái rét vùng cao, được ngồi bên nồi bánh chưng sôi sùng sục khói, uống vài ba chén rượu ngô thơm nồng, quả thực không còn gì ấm cúng và thú vị bằng.