Hà Giang: Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao nơi ngoại thành

Đồng bào dân tộc Dao Áo dài sinh sống tại 8 thôn vùng cao, thuộc 3 xã Phương Độ, Phương Thiện, Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) có kho tàng văn hoá phong phú, đa dạng, độc đáo, thể hiện ở kiến trúc nhà truyền thống, trang phục, trang sức, làn điệu dân ca, dân vũ hay các lễ hội truyền thống... Tuy nhiên,giá trị văn hóa tốt đang đứng trước nguy cơ mai một, 

dan-toc-dao-1629502243.jpgNghệ nhân dân gian Bàn Văn Hào, thôn Nà Thác, xã Phương Độ thêu áo thầy, phục vụ nghi lễ quan trọng của đồng bào Dao. Ảnh: Thu Phương

Tại 3 xã ngoại thành, cộng đồng người Dao có 506 hộ với 2.670 nhân khẩu, tập trung nhiều nhất ở xã Phương Độ (207 hộ), Ngọc Đường (171 hộ) và Phương Thiện (128 hộ). Văn hóa truyền thống dân tộc Dao Áo dài phong phú và đa dạng, giàu bản sắc, gắn liền với quá trình khai phá, chinh phục thiên nhiên từ lâu đời. Điều đó được thể hiện cả trong văn hóa vật thể và phi vật thể, như: Kiến trúc nhà sàn truyền thống; ẩm thực đa dạng, phong phú mang đậm phong vị núi rừng với đặc sản từ thịt lợn đen, gà đồi, cá nướng ăn kèm xôi ngũ sắc… Riêng trang phục của người Dao Áo dài đơn giản và ít trang trí hoa văn hơn so với trang phục của người Dao Đỏ. Bộ nữ phục thường ngày gồm: Khăn đội đầu, áo dài, quần, dây lưng, xà cạp và đồ trang sức bằng bạc. Bộ nam phục với khăn đội đầu, áo, quần may bằng vải nhuộm đen hoặc chàm, không thêu trang trí.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đồng bào Dao Áo dài vẫn lưu giữ được một số lễ hội truyền thống, như: Lễ Cúng rừng, Lễ Cấp sắc, Lễ hội Bàn Vương. Trong đó, Lễ hội Bàn Vương thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đối với Tổ tiên, cầu mong một năm mới dồi dào sức khỏe, mưa thuận gió hoà, công việc làm ăn thuận lợi. Không những vậy, Lễ hội Bàn Vương còn có ý nghĩa giáo dục nhân dân sống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như ý thức vươn lên khắc phục khó khăn để làm chủ cuộc sống. Nếu như Lễ hội Bàn Vương là ngày lễ long trọng nhất của đồng bào Dao thì Lễ Cấp sắc là nghi lễ đặc trưng trong vòng đời của người Dao, đánh dấu sự trưởng thành của mỗi chàng trai Dao trong đời người. Còn Lễ Cúng rừng, trồng rừng được tổ chức trang trọng với nghi thức cúng, dâng lễ cầu mong các vị thần và Tổ tiên phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe, may mắn cho bà con. Tiếp đó, nghi thức trồng cây đầu năm được thực hiện với mong muốn đồng bào Dao giữ gìn các phong tục tập quán gắn với bảo vệ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn “lá phổi xanh” của trái đất...

Trong giai đoạn hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự du nhập của các nền văn hóa bên ngoài đã tác động không nhỏ đến ý thức của người Dao, làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa truyền thống. Ví như kiến trúc nhà ở đang dần bị bê tông hóa; trang phục truyền thống đứng trước nguy cơ mai một, do tâm lý e ngại của lớp trẻ không muốn mặc trang phục của dân tộc mình. Thậm chí, trong một số đám cưới của đồng bào Dao, cô dâu, chú rể không còn mặc trang phục truyền thống mà thay vào đó là váy cưới và bộ comle theo phong cách hiện đại. Còn lễ hội truyền thống chủ yếu do đàn ông và người lớn tuổi tham gia; những làn điệu dân ca, dân vũ, hát giao duyên dần bị quên lãng và được thay thế bằng những ca khúc nhạc trẻ…

Nghệ nhân dân gian Bàn Văn Hào, thôn Nà Thác, xã Phương Độ trăn trở: Lớp trẻ hiện nay đại đa số không am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình, thậm chí, một số ít còn không biết nói tiếng mẹ đẻ. Việc tiếp thu và giao thoa nét đẹp văn hóa giữa các dân tộc là điều tất yếu, song nếu không có tầm nhìn xa hơn để định hướng việc tiếp thu có chọn lọc và giữ gìn bản sắc dân tộc mình thì nguy cơ mai một những nét đẹp truyền thống của đồng bào Dao Áo dài sẽ hiện hữu. Đây thực sự là một trong những vấn đề cấp bách cần được các cấp, ngành quan tâm giải quyết. Bởi, một dân tộc không còn trang phục truyền thống, không có tiếng nói và chữ viết của mình thì sẽ dần đồng hóa và bị hòa tan…

Trăn trở với đồng bào Dao, mới đây, UBND thành phố Hà Giang đã ban hành Đề án bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Dao trên địa bàn thành phố, giai đoạn từ nay đến năm 2025 với nhiều mục tiêu quan trọng, như: Bảo tồn và duy trì hoạt động lễ hội truyền thống của dân tộc Dao; phấn đấu 100% đồng bào dân tộc Dao Áo dài sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình; trên 98% gia đình giữ nguyên kiến trúc nhà sàn truyền thống; 100% trang phục truyền thống của người Dao Áo dài được bảo tồn nguyên gốc; 50% số hộ người Dao được tham gia lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống và chế tác nhạc cụ; 100% tham gia lớp truyền dạy dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ dân tộc (Trống, Thanh la, Chũm choẹ đồng, Chiêng)… gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch, KT - XH một cách bền vững.