Hà Giang: Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết và lễ hội Xuân

Dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội đầu xuân 2020 dự báo nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, dẫn đến quá tải về phương tiện tham gia giao thông, nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông (TNGT). Trước tình hình đó, lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đang tăng cường các giải pháp nhằm ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn.

Theo phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hà Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ TNGT, làm chết 24 người, bị thương 14 người. TNGT nhìn chung đã được kiềm chế, giảm hai chiêu chí (số người chết 24 so với 32 người năm 2018, số người bị thương 14 so với 16 người năm 2018) nhưng chưa bền vững do đặc điểm địa hình tỉnh Hà Giang là đèo, dóc; mưa lũ, sạt lở về mùa hè; sương mù, đường chơn, trượt về mùa đông…

images1438392_a2._huong_dan_lai_xe__P.HOAN_

Lực lượng CSGT nhắc nhở, hướng dẫn lái xe an toàn trên tuyến Quốc lộ 4C. Ảnh: Phạm Hoan

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát đơn vị đã xử lý trên 37.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 10,6 tỷ đồng. Trong đó tước giấy phép lái xe có thời hạn 897 trường hợp, tạm giữ trên 2.000 phương tiện. Tạm giữ giấy tờ 866 trường hợp.

Để đạt được những kết quả trên, các đơn vị tham mưu công an tỉnh liên tục nghiên cứu, đổi mới phương thức tuần tra nhằm nâng cao hiệu quả công tác, tăng cường tuần tra, kiểm soát trong những dịp cao điểm, giờ cao điểm, kiên quyết xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, vi phạm tốc độ; phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên chốt chặn, kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải vi phạm về tải trọng, kích thước thành thùng xe trên các tuyến đường; tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp vận tải, chủ các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định khi bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng với từng loại xe; tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, nhất là tại các nút giao thông giáp ranh giữa các huyện…

Đặc biệt, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt ở một tỉnh miền núi, có mạng lưới giao thông đa dạng, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang đã luôn chú trọng thực hiện công tác bảo đảm TTATGT trên đường bộ, đường thủy nội bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về luật giao thông cho người tham gia giao thông cũng được chú trọng.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỳnh - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Để đảm bảo công tác TTATGT, kiềm chế TNGT ở mức thấp nhất, Phòng đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp cùng với công an các địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại để giám sát, ghi hình, phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT. Phòng sẽ tiếp tục tập trung đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền về Luật Giao thông nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT. Đặc biệt để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chiều sâu, đến từng người dân, khách du lịch (đặc biệt là khách du lịch nước ngoài). Công tác tuyên truyền cũng sẽ được tăng cường trong các trường học, các cấp học trên toàn tỉnh.

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, phòng Cảnh sát giao thông cùng Công an các huyện, thành phố huy động 100% quân số tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm TTATGT tại các địa điểm bắn pháo hoa, điểm vui chơi, giải trí, nơi tổ chức lễ hội. Lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, vận tải hành khách, hàng hóa của nhân dân. Trong đó tập trung kiểm tra các đối tượng kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa, xe container, xe taxi…; phối hợp với các lực lượng khác tuần tra, đấu tranh, phát hiện để kịp thời xử lý các loại tội phạm như: Buôn bán, vận chuyển pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hàng lậu, hàng giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa…

Tại các nút giao thông, trên các tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao ở các tuyến trọng điểm: QL2, QL4C… các lực lượng làm nhiệm vụ thường xuyên túc trực 24/24, tăng cường tuần tra kiểm soát các lỗi vi phạm ở mức cao, có nguy cơ gây mất ATGT như: Tránh vượt sai quy định, chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn, chở quá số người quy định…

Để kiềm chế và giảm thiểu TNGT thương tâm có thể xảy ra, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng còn cần sự vào cuộc của toàn xã hội, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi người dân.