Trống đồng cổ được dòng họ Ly lưu giữ. |
Chiếc trống cũ kỹ, nặng hơn 16 kg với những hoa văn, ký tự cổ xưa hiện được một dòng họ người Nùng lưu giữ và coi như bảo vật. Bởi chiếc trống cổ không chỉ là một kỷ vật Tổ tiên truyền lại mà nó còn gắn liền với những tín ngưỡng, tập tục cổ truyền của dân tộc Nùng và dòng họ Ly thôn Khâu Rom, xã Quảng Nguyên.
Anh Ly Văn Nghiệp mô phỏng điệu múa trống cổ truyền. |
Tìm tới ngôi nhà sàn của ông Ly Khái Chà, người giữ trống đồng của dòng họ được chiêm ngưỡng và nghe kể những câu chuyện gắn với trống đồng cổ như được sống trong thời kỳ xa xưa của người Nùng. Ông Chà là con của gia đình có truyền thống làm thầy cúng trong dòng họ Ly. Không ai trong dòng họ biết chiếc trống này có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ kể nó gắn với những tục lệ của dòng họ từ lâu lắm. Ông được bố truyền lại nên có trách nhiệm giữ gìn cho cả dòng họ, khi ai có việc cần thì nhờ thầy cúng đến làm lễ, hết lễ phải mang về trả. Điệu múa trống cũng có từ lâu lắm, không ai dạy ai, những đứa trẻ tự học từ người già, rồi trong các đám lễ tự tham gia múa. Hằng năm, vào 3 giờ sáng ngày mùng 1 Tết, trống đồng sẽ được treo ở gian giữa nhà để con cháu trong họ có thể đến đánh trống và học bài múa trống cổ truyền. Trẻ con xem người lớn rồi học theo nên điệu múa cổ được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những lúc không học múa trống, chúng lại ngồi nghe các cụ già kể câu chuyện về trống đồng và nguồn gốc Tổ tiên. Đến ngày Rằm tháng Giêng thì chiếc trống được gỡ xuống và cất đi, chỉ khi nào có người trong họ mất mới mang đi làm lễ. Trong lễ tang ma của người Nùng, trống đồng với điệu múa là không thể thiếu, giống như lời báo ơn của con cháu đến cha mẹ, thể hiện sự hiếu thuận kính hiếu Tổ tiên.
Ông Ly Khái Chà kể lại câu chuyện xa xưa về nguồn gốc chiếc trống đồng, kể về thời kỳ người Nùng thoát khỏi cuộc sống mông muội nhờ tiếng trống đồng. Những câu chuyện gắn với cặp trống đồng biết bay khiến những thầy cúng cao tay của dòng họ phải làm lễ cúng rồi chặt cánh của chúng mới giữ được. Ông Ly Khái Chà nói ở vùng này còn một chiếc trống như vậy, trống nằm dưới gốc đa bên dòng suối, ông đã đi tìm nhưng không thể thấy, rễ cây đã chùm lên bảo vệ chiếc trống. Anh Ly Văn Nghiệp, con trai ông Chà cho biết, nhiều người biết và tìm đến hỏi mua chiếc trống những gia đình không bán. Còn chiếc trống cái do một người cùng làng giữ đã cưa phần thân bán từ những năm 1990; sau khi bán phần thân trống, gia đình này gặp nhiều chuyện không may, ốm đau tai nạn liên tục nên ai cũng sợ.
Bảo tồn trống đồng cổ và điệu múa trống của người Nùng là gìn giữ những giá trị văn hóa cổ truyền, thể hiện sự kính trọng tổ tiên và nguồn gốc của dân tộc. Trước những biến động của cuộc sống hiện đại nếu không có sự giữ gìn, bảo vệ của dòng họ và cộng đồng thì những giá trị văn hóa cổ xưa sẽ bị mai một. Bởi vậy, nâng cao nhận thức và khẳng định giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đối với trống đồng Khâu Rom là cần thiết để lưu giữ lại cho thế hệ mai sau.