Thành viên Tổ hợp tác thêu dệt xã Sà Phìn (Đồng Văn) có thu nhập khá từ bán các sản phẩm du lịch. |
Đồng Văn có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, là trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ được tạo nên bởi những ngọn núi đá cao vút tầm mắt, có tới 54 di sản địa chất, địa mạo. Để khai thác những lợi thế về du lịch, huyện Đồng Văn đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Qua từng năm, cơ sở vật chất tại các điểm du lịch đã được chú trọng đầu tư như: Nhà đón khách tại xã Lũng Cú, Sà Phìn; xây dựng hồ sơ xếp hạng các di tích di sản phi vật thể; bảo tồn và tu bổ di tích Phố cổ Đồng Văn, tập trung chỉ đạo xây dựng Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, Làng Văn hóa Lô Lô Chải, xã Lũng Cú. Đồng thời triển khai xây dựng các điểm dừng chân, Nhà Bảo tàng Không gian văn hóa các dân tộc vùng Cao nguyên đá, Hang Mây xã Tả Lủng. Nâng cấp đường từ Cột cờ Quốc gia Lũng Cú ra đất mũi thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú; tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình tâm linh xã Lũng Cú.
Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huyện Đồng Văn đã có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như làm thủ tục cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế thuê đất xây dựng cơ sở hạ tầng; áp dụng chính sách ưu đãi về phát triển du lịch, dịch vụ miền núi. Khuyến khích các hộ dân tại thị trấn Đồng Văn, các xã có điểm, khu du lịch như Sủng Là, Lũng Cú, Sà Phìn tu sửa nhà, làm dịch vụ Homstay phục vụ khách du lịch. Kết quả, huyện đã khuyến khích, thu hút được nhiều tổ chưc, cá nhân đến đầu tư phát triển du lịch; đến nay toàn huyện có 47 khách sạn, nhà nghỉ, 211 nhà khách và nhà lưu trú homstay với tổng số trên 1.100 phòng ngủ và 2.300 giường ngủ; 43 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch; trung bình mỗi năm huyện Đồng Văn đón trên 300.000 lượt khách. Tính riêng trong năm 2019, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống trên 175 tỷ đồng, đạt 110,4% nghị quyết huyện giao.
Đặc biệt, nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Đồng Văn, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch trồng cây cảnh quan, hoa Tam giác mạch theo mùa dọc theo các trục đường chính, tại các điểm tham quan; có cách làm riêng trong việc sản xuất, chế biến những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương; hiện, trên địa bàn huyện đã có 13 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu và lưu hành trên thị trường, tiêu biểu như mật ong Bạc hà, thịt bò khô, đậu xị, các loại bánh chế biến từ hạt Tam giác mạch. Bồi dưỡng đội ngũ đầu bếp có đủ trình độ nấu các món ăn mang đậm bản sắc dân tộc như thắng cố, mèn mén, thịt hun khói, cháo ấu tẩu phục vụ du khách; quy hoạch, khôi phục các làng nghề truyền thống như Làng nghề tre đan xã Sính Lủng, nghề làm khèn Mông xã Hố Quáng Phìn, Làng nghề may quần áo Tà pủ dân tộc Mông tại thị trấn Phố Bảng, Làng nghề thêu dệt váy áo phụ nữ dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú, Sà Phìn, Làng nghề trạm khắc bạc thôn Lao Xa, xã Sủng Là... Cùng đó là quan tâm tới việc bảo vệ, bảo tồn và khai thác các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích tâm linh để phát triển du lịch vãn cảnh. Tính đến nay trên địa bàn huyện Đồng Văn đã có 15 di tích, di sản được công nhận, đặc biệt, Lễ hội xuống đồng của dân tộc Pu Péo, xã Phố Là là di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn khẳng định: Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch mặc dù còn có những hạn chế tồn tại nhưng nó đã thực sự tạo nên một diện mạo mới, là “cú hích” cho du lịch Đồng Văn phát triển. Những kết quả đạt được là thành quả, thể hiện sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện trong việc cụ thể hóa các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện vào cuộc sống.