Dân tộc Nùng có lịch sử sinh sống lâu đời và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Mặc dù sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc diễn ra ngày càng phổ biến, nhưng đồng bào dân tộc Nùng vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc, góp phần tạo nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng của miền đất “vỏ cây vàng”.
Điệu múa Ngựa giấy của dân tộc Nùng. |
Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin Hoàng Su Phì, hiện dân tộc Nùng chiếm 38,4% dân số toàn huyện, sinh sống ở 11/25 xã, thị trấn. Cộng đồng dân tộc Nùng vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống thể hiện qua ngôn ngữ, tín ngưỡng và những lễ hội mang đậm màu sắc. Đặc biệt phải kể đến trang phục, hiện vẫn còn nhiều gia đình tự dệt và may quần áo cho các thành viên.
Từ vải bông tự dệt được nhuộm chàm đen, phụ nữ Nùng khéo léo may thành những bộ quần áo, váy truyền thống. Trang phục của nữ giới được may cầu kỳ, gồm áo ngắn tứ thân may thành 2 lớp, có 15-20 cúc áo được làm bằng bạc, khuy áo bằng vải. Cổ áo đứng may vuông có thêu hoa văn kim tuyến, chỉ màu và trang trí những hạt bạc nhỏ khâu vào thành hình quả núi, mép cổ có khoá bạc hình mặt trời. Váy được may theo kiểu dưới xoè rộng, trên thu nhỏ, cạp váy trang trí bằng vải xanh hoặc đỏ tạo nên điểm nhấn riêng. Để giữ gìn nghề thêu, dệt truyền thống của người Nùng, huyện Hoàng Su Phì đang tích cực vận động nhân dân tạo các sản phẩm thủ công phục vụ du lịch gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Chạm bạc là nghề truyền thống lâu đời của người Nùng Hoàng Su Phì và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bạc và các trang sức làm từ bạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nùng. Từ nguyên liệu là bạc miếng, bạc hoa xòe cùng các dụng cụ thủ công như: Kéo, kìm, búa, đế gỗ, nồi đun… qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã chế tác ra các trang sức với những họa tiết, hoa văn tinh xảo, chứa đựng hồn cốt văn hóa của dân tộc. Sản phẩm bạc của người Nùng Hoàng Su Phì khác biệt và nổi trội bởi họa tiết tinh tế, mẫu mã đa dạng, giá thành của các bộ trang sức bạc khá cao. Nghề chạm bạc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ giúp bảo tồn mà còn khuyến khích người dân phát triển nghề truyền thống, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Văn hóa diễn xướng của dân tộc Nùng cũng mang đậm bản sắc, thể hiện qua các dịp cưới hỏi, lễ, tết. Làn điệu hát lướn giao duyên nam nữ và điệu múa Ngựa giấy là nét độc đáo nhất trong dân ca, dân vũ của người Nùng. Nếu hát lướn thu hút người nghe bởi ca từ sâu lắng, nhịp điệu trầm bổng, mượt mà thì múa Ngựa giấy lại cuốn hút người xem theo nhịp múa và tiếng nhạc ngựa lúc khoan thai, nhẹ nhàng, khi dồn dập, mạnh mẽ. Để gìn giữ điệu múa thiêng của dân tộc Nùng, các trường học đang đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy cho học sinh.
Người Nùng Hoàng Su Phì có nhiều lễ hội, trong đó có thể kể đến Lễ cúng mừng cơm mới, Tết độc lập, đặc biệt là Lễ cúng thần rừng Mo Đổng Trư. Lễ cúng thần rừng được các bản người Nùng tổ chức vào tháng 2 và tháng 7 âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ ông Hoàng Vần Thùng, vị thủ lĩnh của người Nùng, được dân gian tôn là Đổng Trư (tức thần rừng). Lễ cúng được diễn ra tại khu rừng thiêng của các bản người Nùng. Lễ vật gồm trâu, gà, lợn, rượu và các sản vật nông sản do người dân tự làm ra. Sau khi lễ cúng kết thúc, mọi người quây quần ăn uống ngay khu rừng thiêng và chúc tụng nhau làm ăn phát đạt, dồi dào sức khỏe.
Hiện nay, huyện Hoàng Su Phì đang tập trung bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Nùng và văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn, gắn với phát triển du lịch nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.