Huyện Đồng Văn (Hà Giang) hiện có 3 làng văn hóa du lịch, gồm: Làng văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú; Làng văn hóa Du lịch Lũng Cẩm, thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là và Làng văn hóa Du lịch tiêu biểu thôn Ma Lé, xã Má Lé. Những năm qua, các thôn có làng văn hóa du lịch đều được huyện đầu tư có trọng tâm về cơ sở hạ tầng; người dân đồng tình ủng hộ, đồng lòng, chung sức phát triển kinh tế, vì vậy có sự đổi thay rõ rệt, tạo nên diện mạo, sức sống mới cho vùng Cao nguyên đá. 3 làng văn hóa là biểu tượng cho 3 nền văn hóa dân tộc: Giấy, Mông, Lô Lô. Hiện cả 3 thôn có làng văn hóa đều đã được công nhận là thôn đạt chuẩn Nông thôn mới.
Có mặt tại Làng văn hóa tiêu biểu thôn Ma Lé những ngày này, mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vắng bóng khách du lịch ghé thăm. Tuy nhiên, người dân trong thôn vẫn luôn ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Đường làng sạch sẽ, chuồng trại cách xa nhà, thường xuyên được dọn dẹp vệ sinh. Mỗi căn nhà trong thôn, đồ đạc đều được sắp xếp gọn gàng. Trưởng thôn Ma Lé, Hoàng Văn Chiến chia sẻ: Người dân thôn Ma Lé đa số là đồng bào dân tộc Giấy sinh sống. Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, thôn được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo tiêu các tiêu chí NTM; đời sống tinh thần của người dân được nâng cao. Đầu năm 2021, thôn vinh dự được tỉnh công nhận Làng văn hóa Du lịch tiêu biểu và huyện công nhận thôn đạt chuẩn NTM sau thời gian dài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã mà nội lực chính là bà con nhân dân trong thôn. Đến nay, từ suy nghĩ, hành động của người dân đều được đổi thay tích cực.
Thực tế, phát triển các làng văn hóa gắn với xây dựng NTM đã mang lại những hiệu quả khả quan. Theo lời nhận xét của đông đảo khách du lịch, tại các làng văn hóa, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các vấn đề về an ninh, trật tự được đảm bảo, môi trường được chú trọng tạo nên không gian thưởng thức văn hóa vô cùng lý tưởng. Đa số khách du lịch đều thích thú khi trải nghiệm tại đây.
Có thể thấy, quá trình xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu tại các thôn trên địa bàn huyện Đồng Văn đã đem lại diện mạo mới và làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực. Nhận thức của người dân về phát triển du lịch được nâng lên. Đây sẽ là cơ sở để các làng văn hóa du lịch phát triển một cách bền vững, khai thác tốt hơn nữa lợi thế về bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương gắn với phát triển du lịch - dịch vụ, từng bước đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM.
Phát triển du lịch ở các thôn, bản vùng cao là giải pháp thúc đẩy xây dựng NTM bền vững. Ngược lại, xây dựng NTM là nền tảng hỗ trợ phát triển đồng bộ, chất lượng và ổn định các thôn, bản này. Xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch gắn với việc thực hiện đồng bộ các tiêu chí NTM là quá trình thường xuyên và lâu dài. Đặc biệt để duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí và đảm bảo công nhận lại, đòi hỏi những nỗ lực cố gắng hơn của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, đồng lòng.
Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Thời gian tới, để các làng văn hóa phát huy được hiệu quả tích cực; tiếp tục xây dựng được các làng văn hóa đạt tiêu chuẩn NTM khác, huyện sẽ rà soát, đánh giá các làng đã được lựa chọn; tập trung xây dựng và phát triển những ưu thế đặc trưng mà làng đó đã có. Đặc biệt, xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn cũng như hệ thống các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của từng dân tộc, từng vùng; gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường chỉ đạo gắn kết chặt chẽ giữa các ngành có liên quan, đặc biệt là sự gắn kết giữa ngành Du lịch với Ban Chỉ đạo xây dựng NTM để có sự phối hợp nhịp nhàng; các công trình khi xây dựng đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường xung quanh. Vấn đề du lịch và NTM phải được gắn kết, song hành với nhau. Thông qua việc xây dựng các làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng NTM sẽ từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng NTM.