Đây không phải lần đầu di chỉ này bị xâm phạm, thậm chí có thời điểm ở nguy cơ xóa sổ. Điều đáng nói, khu vực này được xác định là một phức hệ di chỉ cư trú - mộ táng phát triển liên tục qua các thời kỳ văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn thuộc giai đoạn tiền sử và sơ sử ở miền Bắc nước ta.
Di chỉ đang bị bào mòn
Gò Dền Rắn bị chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch san lấp 50% diện tích để làm đường nội bộ. Ảnh: TTXVN phát.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu khu vực Vườn Chuối gồm ba gò: Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng không nằm trong phạm vi dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư; phía Tây gò Vườn Chuối không nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch vành đai 3,5 của thành phố. Chính sự bất cập trong quy hoạch đô thị và giao thông đã khiến số phận của một di sản đang bị bào mòn và có thể mất vĩnh viễn nếu không khẩn cấp bảo vệ. Điều đáng nói là, trước khi quy hoạch khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch và đường vành đai 3,5 của thành phố, di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện và công bố.
Trước sự xâm phạm nghiêm trọng di chỉ, các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu văn hóa và cơ quan thông tin đại chúng đồng loạt lên tiếng đề nghị Hà Nội có biện pháp bảo vệ di chỉ Vườn Chuối. Tháng 4/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép khai quật ba khu vực: Gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng và gò Dền Rắn. Các dự án xây dựng liên quan tới khu vực Vườn Chuối cũng tạm dừng thi công để các nhà khảo cổ tiến hành thăm dò và khai quật khảo cổ học. Tuy vậy, cuối tháng 10/2019, khi Viện Khảo cổ học công bố kết quả khảo cổ và đề xuất các phương án bảo vệ di chỉ Vườn Chuối thì ngay sau đó, di chỉ này tiếp tục bị xâm phạm.
Cụ thể, trong tháng 10/2019, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex tiến hành xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thị đã xâm phạm vào khu vực di tích phân bố ở các gò Mỏ Phượng (san lấp toàn bộ di chỉ), Dền Rắn (diện tích san lấp vào phạm vi di chỉ khoảng 50%) và làm đường nội bộ vận chuyển vật liệu ở phía Nam gò Vườn Chuối. Hiện tượng đào trộm cổ vật xảy ra ở di chỉ Vườn Chuối diễn ra một cách công khai sau khi đoàn khai quật khảo cổ vừa dừng khai quật.
Theo quan sát của phóng viên, khu vực Vườn Chuối là một khu đất trống, bốn xung quanh không có rào chắn, cũng như biển báo cho thấy đây là một di chỉ. Cạnh đó là công trường khu đô thị đang dần hình thành. Cách Vườn Chuối khoảng 100 mét là đường vành đai 3.5 của thành phố Hà Nội đang trong quá trình thi công tiến sát vào khu di chỉ. Tiến vào phía trong, sau những lùm cây cỏ mọc um tùm là hố thám sát được đào vuông do Viện Khảo cổ học vừa mới thực hiện. Ngoài ra, ở đây cũng xuất hiện những hố đào cổ trộm cổ vật của một số người. Còn tại gò Dền Rắn và Mỏ Phượng đang được san lấp để xây dựng đường đi. Đơn vị xây dựng đang san ủi con đường đất, để lại những vết xe nham nhở.
Tâm nguyện giữ lại nguyên vẹn di chỉ
Gò Dền Rắn bị chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch san lấp 50% diện tích để làm đường nội bộ. Ảnh: TTXVN phát
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Viện Khảo cổ đang đề xuất với UBND thành phố bảo tồn 6.000 m2 nửa phía Đông di chỉ, khoanh vùng bảo vệ và xây dựng hồ sơ xếp hạng và bảo vệ di tích theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Một mặt, tiến hành khai quật, nghiên cứu di dời 6.000 m nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối. Sau khi kết thúc nghiên cứu, giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 của thành phố Hà Nội. Đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng, được đề nghị tiến hành khai quật di dời khu vực phân bố di tích khảo cổ trước khi thực hiện xây dựng khu đô thị.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, là người sinh ra và lớn lên trong vùng này bày tỏ sự xót xa khi di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối bị xâm phạm. Thi thoảng, ông lại ra khu vực Vườn Chuối lượm nhặt các mảnh gốm bị lộ ra hoặc vương vãi mang về bảo tàng trưng bày. Ông cho rằng, khu vực Vườn Chuối gồm 5 – 6 di chỉ, đến nay chỉ còn lại 3 di chỉ. Vậy nhưng, gò Dền Rắn, Mỏ Phượng cũng mất gần hết, chỉ còn gò Vườn Chuối. Ông Nguyễn Văn Thắng cũng tỏ ra nuối tiếc vì gò Vườn Chuối là một di chỉ hoàn chỉnh, được ví như một nóc nhà, nếu nóc nhà mất một mái sẽ không còn là nóc nhà nữa. Ông cũng mong muốn thành phố điều chỉnh quy hoạch đường vành đai 3,5 bởi diện tích đất khu vực này còn rộng rãi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản văn hoá Việt Nam) cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý chủ đầu tư Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch khi đã cố tình làm đường nội bộ và san nền khu đô thị xâm phạm vào di chỉ. Ông cho hay, gò Vườn Chuối là vùng lõi của di chỉ nên trước khi tiến hành xây dựng đường vành đai 3,5 qua khu vực này cần quy hoạch lại. Việc quy hoạch dựa trên nguyên tắc phù hợp với di chỉ, với khu đô thị và với cả con đường. Theo ông Nguyễn Văn Huy, chỉ để lại 6.000 m2 di chỉ Vườn Chuối trong tổng số 12.000 m2 thì di chỉ này không còn nhiều giá trị. Mong muốn của ông là đường vành đai 3,5 được điều chỉnh để giữ trọn vẹn di chỉ gò Vườn Chuối.
Nhiều năm nay, Hà Nội luôn xảy ra mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, buộc thành phố phải có những điều chỉnh để hài hòa lợi ích hai bên. Dù tâm nguyện người dân và các nhà khoa học muốn giữ trọn vẹn di chỉ Vườn Chuối nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về thành phố, để vừa giữ được di chỉ quý, vừa đảm bảo được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.