Hà Nội: Huyện Thường Tín có nhiều sự đổi mới

Huy Hoàng

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân". Đến nay huyện Thường Tín đã có nhiều đổi mới, đời sống người dân được nâng ca, huyện đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện Thường Tín nằm ở phía nam thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên 13.040,89 ha, dân số 257.019 người. Huyện có hệ thống giao thông thuận tiện cả về đường bộ và đường thủy; đường bộ có tuyến đường quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và đường sắt bắc – nam, nhiều các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên kết vùng đang được đầu tư mở rộng, xây dựng mới. Đường thủy chạy dọc sông Hồng đi qua địa bàn 08 xã phía đông huyện kết nối giao thông với tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận.

Đến nay huyện có 28/28 xã đạt chuẩn NTM, 01 xã Hồng Vân đạt NTM nâng cao.Trong năm 2020 huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với tiêu chí huyện NTM, huyện Thường Tín đạt 9/9 tiêu chí và qua lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của huyện đạt 99,37%.

Định hướng phát triển của huyện Thường Tín đến năm 2025

Huyện Thường Tín được Thành phố quy hoạch là vùng đệm xanh của Thủ đô nên trong thời gian tới huyện định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với tiến trình đô thị hóa của huyện. Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng trở lên/năm, tốc độ đô thị hóa đạt 33,5%, cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao, 05 xã đạt NTM kiểu mẫu, 01 xã đạt NTM kiểu mẫu Thủ đô và mỗi xã một sản phẩm tập trung vào phát triển sản phẩm làng nghề, nông sản đặc trưng của địa phương để khai thác tiềm năng du lịch ở vùng nông thôn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sự dụng đất, tăng thu nhập cho người dân và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp thông qua việc mua bán sản phẩm cho du khách và du khách chính là người quảng bá hình ảnh, sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp của huyện Thường Tín.

Giai đoạn 2021 – 2025 huyện tập trung hướng đến đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm làng nghề và khuyến khích các chủ thể sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, để khẳng định chất lượng sản phẩm, lan tỏa thương hiệu OCOP.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, huyện Thường Tín đề ra một số giải pháp chủ yếu: Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo sự thống nhất, đồng thuận trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh triển khai xây dựng các hạng mục công trình, ưu tiên công trình phục vụ sản xuất phát triển kinh tế, công trình phục vụ giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường nông thôn. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Gắn chường trình OCOP với phát triển du lịch nông thôn để thúc đẩy chương trình OCOP.

Xã Văn Tự – đô thị làng nghề gắn với bảo vệ môi trường:

Thường Tín là huyện có nhiều làng nghề, trong đó có 48 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm làng nghề Thường Tín được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Để thúc đẩy các làng nghề phát triển, thời gian qua, huyện Thường Tín tập trung xây dựng và đưa vào hoạt động cụm công nghiệp làng nghề Văn Tự với diện tích 7,75 ha.

Cụm công nghiệp xã Văn Tự hoàn thành nhằm xây dựng một khu sản xuất tập trung có quy mô hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và sản xuất đồng bộ đáp ứng yêu cầu sản xuất cũng như giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp, góp phần gìn giữ và thúc đẩy sự phát triển nghề cơ khí, nghề mộc truyền thống, nâng cao giá trị sản xuất nguồn thu nhập cho các hộ dân.

 

Nhờ định hướng xây dựng NTM theo hướng đô thị làng nghề nên đến nay, Văn Tự đã có những cung đường bê tông rộng rãi, trải khắp từ trung tâm xã đến từng xóm, ra tận các cánh đồng, tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi kết nối giữa các thôn, các xóm; hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu của người dân; cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ mặt nông thôn Văn Tự đã thay đổi toàn diện, đời sống người dân tiếp tục được nâng cao.

Trần Hoa