Hà Nội năm 1972: Khúc tráng ca anh hùng - Khâm Thiên 26/12, món nợ được viết từ máu và nước mắt

Cách đây 49 năm (tháng 12/1972), đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, tập trung chủ yếu là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Tại Hà Nội, con phố Khâm Thiên đã gánh trên mình sự đau thương, nghiệt ngã bởi chiến tranh...

hn1972-1640582431.jpg

 

Cách đây 49 năm (tháng 12/1972), đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, tập trung chủ yếu là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Tại Hà Nội, con phố Khâm Thiên đã gánh trên mình sự đau thương, nghiệt ngã bởi chiến tranh...

Hà Nội có nhiều con phố, mỗi con phố đều mang một thân phận riêng của mình. Thời đạn bom của Hà Nội, giống như một quãng tuổi đời mà Hà Nội đi qua trở thành nỗi buồn đau sâu thẳm trong kí ức bao người đã đồng hành cùng Hà Nội qua thời bom đạn chiến tranh.

Phố Khâm Thiên có chiều dài 1.170 mét, có mật độ dân cư đông đúc kể từ thời Pháp thuộc. Những người dân sống lâu năm ở đây kể rằng, có lẽ không phố nào ở Hà Nội lại có thân phận đặc biệt như phố Khâm Thiên.

Lịch sử Hà Nội đã ghi lại những trang đẫm máu và nước mắt. Vào khoảng 22h đêm 26/12/1972, 30 máy bay B52 ném bom rải thảm xuống đường phố Khâm Thiên, khiến con phố của trung tâm thành phố chìm trong biển lửa và sau một đêm trở thành đống đổ nát. Cả 17 khối phố bị thiệt hại, trong đó khối 44 đến 47 hầu như bị hủy diệt hoàn toàn. Nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng lương thực, thực phẩm, đình Tương Thuận, di tích lịch sử, rạp hát, nhiều cơ sở sản xuất cùng hàng nghìn nhà dân bị sập đổ.

Gần 90 tấn bom đã dội xuống Khâm Thiên, phủ kín một chiều dài hơn 1 cây số của con phố. Một khu dân cư quần thể đông đúc đã nằm trong vệt bom... Tất cả đã nằm trong vệt dài đổ nát, hoang tàn. Trận bom ấy đã làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em, làm cho 178 cháu trở thành mồ côi và 290 người bị thương. Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom, bảy người sống trong ngôi nhà này không còn ai sống sót. Mảnh đất này trở thành một đài tưởng niệm với một tấm bia mang dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” và một bức tượng bằng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ.

Nằm giữa con phố là Đài tưởng niệm để tưởng nhớ 278 người có chung ngày giỗ 26/12/1972. Tất cả họ đã thiệt mạng trong đợt B52 ném bom rải thảm trên con phố này. Những tuổi thơ bé nhỏ đã cùng bố mẹ ở lại, trực chiến cùng Hà Nội đã vĩnh viễn ra đi. Nhiều bà mẹ hôm nay vẫn đau đớn, xót xa, mang đặt những hộp sữa tại Đài tưởng niệm cho những bé thơ tội nghiệp, oan uổng, ra đi ngày ấy. Nhiều hộ gia đình may mắn thoát khỏi cái chết bởi nằm bên dãy số chẵn, lệch ra một chút vệt bom trải thảm.

Trong câu chuyện hôm nay, những người dân Khâm Thiên vẫn nhắc nhớ những ngày đau thương mà thật hào hùng ấy. Nhang đèn cắm dọc con phố, người còn sống trở về kìm nén nỗi đau xông vào đống đổ nát cứu người bị sập, cấp cứu người bị thương, kiếm tìm từng mảnh thi hài người chết, gom nhặt của cải, giấy tờ vương vãi trả lại cho người bị mất. Họ lại nhắc đến những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố kịp thời có mặt cùng bà con trong hoạn nạn, những chiến sĩ dân phòng, công an hết lòng vì dân.

Những tấm lòng của bà con Hà Tây và các nơi khác đem đến cho bà con những mái nhà che tạm bên hố bom cạnh cánh đồng Si. Không một người nào thiếu bữa, đói rét dù tan hoang nhà cửa. Tết Quý Sửu 1973 ấy, các gia đình bị bom vẫn có bánh chưng, kẹo mứt, thịt cá. Các cháu nhỏ mồ côi có những cá nhân và tổ chức nhận về nuôi dưỡng. Phố phường vẫn đảm bảo an ninh trật tự không có tệ nạn trộm cắp. Các gia đình đi sơ tán trở về vẫn còn nguyên vẹn tài sản, dù nhà không kịp khóa… Những thanh niên trai tráng mang khăn tang vẫn sẵn sàng lên đường ra tiền tuyến cầm súng trả nợ nước, thù nhà. Tình người Hà Nội qua lửa đạn đẹp hơn bao giờ hết.

Sự sẻ chia, nhường nhịn, giúp đỡ nhau cùng vượt qua hoạn nạn cũng là một phẩm chất góp phần làm nên chiến thắng của người Hà Nội. Nhiều người còn nhớ, trong bộ phim “Em bé Hà Nội”, cảnh cô bé Ngọc Hà xếp hàng lấy gạo, khi được hỏi nhà ở đâu, cô bé trả lời: “Nhà cháu ở Ngõ chợ Khâm Thiên”, ai nấy đều dạt ra nhường chỗ cho cô. Bởi ai cũng biết, mới hôm trước thôi, nơi ấy hứng trọn loạt bom của giặc. Em bé một mình đi lấy gạo với vành khăn trắng trên đầu chứng tỏ vừa phải chịu tổn thất quá lớn. Không có lời động viên, an ủi nào thốt nên nổi vì sợ chạm vào mất mát của em. Hành động sẻ chia không nói lên lời ấy là sự nén đau thương để tạo nên sức mạnh vượt qua chiến tranh.

Hà Nội có mất mát, có đau thương nhưng hoa kiên cường, hoa anh dũng vẫn nở thành hoa chiến thắng. Trong khó khăn gian khổ, Hà Nội lại càng bừng lên những phẩm chất cao quý, trở thành “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Với những người đã từng trải qua thời khắc ấy, tháng 12/1972 sẽ mãi mãi đằm sâu trong kí ức.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ám ảnh, kí ức và mất mát đau thương còn đó. Vết thương chiến tranh tuy lành sẹo nhưng vẫn không ngừng âm ỉ, nhức nhối. Nhắc lại những kí ức đau thương trong chiến tranh, chúng ta không nhằm khơi lại mối thù đã qua mà chỉ để các thế hệ trẻ biết trân trọng, yêu thương hơn hạnh phúc hòa bình mà chúng ta đang có được.

Theo: Mỗi ngày một câu chuyện lịch sử/ Trái Tim Người Lính