Cám Cargill, nguồn thức ăn chính cho cá được đưa đến tận lồng.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy đã xuất hiện từ năm 2009. Theo lời chỉ dẫn của ông Bùi Hữu Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Nam Tân, chúng tôi đã tìm đến nơi nuôi cá lồng của anh em anh Trần Văn Thiện, Trần Văn Tín ở thôn Trung Hà, xã Nam Tân. Đầu tư hàng chục tỷ đồng vào nuôi cá lồng từ khâu làm lồng, bè cá, nguồn cá giống, thức ăn cho cá, anh Trần Văn Thiện và anh Trần Văn Tín là những người tiên phong trong việc nuôi cá lồng trên sông và cho đến nay đã thu được những thành quả nhất định.
Cá điêu hồng – một trong những loại cá giống cho năng suất và hiệu quả cao khi được nuôi trong lồng.
Anh Tín chia sẻ: “Nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy cho hiệu quả kinh tế cao. Ưu điểm của việc nuôi cá lồng trên sông là có mặt nước rộng, có thể tận dụng tối đa diện tích mặt nước. Mặt khác, xung quanh bờ sông Kinh Thầy ít có các nhà máy và khu công nghiệp. Là một nhánh của Lục Đầu Giang, sông Kinh Thầy ít có lũ cục bộ, lưu nước được thường xuyên thay đổi, tạo điều kiện cho cá tự điều tiết được lượng ôxy. Ngoài ra, lưu tốc nước không mạnh, cá không phải vận động nhiều, đã tạo ra môi trường nước thuận lợi và sạch cho cá, là những điều kiện thuận lợi để phát triển cá lồng”.
Anh Nguyễn Dương Khiêm đang cho cá trắm đen ăn.
Cùng mong muốn làm giàu từ nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy, quy mô bè cá lồng của gia đình anh Nguyễn Dương Khiêm, xã Nam Tân, huyện Nam Sách cũng rất công phu. Mỗi bè cá, anh Khiêm cho thả 8.000 - 10.000 con như bè cá điêu hồng, bè cá trắm đen hoặc cá chép thả 1.000 - 2.000 con. Hiện nay, gia đình anh Khiêm đang đầu tư 20 bè cá, nuôi chủ yếu là cá điêu hồng, ngoài ra còn nuôi cá đặc sản như cá lăng sông Hồng, cá trắm đen giòn, cá chép giòn... với số vốn ban đầu không nhỏ. Gia đình anh Khiêm cũng có dự định mở rộng quy mô các bè cá lên 30 bè trong thời gian tới. “Nuôi cá lồng quan trọng là vốn đầu tư ban đầu. Với khoảng hơn 10 bè cá của gia đình, chỉ riêng chi phí làm lồng đã lên đến hơn 1 tỷ đồng”, anh Khiêm cho biết. Tuy nhiên, theo anh Khiêm, bên cạnh nguồn vốn đầu tư ban đầu, thì chế độ ăn và chế độ chăm sóc cá cẩn thận cũng là yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng của cá thương phẩm, phát triển nghề nuôi cá lồng.
Mô hình nuôi cá lồng giờ rất phát triển ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Nuôi cá lồng đã góp phần đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân ở xã Nam Tân.
Hiện nay, nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy rất phát triển, với hơn bốn chục hộ dân phát triển cá lồng ở xã Nam Tân, góp phần tạo ra diện mạo mới cho một vùng quê nhỏ bé, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng. Về Nam Tân hôm nay chúng tôi đã thấy nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy không chỉ là nét mới trong bức tranh kinh tế của vùng quê vốn thuần nông Nam Tân, Nam Sách, mà còn là sự bứt phá, vươn lên của những người dân chất phác nơi đây, trở thành những tỷ phú trên chính mảnh đất quê hương mình và làm giàu cho địa phương.