Toàn bộ số cọc gỗ phát lộ trong quá trình khai quật đã được bọc kín, tưới nước để hạn chế sự xâm hại của thời tiết
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hải Phòng vào trưa 24-12, tại bãi cọc Cao Quỳ, người dân từ khắp nơi lần lượt đổ về chiêm ngưỡng 27 chiếc cọc cổ mới được khai quật. Cùng con trai tới bãi cọc, bà Đỗ Thị Căn ở thôn 2, xã Liên Khê cho biết, bà biết thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng phải chờ đến hôm nay, khi con trai được nghỉ mới chở ra xem được. Phát lộ bãi cọc là sự kiện lớn và là niềm vui chung với bà và người dân địa phương. Bởi, truyền thống của địa phương gắn liền với trận chiến Bạch Đằng năm 1288, nay phát hiện bãi cọc cổ, có thêm chứng tích lịch sử làm rõ hơn truyền thống này, qua đó góp phần phát huy được giá trị của những di tích lịch sử hiện có trên địa bàn xã. Cũng như bà Căn, nghe tin về bãi cọc, các giáo viên trường Mầm non Lưu Kỳ (xã Lưu Kỳ) cũng tranh thủ giờ nghỉ để ghé thăm bãi cọc. Nhiều thanh niên trên địa bàn xã và các khu vực lân cận cũng đến thăm.
Đông đảo nhân dân thường xuyên đến tham quan bãi cọc.
Ông Nguyễn Tuân Triệu ở thôn 3 – người phát hiện 2 chiếc cọc đầu tiên hiện trông coi bãi cọc cho biết, từ khi có thông tin về bãi cọc đến nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt người tới xem, đông nhất là vào thứ 7, chủ nhật. Không chỉ người dân địa phương, học sinh, giáo viên các trường trên địa bàn xã, còn có nhiều người từ nơi khác đến như: Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh; có cả đoàn cán bộ của Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng trong quá trình đi công tác cũng về tham quan bãi cọc. Một số trường học ở tỉnh Hải Dương cũng tổ chức cho học sinh sang thực tế.
Cọc gỗ lim được phủ vải, tưới nước giữ ẩm để bảo quản trong quá trình khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê.
Hiện nay, để bảo đảm an ninh khu vực trong quá trình người dân tham quan bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê cử lực lượng công an xã tham gia bảo vệ tại khu vực. Đồng thời, tổ chức cắm cọc, chăng dây quanh các 3 hố khai quật và lót bạt chung quanh miệng hố, không cho người dân, du khách đến gần, tránh sụt lún và bảo vệ hiện trường khu khai quật. Các cọc gỗ cũng được che bọc bằng vải dày và được tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm.
Ông Nguyễn Tuân Triệu trú tại thôn 3 xã Liên Khê, chăm sóc tưới nước giữ ẩm cho các cọc phát lộ trong qua trình khai quật
Ba điểm khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ nhìn từ trên cao.