Hải Phòng: Khai quật khẩn cấp 13 cọc gỗ ở xã Lại Xuân

Được sự đồng ý của UBND thành phố Hải Phòng, từ ngày 20- 2, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng thành phố, huyện Thủy Nguyên phối hợp tiến hành khai quật khẩn cấp 13 cọc gỗ tại ao nuôi cá của gia đình ông Đào Văn Đến ở thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên.

Hiện trường khai quật 13 cọc gỗ tại xã Lại Xuân. 

 

Từ sáng 20-2, Viện Khảo cổ học bố trí cán bộ, triển khai thiết bị tiến hành khai quật các cọc gỗ. Khu vực khai quật khoảng 400 m2, sát phía bờ ao. Trên diện tích này, người dân địa phương san gạt lớp bùn bám trên các cọc gỗ phát hiện được. Sau đó, cán bộ Viện Khảo cổ học đo chiều dài, kích thước, đánh dấu và vẽ lại sơ đồ bố trí của các cọc gỗ; đồng thời, lấy mẫu giám định niên đại các cọc gỗ này. Theo quan sát thời điểm bắt đầu khai quật, trong ao có 5 cọc nhô lên khỏi mặt bùn 30- 60 cm; 4 cọc cách mặt bùn 10-15 cm; 2 cọc nằm cách mặt bùn 5 -10 cm; 2 cọc nằm trong hốc đá kè bờ ao. Các cọc gỗ này có kích thước khác nhau, một số cọc bị gãy đầu.

Tiến sĩ Lê Thị Liên, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học cho biết, cách đây 1 tuần, sau khi nghe thông tin về việc phát hiện các cọc gỗ tại khu vực này, đoàn cán bộ của Viện xuống khảo sát. Được sự đồng ý của UBND thành phố, đoàn tổ chức khai quật khẩn cấp các cọc gỗ này. Về phương pháp khai quật, đoàn tiến hành làm sạch lớp bùn bám trên cọc gỗ; kiểm tra số cọc, nghiên cứu cách đóng cọc tại khu vực. Sau đó, tiến hành khảo sát, thu thập thông tin của người dân về việc phát hiện cọc gỗ chung quanh địa điểm này để mở rộng khu vực nghiên cứu. Đồng thời, đoàn phối hợp với các ngành khác như: địa chất, lịch sử...để tìm hiểu thêm về địa hình cổ của khu vực, thêm căn cứ nghiên cứu về các cọc gỗ phát hiện được.

Trước đó, phục vụ công tác khai quật, gia đình ông Đến bơm cạn ao. Để bảo đảm quyền lợi kinh tế cho người dân, UBND huyện Thủy Nguyên quyết định hỗ trợ gia đình ông Đến 25 triệu đồng. Gia đình ông Đến cũng cam kết không có hoạt động ảnh hưởng đến công tác khai quật và bảo vệ các cọc gỗ. Xã Lại Xuân bố trí lực lượng công an bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm công tác của các đơn vị chức năng liên quan tại khu vực.

Như thông tin Báo Hải Phòng đưa trước đó, ngày 9- 2-2020, gia đình ông Đào Văn Đến phát hiện 13 cọc gỗ dưới lòng ao sau khi bơm hút nước trong ao để thu hoạch cá. Đến ngày 12-2, các chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học, Hội khảo cổ học, Khoa sử - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội tiến hành khảo sát khu vực phát lộ các cọc gỗ và thấy rằng các cọc gỗ phát hiện tại khu vực ao nhà ông Đến có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 trên địa bàn thành phố. Do đó, Sở Văn hóa - Thể thao, UBND huyện Thủy Nguyên, Viện Khảo cổ học có công văn đề nghị thành phố cấp phép khai quật khẩn cấp 13 cọc gỗ phát hiện tại khu vực này. Ngày 18-2-2020, UBND thành phố ban hành Quyết định 356 về việc khai quật khảo cổ khẩn cấp, trong đó cho phép Viện Khảo cổ học chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên tiến hành khai quật khảo cổ khẩn cấp tại khu vực ao cá nhà ông Đến. Thời gian khai quật từ ngày 18-2 đến hết ngày 31-3-2020.

Việc phát hiện, khai quật khẩn cấp các cọc gỗ tại khu vực Đầm Thượng, xã Lại Xuân góp phần kịp thời bảo tồn di tích, đồng thời có thêm tư liệu, chứng tích làm căn cứ để đánh giá tổng thể trận chiến trên sông Bạch Đằng.