Hải Phòng: Phát lộ bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên): Thổi bùng ngọn lửa tự hào truyền thống

Tiến sĩ Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Từ năm 2015, bà đã cùng cán bộ Bảo tàng Hải Phòng đi dọc sông Bạch Đằng nhiều ngày mà không tìm ra bãi cọc nào. Thế mà vào đúng cuối năm Kỷ Hợi, lại tìm thấy được cả bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là niềm sung sướng, hạnh phúc của những nhà khảo cổ học. Theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, sự kiện này còn có tiếng vang đối với cả các chuyên gia nước ngoài bởi cũng như những nhà nghiên cứu Việt Nam, họ rất mong...

Tiến sĩ Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Từ năm 2015, bà đã cùng cán bộ Bảo tàng Hải Phòng đi dọc sông Bạch Đằng nhiều ngày mà không tìm ra bãi cọc nào. Thế mà vào đúng cuối năm Kỷ Hợi, lại tìm thấy được cả bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là niềm sung sướng, hạnh phúc của những nhà khảo cổ học. Theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, sự kiện này còn có tiếng vang đối với cả các chuyên gia nước ngoài bởi cũng như những nhà nghiên cứu Việt Nam, họ rất mong muốn tìm ra những chứng tích lịch sử liên quan tới chiến thắng Bạch Đằng, bởi đây là chiến thắng lừng lẫy của dân tộc ta, có tầm ảnh hưởng quốc tế vì không chỉ đánh đuổi đế quốc Nguyên Mông mà còn chặn đứng âm mưu xâm lược các nước khác trên thế giới.

Kết quả khai quật trên diện tích 940 m2, với 3 hố khai quật, các nhà khảo cổ học phát hiện 27 cọc gỗ có liên đại thế kỷ 13 - 15.

 

Nhanh chóng bắt tay nghiên cứu, khai quật

Tiến sĩ Lê Thị Liên cho biết thêm, ngay khi nghe tin người dân tìm thấy các cọc gỗ, bà nghĩ ngay tới việc có liên quan tới trận Bạch Đằng, đồng thời nhấn mạnh, các nhà khảo cổ học đi tìm kiếm những chứng tích này từ rất lâu rồi và nay thỏa nỗi chờ mong.

Theo Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học), chủ trì nhóm khai quật, chỉ ít ngày sau khi anh Nguyễn Tuân Triệu, nông dân xã Liên Khê phát hiện 2 cọc gỗ, ngày 16-10-2019, đoàn khảo sát do Tiến sĩ Lê Thị Liên làm trưởng đoàn đến khảo sát. Từ các lát cắt kiểm tra địa tầng cùng với đặc điểm loại hình các cọc gỗ phát hiện được, các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý tới khu vực này. Tới đầu tháng 11-2019, trong quá trình cải tạo vườn chuối và nghĩa trang Mả Dài, cánh đồng Cao Quỳ, người dân xã Liên Khê phát hiện tiếp 9 đầu cọc nữa. Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khảo sát cánh đồng Cao Quỳ lần thứ 2. Kết quả cho thấy, các cọc xuất lộ bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc, được phân bố so le, không thẳng hàng, đường kính cọc khá lớn từ 26-46cm. Trên các cọc có ngoạm dùng để luồn dây kéo. Kết quả xác định cho thấy, cọc này có niên đại 1270-1430. Kết hợp các nguồn tư liệu, đoàn công tác nhận định khu vực xuất lộ cọc vốn là bờ sông bị bồi lấp qua thời gian, có thể thuộc bãi cọc được bố trí thành thế trận vào thế kỷ 13.

Những kết quả khảo sát này cùng với sự đề nghị của thành phố Hải Phòng là cơ sở để ngày 18-11-2019, Viên Khảo cổ học có công văn đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao, Du lịch và Cục Di sản văn hóa xin cấp phép khai quật bãi cọc Cao Quỳ. Cụ thể, đề nghị khai quật 5-10 hố tại bãi cọc Cao Quỳ với diện tích khai quật khoảng 950 m2. Chỉ sau đó 4 ngày, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch có quyết định số 4137 cho phép Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ. Điều đó cho thấy, bãi cọc Cao Quỳ được phát hiện là những chứng tích lịch sử vô giá và thu hút được sự quan tâm của cả cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, người dân và đặc biệt là các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học.

Rõ dấu tích của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288

Theo TS Bùi Văn Hiếu, việc khai quật nhằm nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và giá trị di tích bãi cọc Cao Quỳ, làm cơ sở cho việc nghiên cứu tổng thể, xây dựng hồ sơ khoa học phục vụ tốt nhất cho việc nghiên cứu lâu dài di tích. Từ ngày 27-11 đến 19-12, đoàn khai quật tiến hành mở 3 hố với tổng diện tích là 940m2 tại khu vực nghĩa trang Mả Dài, cánh đồng Cao Quỳ. Kết quả, tại hố 1 có diện tích 280 m2 xuất lộ 17 cọc gỗ; hố 2 rộng 198 m2 có 2 cọc; hố 3 rộng 462m2 có 8 cọc gỗ, tất cả được làm bằng gỗ lim và gỗ sến nhựa. Các cọc phần lớn được đóng hoặc chôn trong khu vực chứa nhiều bùn lẫn cát mịn, mang tính chất địa tầng của khu vực ven sông. Các cọc xuất lộ chủ yếu ở độ sâu 75cm đến 110cm. Đồng thời phát hiện 24 hố đất đen, phần lớn là các hố chôn cọc. Đoàn khai quật cũng thu được một số di vật như 2 đoạn sắt chưa rõ hình dạng và 1 mảnh đồ gốm đất nung màu xám đen có kích thước nhỏ.

TS Bùi Văn Hiếu cho biết: Kết quả khai quật cho thấy các cọc được đóng hoặc chôn trong khu vực chứa nhiều bùn lẫn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ. Kết quả khai quật cũng khẳng định,khu vực này đơn thuần là trận địa, không phải là các kiến trúc nhà cửa để người dân cư trú vì các cọc không có sự liên kết và đặc biệt không phát hiện được bất cứ di tích, di vật nào như: Đồ gốm sứ, các dụng cụ sinh hoạt khác và tàn tích thức ăn trong khu vực bãi cọc. Hơn nữa, hệ thống cọc đều nằm ở lòng sông với tầng sét bùn và thực vật hóa than thuộc đới ngập ven sông.

Người dân địa phương kể lại, lạch nước chảy phía bắc cánh đồng Cao Quỳ trước đây rộng và lớn hơn. Khoảng 20 năm trước, người dân địa phương mới đắp bờ thu hẹp dòng chảy như hiện nay để mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp. Quan sát trên bản đồ vệ tinh có thể nhận thấy dòng chảy này thông với sông Đá Bạc, chảy về phía nam đến khu vực núi Điệu Tú tách thành hai nhánh, rồi đổ vào sông Giá. Từ kết quả khai quật khảo cổ học, kết quả xác định niên đại tuyệt đối mẫu cọc gỗ phát hiện được, kết hợp với các nguồn tư liệu lịch sử, Đoàn khảo cổ học bước đầu cho rằng bãi cọc Cao Quỳ là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ 13, nhiều khả năng liên quan tới trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần. Trận địa này được dùng để chặn giặc, không cho chúng tiến vào sông Giá để  ra sông Bạch Đằng. Toàn bộ binh thuyền của Ô Mã Nhi phải theo sông Đá Bạc để ra sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa mai phục của quân dân nhà Trần tại vùng cửa sông Bạch Đằng, nơi được chọn làm trận địa quyết chiến, chặn đứng và tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy trên đường rút chạy.

Kết quả khai quật, khảo cổ học này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Và nhờ vậy, chỉ sau 2 tháng phát hiện, thành phố Hải Phòng và Viện Khảo cổ học có thể tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà lịch sử học, khảo cổ học và các các cơ quan quản lý đều rất vui mừng và thống nhất nhận định, đây là những chứng tích vô giá, liên quan trực tiếp tới trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 chống lại quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần trên đất Thủy Nguyên, Hải Phòng.  Các ý kiến đều kiến nghị cần khẩn trương bảo tồn, phát huy giá trị bãi cọc mới phát hiện, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm các khu vực có thể có bãi cọc khác, phục vụ cho một đề án nghiên cứu tổng thể, chuyên sâu về các chứng tích bãi cọc gỗ liên quan tới trận chiến Bạch Đằng năm xưa.

Như vậy,  đây là niềm vui lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng bởi  rõ dấu tích của trận chiến Bạch Đằng tại Hải Phòng. Còn với các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học thì là niềm hạnh phúc lớn bởi công sức tìm kiếm bấy lâu có kết quả rất rõ nét. Từ đây, các nhà khảo cổ học sẽ mở rộng khảo sát ra những khu vực chung quanh để có thêm những nhận định, đánh giá sắc nét hơn, góp phần dựng lại trận chiến Bạch Đằng năm xưa, thổi bùng lên niềm tự hào về truyền thống anh dũng, kiên cường của cha ông, từ đó hun đúc thêm niềm tin và ý chí đóng góp công sức xây dựng thành phố Hải Phòng ngày càng phát triển vững mạnh.