Hàng trăm “chiến sĩ áo trắng” từ các bệnh viện Trung ương, địa phương gấp rút lên đường chia lửa với miền Nam

Trong ngày 26-27/8, các đoàn y bác sĩ của: Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199, tỉnh Hòa Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cao Bằng, Sơn La đã gấp rút lên đường chia lửa với miền Nam.

 
Lần thứ 4, Bệnh viện K xuất quân lên đường vào miền Nam chống dịch.

Sáng 27/8, Bệnh viện K đã tăng cường thêm 50 cán bộ y tế tiếp tục vào TPHCM chống dịch COVID-19. Đây là lần xuất quân thứ 4 của Bệnh viện K.

50 bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện K sẽ nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức tích cực COVID-19đặt tại Bệnh viện ung bướu TPHCM cơ sở 2.

Trước đó từ ngày 27/07 đến ngày 18/08, 3 đoàn công tác của Bệnh viện K đã lên đường chi viện miền Nam, làm việc tại Bệnh viện ung bướu TPHCM cơ sở II hiện đang điều trị hồi sức cho người bệnh COVID-19 và Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương, tại tỉnh Đồng Nai – Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai.

Tại Lễ xuất quân lần 4,  TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện và PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K đã động viên, chia sẻ, dặn dò 50 cán bộ tham gia đoàn công tác, vừa phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ vừa học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại phía Nam để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 và giữ an toàn cho bản thân để sớm trở về trong chiến thắng.

 

52 y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế lên đường vào TPHCM chống dịch.

Sáng 27/8, tại Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức Lễ gặp mặt và tiễn đoàn công tác gồm 52 y, bác sĩ của bệnh viện lên đường vào làm nhiệm vụ tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TPHCM.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 hiện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch và số lượng bệnh nhân ngày một tăng. 

Để đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh nhân COVID nặng, nguy kịch Ban giám đốc bệnh viện đã quyết định tiếp tục điều động 52 y, bác sĩ trong lĩnh vực hồi sức tích cực đến công tác tại Trung tâm.

Đây là những nhân viên y tế có trình độ chuyên môn tốt, chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm được đơn vị đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu về Hồi sức cấp cứu như thở máy, liệu pháp thay thế thận, oxy hóa máu qua màng (ECMO).

Bên cạnh đó, các nhân viên y tế cũng được tập huấn bài bản các kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn, cách chăm sóc người bệnh nhiễm COVID-19 nặng, chăm sóc người bệnh thở máy; hướng dẫn tập vận động, dinh dưỡng, phục hồi chức năng cho người nhiễm COVID-19.

Đây là lần thứ 5 Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ, điều động, chi viện nhân viên y tế cho hoạt động của Trung tâm để "chia lửa" với TPHCM và góp sức, chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Các y, bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng quyết tâm góp sức cùng Bình Dương sớm đẩy lùi dịch bệnh

* Sáng 27/8, Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức buổi tiễn đoàn y, bác sĩ lên đường hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch COVID-19. Đoàn chi viện đợt này gồm 15 bác sĩ, 29 điều dưỡng viên, 5 kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm từ tất cả khoa, phòng của bệnh viện.

Các y, bác sĩ lên đường với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, mong muốn góp sức, hỗ trợ Bình Dương sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, chia sẻ: “Hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm người dân ở vùng tâm dịch cần chúng tôi nhất. Tiếp nhận đề nghị của Bộ Y tế và lời kêu gọi từ tỉnh bạn, các y, bác sĩ đơn vị đã sẵn sàng vào tâm dịch để thực hiện nhiệm vụ của một người thầy thuốc. Tôi mong muốn rằng với những kinh nghiệm đã được tích lũy, các y, bác sĩ sẽ đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp Bình Dương sớm đẩy lùi dịch bệnh, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân”.

Đoàn y bác sĩ tỉnh Hòa Bình lên đường chống dịch tại Bình Dương.

* Ngày 27/8, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Lễ ra quân đoàn y, bác sĩ của tỉnh hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch COVID-19.

Trong đợt ra quân này tỉnh Hòa Bình đã lựa chọn 20 cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương và 3 cán bộ y tế của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng với Quân khu III tham gia công tác chống dịch tại các tỉnh phía Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần tình nguyện, cống hiến của các y, bác sĩ trong Đoàn công tác; đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để thành viên của đoàn yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tiễn các y bác sĩ lên đường chống dịch.

* Sáng 27/8, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân và Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã dự lễ ra quân tiễn 34 y, bác sĩ Quảng Ngãi lên đường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch ở TPHCM.

Phát biểu động viên đoàn công tác trước khi lên đường, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh biểu dương và đánh giá cao tinh thần xung kích của các y, bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh chống dịch lần này.

Sau khi vào tâm dịch, toàn bộ 34 y, bác sĩ sẽ được bố trí làm việc tại huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh). Đây là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi lưu ý, đoàn công tác cần thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch để bảo vệ an toàn cho bản thân, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái của người Quảng Ngãi. Đồng thời, chấp hành nghiêm túc sự phân công của địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

8 sinh viên trường Cao đẳng y tế Đặng Thùy Trâm đã hoàn thành chương trình đào tạo được trao bằng tốt nghiệp, tình nguyện lên đường vào TP HCM chống dịch.

Trước đó, ngày 26/8, ông Tô Kỳ Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trường vừa tổ chức Lễ tốt nghiệp sớm hơn dự kiến cho 8 sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo để lên đường vào TPHCM hỗ trợ chống dịch COVID-19.

Theo ông Tô Kỳ Nam, 8 sinh viên trên cùng với 17 sinh viên điều dưỡng khác đã tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch tại thị xã Đức Phổ. Ngay khi hết thời gian cách ly, 8 em tiếp tục đăng ký vào TPHCM chống dịch.

 "Từ nguyện vọng các em, khi hoàn thành các chương trình đào tạo, sáng 26/8, nhà trường đã tổ chức lễ tốt nghiệp sớm hơn dự kiến cho các em. Ngay trong đêm 26/8, các em đã lên đường vào TPHCM", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm cho biết.

Đoàn y bác sĩ tỉnh Quảng Nam lên đường vào TPHCM hỗ trợ các bệnh viện dã chiến.

* Sáng 27/8, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức gặp mặt đoàn cán bộ y tế vào TPHCM hỗ trợ chống dịch COVID-19.

Đoàn y bác sĩ tình nguyện của Quảng Nam gồm 30 người, trong đó có 7 bác sĩ đa khoa, 11 điều dưỡng, 8 y sĩ cùng các kỹ thuật viên, nhân viên xét nghiệm. Các y bác sĩ này đang làm việc tại các bệnh viện trong và ngoài công lập, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh.

Đoàn tình nguyện của Quảng Nam vào TPHCM đợt này sẽ đi cùng đoàn y bác sĩ các tỉnh miền Trung do Bộ Y tế điều động, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các bệnh viện dã chiến.

Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, tính đến thời điểm này, Quảng Nam đã có hơn 100 y bác sĩ tình nguyện vào TPHCM chống dịch. Đây là việc làm mang ý nghĩa và tinh thần nhân văn cao cả. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đánh giá rất cao tinh thần tự giác, tự nguyện, vượt qua khó khăn của đội ngũ y tế tỉnh nhà, trong đó có 30 cán bộ y tế lên đường hôm nay; trân trọng cảm ơn các y bác sĩ với tinh thần xung kích đã vượt lên tất cả để chung sức, đồng lòng cùng cả nước phòng chống dịch bệnh.

Các thầy thuốc Bệnh viện Mắt Trung ương lên đường chi viện cho miền Nam.

* Trước đó, ngày 26/8, Đoàn công tác đặc biệt đợt 2 của Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp tục tăng cường nhân lực chi viện vào miền Nam, hỗ trợ đồng nghiệp và đồng bào chống dịch COVID-19.

Đoàn công tác đợt này với 40 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên được tăng cường vào Bệnh viện Dã chiến số 16, quận 7, TPHCM, cùng với Đoàn công tác đặc biệt đợt 1 của Bệnh viện Mắt Trung ương lên đường hôm 15/8.

Phát biểu tại lễ tiễn đoàn công tác đặc biệt đợt 2 của Bệnh viện Mắt Trung ương, PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương yêu cầu Đoàn công tác đợt 2 vào phối hợp và sát cánh cùng Đoàn công tác đợt 1, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao cũng như động viên, đoàn kết chía sẻ nơi tuyến đầu chống dịch.

Đoàn công tác đợt 2 của Bệnh viện Mắt Trung ương với đa số là các y bác sĩ trẻ đã xác định tinh thần quyết tâm cao, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện chuyên môn cần thiết nhiều tháng qua, được tập huấn cơ bản, chăm sóc bệnh nhân COVID-19-19, tự tin và phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, sẵn sàng đương đầu những khó khăn thử thách phía trước…

Đoàn công tác của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương xuất quân lên đường chống dịch.

* Ngày 25/8, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã tổ chức lễ xuất quân đoàn công tác thứ lần 2 vào TPHCM hỗ trợ các thầy thuốc đang thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai (thiết lập tại Bệnh viện dã chiến số 16, TPHCM).

Đoàn công tác gồm 24 y bác sĩ đều là những người có kinh nghiệm về điều trị, chăm sóc người bệnh. Trước khi vào TPHCM, các thành viên đều đã được tập huấn, hướng dẫn các quy định về chuyên môn, quy trình kĩ thuật trong phòng, chống dịch COVID-19 và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm COVID-19.

Phát biểu tại lễ xuất quân, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương yêu cầu các thành viên trong đoàn cần tuyệt đối tuân thủ quy trình chuyên môn trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh. "Chúng ta vào tâm dịch sẽ có nhiều khó khăn, tuy nhiên mong các đồng chí giữ sức khoẻ, nỗ lực hết mình vì người bệnh", PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh nhắn nhủ.

Bệnh viện 199 xuất quân đợt II hỗ trợ TPHCM chống dịch.

* Sáng 26/8, Bệnh viện 199, Bộ Công an tổ chức Lễ xuất quân hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của Bộ Công an.

Đoàn y bác sĩ gồm 17 người, trong đó có 6 bác sĩ, 11 điều dưỡng, kỹ thuật viên do BSCKII Trần Quang Pháp - Phó Giám đốc Bệnh viện 199 làm trưởng đoàn.

Ngay khi vào TPHCM, đoàn sẽ phối hợp với Bệnh viện 30-4 đảm trách nhiệm vụ tiếp nhận điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19, tham gia tăng cường chi viện các bệnh viện dã chiến do Bộ Công an thành lập.

Đây là đợt chi viện lần 2 của Bệnh viện 199 nhằm góp phần chung sức cùng TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Phát biểu giao nhiệm vụ cho đoàn công tác, Giám đốc Bệnh viện 199 Quách Hữu Trung khẳng định các cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ Bệnh viện 199 luôn là những chiến sĩ xung kích về chuyên môn ngành y, luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Bộ Công an, theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, yêu cầu tất cả các chiến sĩ trong đoàn chấp hành các quy định, đảm bảo công tác chuyên môn, công tác phòng, chống dịch COVID-19, hết lòng giúp đỡ nhân dân trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đoàn cán bộ y tế tỉnh Sơn La xuất quân lên đường hỗ trợ TPHCM chống dịch.

* Chiều 26/8, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ xuất quân Đoàn cán bộ y tế của tỉnh tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TPHCM.

Đoàn cán bộ y tế của Sơn La gồm 30 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, thuộc các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa các huyện trong tỉnh. Đây là những thầy thuốc có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chống dịch.

Phát biểu động viên Đoàn cán bộ y tế trước khi lên đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công mong muốn, đoàn công tác nêu cao tinh thần trách nhiệm của người “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch; thực hiện nghiêm các quy định của địa phương; bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch và phòng hộ cho bản thân; tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau; tự lực, tự cường, hiệp đồng, phối hợp tốt với các lực lượng có liên quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cao Bằng chung tay cùng TPHCM đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

* Ngày 26/8, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ xuất quân đoàn nhân lực y tế Cao Bằng hỗ trợ TPHCM chống COVID-19 (đợt 2). 

Đoàn nhân lực y tế tỉnh Cao Bằng tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh (đợt 2) gồm 34 cán bộ y tế. Trong đó, có 13 bác sĩ, 04 y sĩ, 15 điều dưỡng, 01 dược sĩ, 01 kỹ thuật viên. Các tình nguyện viên đã được tập huấn các kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm, cách sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong lấy mẫu; điều trị, chăm sóc người bệnh, nắm chắc các kiến thức về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn đề nghị cán bộ, nhân viên y tế tăng cường đợt này phát huy cao độ truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng tinh thần trách nhiệm cao cả, phát huy khả năng chuyên môn của mình thực hiện tốt nhiệm vụ theo sự phân công của các tổ chức, xứng đáng là người con của quê hương cội nguồn cách mạng. Xem đây là cơ hội để rèn luyện học hỏi, bổ sung kiến thức qua thực tế, đúc rút kinh nghiệm để vận dụng có hiệu quả công tác phòng chống dịch sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng đề nghị đồng chí Trưởng đoàn thường xuyên giữ thông tin liên lạc với tỉnh, kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn giúp đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ các chính sách để các thành viên trong đoàn an tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; cơ quan, gia đình, người thân của 34 cán bộ, nhân viên y tế động viên, chia sẻ với các đồng chí tham gia tuyến đầu chống dịch. Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng khẳng định sẽ luôn đồng hành, dõi theo các đồng chí và tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống đại dịch trên địa bàn tỉnh./.