Hành trình chạm tới những con chữ giữa muôn vàn khó khăn của trẻ em H’mông tỉnh Đắk Lắk

Huyện Kroong Bông (tỉnh Đắk Lắk) là một huyện nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Nơi đây chủ yếu là người dân tộc H’mông tập trung sinh sống. Thời tiết ở đây lại quá khắc nghiệt, cái cây ngọn cỏ cũng khó mà chống chịu, ngay cả việc đi lại cũng vô cùng khó khăn. Nhưng những đứa trẻ nơi đây vẫn cứ thế lớn lên, vẫn khát khao được cắp sách đến trường.

Cuộc sống khó khăn của những đứa trẻ vùng cao

Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ tờ mờ sáng, băng qua nhũng cung đường gập gềnh để tiến vào bản. Trước khi đi vào sâu trong bản, bạn sẽ phải băng qua con đường đất đỏ lầy lội vì những trận mưa kéo dài. Những cung đường dốc, trơn trượt dựng đứng ngay cả xe máy cũng khó có thể vượt qua.

Những con đường đất gập gềnh, trơn trượt

Tại những miền đất đã từng bị phá hủy nặng nề bởi thiên tai, các em học sinh vùng cao luôn khát khao đến trường. Mùa nắng đã vậy, mùa mưa đến lại càng vất vả hơn. Những con đường đất lầy lội, người lớn đi lại còn khó khăn huống chi các em học sinh, nhỏ thì bảy, tám tuổi, lớn cũng chỉ 14 đến 16 tuổi.

Đến với huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) nơi có người dân tộc H’mông đang sinh sống. Ở đây có 13 thôn với 2.452 hộ gia đình, 14.247 nhân khẩu đều là người dân tộc H'mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào, tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm.

Cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng thiếu thốn do địa hình đồi núi hiểm trở, đi lại vô cùng vất vả, nhà cửa lụp xụp, thiếu nước sạch để sinh hoạt, mạng lưới giao thông và lưới điện chưa được đầu tư hiện đại. Bạn sẽ không khó có thể bắt gặp những đứa trẻ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nheo nhóc theo mẹ lên mương lên rẫy.

Con đường gian nan trên hành trình tìm kiếm con chữ

Các em học sinh đa số đang theo học Trường THCS Cưdram và THPT Trần Hưng Đạo xã Cưdram huyện kroong bông, từ nơi các em ở để đến trường phải mất 13 cây số. Do chỗ ở bán trú không đáp ứng được nhu cầu nên một số em phải ở tạm trong những căn lều dựng ngay gần trường, có một số em nhà ở gần nên được bố mẹ đưa về trong ngày. Đó cũng chính là niềm đau đáu của các thầy cô giáo nơi đây.

Những đứa trẻ cùng nhau chờ đợi xe bus đón đến trường

Đến thăm những căn lều nhỏ, bạn sẽ không khỏi xúc động khi chứng kiến những đứa trẻ chỉ 11 -12 tuổi cùng nhau sinh hoạt. Các em đều tự túc nấu cơm, làm thức ăn, lo liệu mọi việc nhà sau đó ngồi học bài và ngủ tại lều. Vào những ngày mưa lạnh những đứa trẻ nheo nhóc, đùm bọc nhau, ngồi dưới ảnh lửa bập bùng. Chứng kiến các em sống dưới những căn lều nhỏ, lụp xụp mỗi khi mưa khắp nơi đều bị rột khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng

Các em phải dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị ăn uống rồi đi học

Những em đi về trong ngày thì sẽ được phụ huynh ở xã Cư Đrăm làm hợp đồng xe buýt đưa đón. Đường đi lại thì hư hỏng, xuống cấp với nhiều ổ voi ổ gà, có chỗ không còn được đổ nhựa, xe buýt lại chật chội,... Nhiều gia đình đông con, không đủ điều kiện nên đành cho con nghỉ học giữa chừng.

Chuyến xe bus chở các em đến trường

Để có thể đến trường học kịp giờ, các em đều phải thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để ăn uống và chuẩn bị sách vở. Khi trời còn chưa kịp sáng những tiếng cười nói, tiếng gọi nhau đi học vang khắp bản làng, những đứa trẻ cùng nhau đi bộ ra trạm xe bus chờ đợi xe đến. Tiếng còi xe bus vang lên, lũ trẻ nhanh chóng chạy đến, leo lên xe cố gắng tìm kiếm một chỗ ngồi chợp mắt thật nhanh trước khi đến trường trên chiếc xe chật chội đã bị hư hỏng khá nhiều.

Sau khi tan học, các em lại tiếp tục vượt 13 km để về nhà có hôm 2 giờ chiều mới về đến nơi. Nhưng chưa kịp nghỉ ngơi, các em lại theo cha mẹ lên rẫy lao động.

Các em đều phải tự rèn luyện tính tự lập để có thể thích nghi với môi trường học tập. Cũng bởi vì còn quá nhỏ nên không phải lúc nào lớp học của các em cũng đầy đủ. Phần vì điều kiện kinh tế gia đình, đường sá đi lại khó khăn, phần vì sự hiểu biết nhận thức của các bậc cha mẹ học sinh có hạn, nên tỷ lệ các em học sinh bỏ học cũng không phải ít. Chỉ tính riêng năm 2018 -2019 THCS Cư Đrăm và THPT Trần Hưng Đạo đã có hơn 40 học sinh là người dân tộc H'mông bỏ học.

Ông Võ Chương, Bí thư Đảng ủy xã Cư Đrăm, chia sẻ rằng: “Đường đi từ các thôn đồng bào H'mông đến trường đã xuống cấp trầm trọng nên việc đi lại rất khó khăn. Địa phương và người dân ở đây đã có ý kiến với cấp trên đầu tư xây dựng điểm trường THCS ở các thôn giúp các em đi học thuận lợi, giảm tình trạng học sinh bỏ học. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí, không có biên chế giáo viên nên vẫn chưa được trên phê duyệt”.

Hy vọng các em sẽ có một tương lai tươi sáng

Để có thể tiếp cận những con chữ là điều không phải dễ dàng đối với các bạn nhỏ nơi đây. Nếu như những đứa trẻ ở miền xuôi nỗ lực đi học 1thì những bạn nhỏ vùng núi phải nỗ lực gấp 10 thậm chí 20 lần hoặc hơn thế nữa.

Hình ảnh những đứa trẻ ngây ngô, đôi mắt long lanh sáng ngời khiến chúng ta không thể nào quên. Ước mơ của các em cũng rất giản dị chỉ cần biết đọc biết viết để về sau có thể giúp bản làng xóa được mù chữ, cải thiện đời sống người dân.

Thật sự con đường tìm đến cái chữ vùng cao của các em nhiều lắm những nhọc nhằn, sự nghiệp trồng người còn nhiều chông gai phía trước.

Vậy con đường nào để các em thu nạp kiến thức làm chủ cuộc đời? Con đường nào để các em tìm được một tương lai tươi sáng. Đó luôn là niềm trăn trở không chỉ riêng thầy cô giáo nơi đây mà còn là niềm trăn trở của toàn xã hội.

Hy vọng các em sẽ có cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn trong tương lai. Mong rằng sẽ có Đảng và chính phủ cùng các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ những em nhỏ H’mông tỉnh Đắk Lắk sửa sang lại các lớp học cũng như đường xá đi lại thuận tiện để giảm bớt những khó khăn khi đến trường.