Hấp dẫn món chân giò hầm củ mài

Củ mài sau khi gọt vỏ, rửa sạch và ngâm trong nước 3 - 5 phút rồi cắt thành miếng hình quân cờ. Lưu ý khi cắt gọt củ mài nhớ đeo găng tay để nhựa không làm ngứa tay. Chân giò sau khi thui qua lửa rơm được làm sạch, cắt thành từng miếng và ướp gia vị.

Món chân giò hầm củ mài.

Vào mùa xuân, Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái rất nhiều sản vật quý, những sản vật này được người dân chế biến thành những món ăn ngon miệng, độc đáo, lạ mắt và tốt cho sức khỏe, trong đó có món chân giò hầm củ mài.

Củ mài tiếng địa phương gọi là "mằn sèn", nghĩa là "khoai tiền", có hình dạng như củ sắn mọc tự nhiên trong rừng, chỉ có khoảng tháng 2 - 4 âm lịch hằng năm. Củ mài ngọt, bùi, dẻo và nhiều thành phần dinh dưỡng, được người dân địa phương chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: nấu chè, làm bánh, nhưng độc đáo và ấn tượng nhất là món chân giò hầm củ mài.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, chân giò đem đun sôi từ 15 - 20 phút. Sau khi canh chân giò sôi, gạn bớt bọt rồi mới cho củ mài đã cắt gọt thành miếng vào. Ninh chân giò với củ mài thêm 30 - 50 phút cho đến khi miếng củ mài bở, trắng mịn và tơi xốp.

Trước khi múc canh ra bát thêm ít hành lá hoặc rau mùi để tạo điểm nhấn cho hương vị bát canh. Canh chân giò hầm củ mài có vị béo, ngọt, bùi của củ mài, ngọt thanh, đậm đà của thịt chân giò hòa quyện với vị nồng của hành lá hoặc vị thơm của rau mùi tạo nên bát canh ấm, thơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.

Canh chân giò hầm củ mài là một món ăn dễ làm, thơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng nên xuất hiện trong nhiều mâm cơm của bà con các huyện miền Đông. Nếu có dịp ghé thăm nơi đây vào dịp này, các bạn hãy một lần thưởng thức hương vị đậm đà, ấm áp của món canh này.