Hãy tin ở con người

Chỉ có sự yêu thương, chia sẻ, khéo léo xử lý mọi tình huống sao cho có tình có lý sẽ gắn kết con người lại để cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, có trách nhiệm hơn trong cuộc sống.

1-hay-tin-o-con-nguoi-1631349887.jpg

Có tiền mua tiên cũng được mà. Không khéo chúng mày còn phải ăn nhờ khói thuốc của tao cũng nên. (Ảnh minh hoạ)

Nhà bác Tuấn ở bên cạnh nhà tôi. Gia đình bác sống trong ngôi nhà nhỏ diện tích khoảng 50 m2 được thưng bằng lá dừa, trải qua năm tháng dầm mưa dãi nắng đã bị mục nát rệu rã  tạo thành những khoảng trống to nhỏ khác nhau bên vách nhà, trên mái lá khiến mỗi khi trời mưa nhà dột tứ tung, phải huy động hết nồi, thau, xô…mà nhà vẫn bị ướt đầm ướt đìa, chẳng có chỗ nào gọi là “khô ráo”.

Gia đình bác không có ruộng nên phải đi làm thuê làm mướn cho người ta. Bác trai hàng ngày đi xịt thuốc sâu, vác lúa ở nhà máy chế biến gạo, dặm lúa mướn cho người ta, ai thuê gì bác làm nấy, miễn việc mình làm là lương thiện, không vi phạm pháp luật. Bác gái hàng ngày quảy đôi quang gánh rong ruổi khắp đầu làng cuối xóm mua ve chai, phế liệu về bán cho đại lý, lấy công làm lời. Công việc bữa thất, bữa trúng nhưng đổ đồng một ngày kiếm được hai trăm đến hai trăm năm mươi ngàn cũng tạm đắp đổi qua ngày.

Nghe bố tôi kể, vợ chồng bác không phải là người sinh ra, lớn lên ở đây mà là người từ nơi nào xa lắm, nghe nói từ Bắc Giang chuyển tới ngụ cư ở xã Tân Hòa này. Nghe nói, ngày xưa gia đình bác khá giả lắm, từng có cửa hàng cửa hiệu buốn bán xe máy ở ngoài mặt phố ngay giữa trung tâm thành phố, cuộc sống sung túc dư giả của gia đình bác là điều mơ ước của biết bao người. Thế nhưng, cuộc sống không bình yên như bác tưởng, mà nó luôn cuộn trào từng đợt sóng ngầm âm ỉ gặm nhấm hạnh phúc từng gia đình nếu họ không tỉnh táo. Đợt sóng ngầm ấy là con bão “ma túy” ào về vùng đất biên cương này phá nát cuộc sống êm đềm, bình yên của gia đình bác và bao người khác, đẩy họ vào cảnh tán gia bại sản, người thì tự tử vì không đủ tiền trả nợ, người nhiễm căn bệnh thế kỉ HIV, người thì khóa tuổi thanh xuân của mình sau song sắt nhà tù, người thì bỏ làng đi biệt xứ vì không chịu nổi sự kỳ thị của người đời.

Vợ chồng bác lấy nhau từ rất sớm nhưng không hiểu sao đến gần nửa cuộc đời mới sinh được duy nhất mụn con trai. Khỏi phải nói, bác và gia đình vui mừng đến nhường nào. Đứa con cầu tự. Đứa con khát khao cháy bỏng được làm bố, làm mẹ đến bây giờ mới trở thành hiện thực. Ngày bác gái sinh, bác mở tiệc to lắm, đãi tại nhà hàng sang trọng nhất thành phố để ăn mừng. Ai cũng mừng cho vợ chồng bác. Bác vui mừng, nở nụ cười mãn nguyện.

Sinh được đứa con “chống gậy” nối dõi tông đường, hai bác “cưng” hết cỡ, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Chỉ một cái ngã của bé, cái chày xước tay chân nhỏ cỏn con, muỗi đốt vài nốt đỏ tấy…là hai bác lòng dạ như bị ai “xát muối” đổ lỗi cho nhau chăm sóc con không cẩn thận. Khổ nỗi, công việc kinh doanh bận bịu tối ngày, đầu tắt mặt tối, giao dịch khách hàng, tiếp khách,…khiến họ không còn thời gian để ý đến con. Bác nghĩ, cần phải đầu tư kinh doanh nhiều hơn nữa để sau này có của hồi môn “kha khá” cho thằng cu Nhất để sau này nó đỡ phải vất vả dãi nắng dầm sương vì miếng cơm manh áo. Để chăm sóc con được chu đáo, bác thuê ô sin về nhà trông coi, bồng bế, chăm sóc cho cu Nhất. Nhiều lúc cu Nhất biếng ăn, tè dầm, chập chững tập đi bị té…là ô sin bị mắng te tua vì không cẩn thận làm đau “cục vàng” của bác.

Bác chiều cu Nhất lắm, cu Nhất muốn gì được nấy, chẳng coi ai ra gì. Mỗi khi bực vì cu Nhất hỗn, ô sinh dơ tay dọa đánh, cu Nhất vênh mặt “dám đánh không?” đầy thách thức. Thế là ô sin lại phải xuống nước năn nỉ ỉ ôi đến bã bọt mép may ra cu Nhất mới chịu. Đôi lúc, cu Nhất nghịch hỗn, lừa lúc ô sin lúi húi đút cơm hoặc giặt đồ… không để ý liền thò tay bóp vú ô sin khiến cô đỏ mặt, ngượng ngùng trước mặt mọi người mà không dám rầy la tiếng nào. Mọi người biết sự nuông chiều thái quá của bác với con, góp ý với bác thì bác bảo “ôi dào, nó hãy còn nhỏ, biết gì, để nó lớn lên một tí dạy bảo cũng vừa…”.

Cái quan điểm “lớn lên một tí dạy bảo cũng vừa” của bác đã khiến bác phải trả giá đắt. Được sống sung sướng trong nhung lụa, ước gì được nấy, bởi, Nhất biết lợi dụng ưu thế của mình là đứa con độc đinh, mỗi khi không vừa ý là Nhất lăn đùng ra nhà ăn vạ cho đến khi đạt được mục đích mới thôi. Nhiều lúc bác trai còn quát bác gái vì cái tội khắt khe với con, nhà mình giàu, có mỗi đứa con, tài sản làm ra sau này cũng là để nó hưởng, khắt khe làm gì “tội nghiệp nó” khiến cu Nhất càng được thể, làm tới.

Cái đỉnh điểm của sự “làm tới” của cu Nhất là kết bạn với “nàng tiên nâu” lúc nào không hay. Nhà giàu, thích chơi trội, thích thể hiện bản ngã của mình với chúng bạn, nhất là không để mất sĩ diện với bé Kiều xinh đẹp con lão Phùng chủ tiệm vàng phố huyện, Nhất hút một điếu thuốc lá gọi là hút chơi, thử cho biết “mùi vị nó thế nào” nhưng không ngờ trong điếu thuốc ấy, chúng bạn đã “tẩm” may túy, sau một hơi thuốc Nhất cảm thấy thân thể có cảm giác nâng nâng, khoan khoái, dễ chịu lạ thường.

Thèm thuốc, Nhất ra ngoài tiệm tạp hóa gần nhà mua. Nhưng thật lạ, thuốc lá Nhất mua ở tiệm hút nhạt phèo, chẳng có mùi vị gì cả, không như điếu thuốc của con Kiều đưa cho. Cảm thấy cơ thể bứt rứt, khó chịu, Nhất phi xe thẳng xuống nhà con Kiều, người tình trong mộng mà Nhất thầm yêu, trộm nhớ, mòn không biết bao nhiêu cái đũng quần ở nhà nó, xin điếu thuốc để hút cho đỡ thèm. Con Kiều vòng tay ôm eo, hôn đánh chụt vào má Nhất nũng nịu “thèm rồi hả? vào đây cưng cho điếu thuốc này, sướng thì phải biết, nhớ phải trả thù lao nha”.

 Con Kiều chưa kịp đưa, nó liền vồ lấy, bật quẹt, ngọn lửa xanh bén đầu điếu thuốc, một làn khói mơ màng mỏng manh bay lên tỏa mùi thơm dìu dịu. Nó rít mạnh một hơi, cái cảm giác bứt rứt, khó chịu bay đi đâu mất như có phép lạ màu nhiệm, thay vào đó là cái cảm giác đê mê, sảng khoái, nhẹ bẫng trong màn sương mờ ảo của khói thuốc.

Bọn bạn không còn cho Nhất hút “miễn phí” nữa. Bọn nó bảo, bọn tao chỉ “giúp” mày được bấy nhiêu thôi, không thể cung phụng mãi được, nhà mày giàu phải bỏ tiền ra mà mua chứ, tiền nhiều không tiêu để làm gì, chết có mang đi được không mà bây giờ không hưởng thụ, tiền để trong túi không đem ra tiêu thì chẳng khác nào tờ giấy lộn, tờ giấy lộn ấy mang đi trao đổi, mua bán thì mới có giá trị, đó mới là tiền, nhà mày tiền nhiều không tiêu cũng phí, thằng bạn nói khích.

Nó nghĩ, ừ, cần đếch gì bọn mày. Bọn mày chả là cái đinh gì mà lên mặt dạy đời. Nhà tao giàu cần gì phải “ăn bám” những hơi thuốc của chúng mày. Có tiền mua tiên cũng được mà. Không khéo chúng mày còn phải ăn nhờ khói thuốc của tao cũng nên.

Đúng là, không có thứ gì phát nát hạnh phúc gia đình nhanh chóng bằng “nàng tiên nâu”. Một hôm, đang ngồi tiếp khách, bác bất ngờ, sửng sốt, bang hoàng thiếu điều ngã quỵ chân khi thấy mấy tên đại ca giang hồ cùng đám đàn em mặt trâu mặt ngựa, mình xăm trổ vằn vượn cọp, rồng  xông vào tìm thằng Nhất đòi tính sổ và đòi nợ. Nếu thằng Nhất không chịu thanh toán các khoản “nợ” lãi mẹ đẻ lãi con thì chúng sẽ thanh toán cả nhà, gia đình đừng hòng trốn thoát, nhất là ông bà có mỗi một đứa con “cầu tự”, khôn hồn thì phải thanh toán đầy đủ không thiếu một xu, nếu không sẽ phải nhận xác con.

Hoảng sợ, bác phải bán rẻ như cho tài sản, đất đai để trả nợ cho chúng, bảo toàn tính mạng cho cả gia đình và chuyển vào mảnh đất xa xôi này cư ngụ với mong muốn rời xa những lời đàm tiếu cay nghiệt của hàng xóm láng giềng, mong muốn con mình thoát khỏi sự vây bủa của “nàng tiên nâu” do bọn bạn cũ rủ rê, chèo kéo, mong muốn thằng Nhất làm lại cuộc đời, dù nghèo khó đến cỡ nào, cực khổ đến đâu cũng chịu đựng được, miễn là thằng Nhất thoát khỏi bóng đen của nàng tiên nâu là bác mãn nguyện lắm rồi.

Cu Nhất được bác “cai sống” tại gia đình chứ không đưa vào trung tâm cai nghiện như người ta. Những ngày đầu cai nghiện cho cu Nhất thật vất vả. Nhìn con vật vã trong đau đớn, lòng bác đau như đứt từng khúc ruột. Đau lắm, thương lắm! Nhưng không thể mềm lòng được. Mềm lòng là giết con. Bác trắng đêm thức giấc để chăm con, nắn bóp tay chân cho cu Nhất, bón cho cu Nhất từng miếng ăn, giấc ngủ. Bác gầy rộc đi trông thấy, đôi mắt trũng sâu vì lo lắng, thiếu ngủ, mái tóc bạc trắng, râu mọc tua tủa, duy chỉ đôi mắt ánh lên niềm hy vọng đứa con sẽ hoàn toàn đoạn tuyệt với nàng tiên nâu.

Sự kiên trì, nhẫn nại, sự chăm sóc, tình yêu thương của bác đã được đền đáp khi cu Nhất đã đoạn tuyệt được với ma túy. Anh dần dần bình phục, chân tay có da có thịt, da dẻ hồng hào, đôi mắt tinh anh không còn đờ đẫn như xưa. Hàng ngày anh theo cha đi làm thuê làm mướn phụ giúp cha mẹ kiếm tiền tăng thêm thu nhập. Anh ân hận lắm. Chỉ vì mình mà gia đình tán gia bại sản. Nếu không có tình yêu thương của cha mẹ thì anh đã “xanh cỏ” từ lâu rồi. Cha mẹ đã đưa anh từ cõi chết trở về. Cha mẹ đã hồi sinh anh lần thứ hai. Vì thế, anh chăm chỉ làm việc, quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy để trở thành con người có ích cho gia đình và xã hội.

Ấy vậy mà cha tôi nghi nghờ anh vẫn còn nghiện. Cha bảo, những ai “dính” vào ma túy rồi thì khó mà có thể dứt ra được, sớm muộn gì cũng “ngựa quen đường cũ” mà thôi. Cho nên cha luôn cảnh báo anh em tôi không nên chơi với anh, hễ thấy anh thì phải tránh xa, vô phúc gặp mặt thì phải tìm cớ thoái thác không được nói chuyện nhiều, đề phòng khói thuốc lá anh hút sẽ “ quyến rũ” anh em tôi thì nguy hiểm biết chừng nào. Nghe lời bố, anh em tôi chơi với anh cũng chừng mực nhưng xem ra có sự xa lánh. Anh biết anh em tôi không thích anh lắm nhưng không biết làm sao cải thiện tình hình. Anh mặc cảm bản thân mình. Đôi khi nhìn anh lầm lũi, tôi thương lắm, định chạy sang nói chuyện thân mật nhưng nghĩ tới lời dặn của bố tôi lại sợ. “Cẩn tắc vô áy náy” mà.

Hôm ấy, tôi vừa đi học về đến cổng thì nghe thấy tiếng gà ở trong chuồng kêu quang quác rồi im bặt. Hoảng hốt, tôi chạy vào thì giật mình đứng như trời trồng khi thấy anh đang ở trong bếp, trong chuồng con gà đá mà cha tôi chăm bẵm hàng tháng trời để đến tết làm bữa cơm cúng giao thừa nằm chết lăn quay. Tôi hoảng hốt kêu toáng lên “ăn trộm, ăn trộm” để đánh động cho mọi người biết rồi vớ lấy cây gậy trong góc bếp vụt vào lưng, chân anh túi bụi.

Cha anh hay tin, táng cho anh cái tát như trời giáng nổ đom đóm mắt, gầm ghè “mày là thằng mất dạy, dám làm cái việc thất đức ấy hả con? Về nhà rồi bố cho mày biết tay để chừa cái thói “chôm chỉa” ấy đi.

Bị cái tát nảy lửa của người cha, bị nhiếc móc, dè bỉu của mọi người, anh không thanh minh thanh nga được nửa lời bởi “vật chứng” rành rành ra đấy, chối làm sao được, thanh minh thanh nga ai mà tin. Sau khi xin lỗi cha tôi và hứa sẽ bồi thường đầy đủ, bác lôi xềnh sệch anh về nhà để “dạy bảo”.

Nhìn con gà chọi chết chèo queo trên sân nhà, cha tôi tiếc lắm, giận lắm, định “tẩn” cho anh một trận cho chừa cái thói ăn cắp đi. Cha tôi nghĩ, có lẽ anh vẫn còn nghiện, không có tiền mua ma túy nên ăn cắp con gà của gia đình tôi đem đi bán để lấy tiền chích thuốc.

Khi làm lông gà để thịt, bất ngờ cha nhìn thấy bốn vết răng sắc nhọn ngập sâu vào thịt con gà. Dấu vết này không thể là do thằng Nhất gây ra bởi ở hiện trường nó chẳng cầm hung khí nào sắc nhọn trên tay cả. Nếu nó muốn bắt gà thì chỉ cần vặn cổ con gà là xong. Còn muốn để con gà còn sống để bán được giá thì chỉ cần bịt mỏ con gà lại, tống vào cái bao nhỏ giấu trong người, con gà cũng chẳng thể nào kêu được. Tinh vi hơn một chút, nó chỉ cần tiêm một mũi thuốc tê là con gà “ngẻo” tạm thời một thời gian ngắn là tỉnh lại liền. Còn nếu cho rằng đây là vết cắn của chó,mèo thì cũng không phải bởi nhà tôi không nuôi chó, mèo, xung quanh nhà hàng xóm cũng chẳng ai nuôi thì làm sao có vết cắn này được.

Hồ nghi, để cẩn chắc xem liệu có vấn đề gì không, cha tôi xẻo một miếng thịt gà rồi băm thật nhỏ đem cho gà ăn rồi ngồi theo dõi xem tình hình thế nào. Có mồi ngon, gà ta tục..tục…vài cái mổ lấy mổ để rồi bất ngờ…lăn quay ra đất giãy giụa một hồi rối chết. Cha giật mình hoảng hốt “chẳng lẽ thằng này lại tiêm thuốc độc vào con gà để hãm hại nhà mình?” Nhà mình với nhà nó có thù hằn gì đâu mà sao nó ác thế nhỉ? Cha tôi định báo công an đê truy xét cho rõ nguồn cơn của sự việc. Bình tâm lại, cha nghĩ “Nếu nó tiêm thuốc độc vào con gà thì nó có lợi ích gì cơ chứ? Nó chẳng thể nào đem đi trao đổi mua bán được, vậy phải chăng có khi nào vết cắn đó là…”.

Cha lật đật chạy lại bên xác con gà xem kĩ lại vết cắn thì giật mình nhận ra đó là vết răng của con rắn hổ, một loại rắn cực độc, nếu bị nó cắn mà không cứu chữa kịp thời thì người bị nó cắn sẽ tử vong rất nhanh. Thật là hú hồn. Nếu không chú ý, cẩn thận thì chắc chắn cả nhà tôi đã chẳng còn ai sống sót vì ăn thịt gà bị nhiễm độc do con rắn cắn.

Tất tả, cha tôi chạy sang nhà bác Tuấn nắm chặt lấy bàn tay bác, giọng run run “anh ơi, không phải do cháu Nhất ăn trộm làm chết gà của nhà em đâu. Con gà nhà em bị chết là do bị rắn hổ cắn đấy anh ạ. Em và anh cùng mọi người đổ oan cho cháu rồi. Tội nghiệp nó quá!”. Nghe cha tôi nói, bác Tuấn không tin và nghi ngờ cha tôi bịa chuyện để gỡ tội cho anh Nhất, bảo “chú đừng bao che cho nó, làm như thế nó càng hư, tôi đã sai lầm khi nuông chiều nó từ nhỏ nên mới để xảy ra cơ sự như ngày hôm nay. Để tôi đánh cho nó một trận mới được, có như thế tôi mới hả dạ…”. Trước sự nghi ngờ của bác, cha tôi kéo bác sang nhà để tận mục sở thị vết cắn trên mình con gà chọi  “con gà ăn con gà, bị chết”, lúc ấy bác mới tin.

Ngay sau đó cha tôi sang nhà bác Tuấn xin lỗi hai bác và anh Nhất vì sự hiểu lầm vừa qua, cha tôi thật sự xấu hổ vì đã có những suy nghĩ không đúng về anh và mong hai bác cùng anh Nhất thông cảm  vui lòng bỏ qua cho. Hai bác nắm chặt lấy tay cha tôi ôn tồn “Không sao đâu, chỉ là hiểu lầm thôi mà, chú hiểu thằng Nhất nhà tôi không phải là người xấu là vợ chồng tôi mừng rồi”.

Sau lần ấy, gia đình tôi không còn ác cảm với anh Nhất nữa. Bố mẹ tôi không còn ngăn cản, khuyến cáo anh em tôi không nên chơi với anh Nhất nữa, ngược lại, bố mẹ khuyến khích chúng tôi kết thân với anh để anh không cảm thấy bị xa lánh, để anh không còn cái cảm giác tủi thân, mặc cảm nữa. Từ đấy, gia đình tôi với gia đình bác trở nên thân thiết, thường hay giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Cha tôi cũng đã xin cho anh Nhất vào làm công nhân cho một công ty chế biến thủy sản. Nhờ sự cần cù, chịu khó, thông minh, ham học hỏi, vừa làm việc ở công ty vừa tranh thủ học văn hóa rồi học lên cao đẳng, đại học, anh Nhất được anh em và ban giám đốc trong công ty tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, quản đốc, phó phòng kinh doanh và giám đốc chi nhánh của công ty phụ trách các tỉnh Tây Nam bộ.

Từ đó, tôi nhận ra rằng, sự ích kỉ, lãnh đạm của con người sẽ đẩy con người trở thành những người xa lạ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với nhau, thậm chí đẩy con người ta đến con đường tuyệt vọng không lối thoát. Chỉ có sự yêu thương, chia sẻ, khéo léo xử lý mọi tình huống sao cho có tình có lý sẽ gắn kết con người lại với nhau để cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, có trách nhiệm hơn trong cuộc sống, gắn kết mối thâm tình tình để những con người có một thời lầm lỡ có niềm tin vươn lên trong cuộc sống!

Đừng xa lánh họ. Hãy tin ở con người!