Các cửa hàng trong hệ thống siêu thị Vườn của bé đang ngang nhiên bày bán nhiều mặt hàng dành cho trẻ em như dược phẩm, sữa, hạt nêm, ngũ cốc, thực phẩm chức năng... tuy nhiên các sản phẩm này đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, thậm chí không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thời gian gần đây, Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo nhận được nhiều phản ánh từ phía bạn đọc về việc hệ thống siêu thị Vườn của bé bày bán nhiều mặt hàng không có tem nhãn mác bằng tiếng Việt, hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngay khi nhận được phản ánh, PV Tạp chí đã tới cơ sở Vườn của bé tại địa chỉ 15B Đào Tấn (Ba Đình – Hà Nội) để ghi nhận hoạt động kinh doanh, buôn bán tại đây. Tại cửa hàng này, rất nhiều mặt hàng được bày bán đa dạng về chủng loại, mẫu mã, từ các loại sữa đến thực phẩm chức năng. Không chỉ có các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ mà còn có cả các sản phẩm dành cho người lớn. Các sản phẩm đều được nhân viên bán hàng giới thiệu có xuất xứ từ nhiều nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Pháp…
Mặc dù giới thiệu là hàng xách tay nhưng khi khách hàng hỏi về nguồn gốc và cách sử dụng một số loại thực phẩm chức năng, dược phẩm thì nhân viên bán hàng cũng tư vấn không rõ ràng.
Việc không có nhãn phụ tiếng Việt trên các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc tìm hiểu xuất xứ, thành phần cũng như hướng dẫn sử dụng và cách bảo quản. Bên cạnh đó, không có nhãn phụ còn khiến người dùng hoang mang và hoài nghi về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Liệu các sản phẩm này có thực sự an toàn cho trẻ nhỏ - đối tượng cần được bảo vệ nhất? Vườn của bé liệu đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật?
Vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu khi để cho các cửa hàng này bày bán những sản phẩm như này?
Được biết, hệ thống siêu thị Vườn của bé thuộc công ty TNHH Thiên Kim Hải, có trụ sở chính tại 38 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội và có 6 cơ sở tại các quận trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tại Fanpage Facebook của mình, Vườn của bé tự giới thiệu là đơn vị chuyên hàng xách tay, đồ ăn, đồ dùng, bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé, là điểm đến tin cậy của các bà mẹ.
Qua đây có thể thấy, lợi dụng tâm lý sính hàng ngoại cũng như lòng tin của người tiêu dùng, không ít cửa hàng đã sử dụng chiêu bài quen thuộc là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay, bất chấp việc pháp luật quy định và sức khoẻ của người tiêu dùng để thu lời bất chính. Khi xảy ra vấn đề ngoài ý muốn, thiệt hại không ai khác lại chính là khách hàng!!!
Chúng tôi sẽ tiế tục thông tin tớ bạn đọc!
Hương Mi
Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa quy định về ghi nhãn phụ như sau:
1. Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của nghị định này.
2. Nhãn phụ được sử dụng đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường.
3. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
4. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.
Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì trên nhãn phụ phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam”.