Hệ thống Trung tâm thương mại Outlet + Dự án sản xuất kinh doanh liệu đã khả thi?

Với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, giúp người dân thoát khỏi đói nghèo, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, tự chủ về thương mại và đưa du lịch Việt Nam cất cánh, từ năm 2015, Công ty Thương binh nặng Hòa Bình đã đề xuất với Đảng và Chính phủ, xây dựng một hệ thống Trung tâm thương mại (TTTM) miễn phí trên toàn quốc.

Trung tâm thương mại Oulet V+ những nội dung cốt lõi

Theo nội dung đề án, Công ty Hòa Bình sẽ xây dựng các TTTM Outlet V+ tại Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm tạo mạng lưới tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản ở cả vùng sâu, vùng xa. Hệ thống là kênh tiêu thụ hàng hóa với chi phí thấp, tính cạnh tranh cao; góp phần thúc đẩy sản xuất ở 870.000 doanh nghiệp, trên 26.000 hợp tác xã và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh. Các dự án thuộc đề án không sử dụng ngân sách nhà nước; nghĩa vụ tài chính được công ty Hòa Bình đóng góp để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, phát triển mạng lưới kết nối. Theo đó, Công ty cam kết xây dựng TTTM với quy mô 50.000 m2 sàn thương mại trong thời gian thi công từ 15 đến 18 tháng.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Công ty Hòa Bình sẽ huy động 100% chi phí vốn đầu tư xây dựng 8 trung tâm bao gồm các đơn vị như thông tin; hỗ trợ liên kết sản xuất trong nước; thí nghiệm và thẩm định giá; xuất nhập khẩu hàng hóa; mua hàng trong nước; kho vận logistic; marketing; và viện nghiên cứu & phát triển sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa. Theo ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty Hòa Bình, nếu thực hiện đúng tiến độ, sau 5 năm dự án đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ không còn hộ đói nghèo, thu hút được hàng trăm triệu lượt khách du lịch/năm và đóng góp hàng trăm nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Phụ thuộc vào quy mô của các tỉnh, thành phố; mỗi dự án đề xuất sẽ tạo từ 10.000 đến 20.000 việc làm cho người lao động và thu hút thêm hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Theo đó, tổ chức thuộc Oulet V+ sẽ phối hợp cùng các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu hỗ trợ đồng bào miền núi phía Bắc xây dựng chuồng trại, hệ thống biogas đảm bảo vệ sinh môi trường và thu mua toàn bộ sản phẩm người dân làm ra. Người dân vùng cao sẽ có việc làm và thu nhập ổn định, tiến tới thoát nghèo.

Là mô hình kết hợp chặt chẽ nhiều hoạt động giữa sản xuất với dịch vụ thương mại, khoa học công nghệ và phát triển thị trường, doanh nghiệp tham gia TTTM Oulet V+ sẽ có điều kiện thuận lợi để hình thành các chuỗi giá trị chứa đựng những yếu tố tự cường. Trong bối cảnh mở cửa,  hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, tìm lối ra từ những lợi thế phát triển để mở rộng giao thương quốc tế là việc làm cần thiết. Đây là cách làm thiết thực để hiện thực hóa các quy định cụ thể trong các Hiệp định Thương mại Tự do song phương và đa phương.

anh99-1631175072.jpg                        Mặt bằng dự án tổ hợp TTTM, Outlet V+; Ảnh Công ty Hòa Bình

  Ngoài xây dựng hệ thống 8 TTTM và viện nghiên cứu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là việc làm cấp bách để nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo niềm tin và sự an tâm của người sản xuất, tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hệ thống TTTM outlet V+ còn phối hợp với tổ chức “Người Việt dùng hàng Việt” đến tận các xã, phường để thành lập các Ban vận động gồm các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… Ban này làm nhiêm vụ vận động từng hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn mua, bán sản phẩm của các TTTM. Outlet V+ có trách nhiệm liên hệ và thông qua Ban vận động cung cấp hàng hóa đến từng hộ gia đình, từng doanh nghiệp và trích lại tiền hoa hồng để có kinh phí hoạt động và phục vụ mục đích an sinh xã hội. Việc làm này sẽ giúp Ban vận động cơ sở có nguồn thu thường xuyên cho hoạt động an sinh xã hội, giảm dần nguồn chi ngân sách thường xuyên. Đây là việc làm tích hợp, khó có thể thực hiện được trong cơ chế thuần túy thị trường. Từ tầm nhìn chiến lược, mục tiêu và những nội dung dài hạn đề ra trong đề án đã thể hiện rõ tính cấp bách, cần làm của dự án trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Vấn đề bàn luận

Là một đề án tổng hợp mang tính liên ngành, Đề án nhấn mạnh mục tiêu:Tạo mạng lưới tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản đến tận vùng sâu, vùng xa và nhất là làm chủ được hệ thống phân phối hàng hóa, điều tiết sản xuất, tạo động lực cạnh tranh, phá thế độc quyền, giành lại huyết mạch tiêu thụ hàng hóa trong tay các nhà bán lẻ đang khống chế thị trường để trở thành kênh tiêu thụ hàng hóa chủ động với chi phí thấp, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng triệu hộ sản xuât kinh doanh.

Với nhiều nội dung mới của kinh doanh oulet, vấn đề đặt ra khá rộng, đòi hỏi phải có những nghiên cứu, tạo cơ sở khoa học để tính toán cụ thể để định thành mục tiêu, song trong đề án vẫn còn nhiều khoảng trống, nặng về mong muốn mà thiếu những tính toán cụ thể để khẳng định số lượng hàng triệu việc làm, thu hút hàng trăm triệu khách du lịch hay hàng trăm nghìn tỷ đồng đóng góp vào ngân sách hàng năm.

Đề án mang tên Xây dựng Trung tâm thương mại Oulet V+, nhưng chưa định rõ khái niệm này. Trong khi Oulet là vấn đề khá quen thuộc với người nước ngoài thì ở Việt Nam nó vẫn còn là thứ xa lạ. Outlet là các cửa hàng bán lẻ sản phẩm của những công ty sản xuất không qua bất kì một tổ chức trung gian nào để đến tay người tiêu dùng, nên hàng hóa có chất lượng cao nhưng giá cả vẫn thấp hơn so với ở nhiều cửa hàng buôn bán thông thường.

Trên thế giới, các cửa hàng oulet ra đời từ những năm 1930 của thế kỷ trước, nhưng vì nhiều lý do, đến nay sự phát triển của loại hình này vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là đối với nhóm sản phẩm nông sản. Đề án của công ty Hòa Bình hướng vào sản phẩm nông nghiệpkinh tế xã hội nông thôn, những chưa làm rõ được đặc thù và những nét riêng của chuỗi sản phẩm này trong sản xuất kinh doanh để đưa ra giải pháp cần thiết trong tổ chức ngành hàng. Đặc biệt, cách mạng công nghệ thông tin đã làm thay đổi nhanh chóng mọi phương thức sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng đề án đã chưa thể hiện được rõ lợi thế này.

Nhìn chung, đề án mới còn dừng ở mục tiêu và những định hướng chung, chưa có phương án và giải pháp cụ thể để đạt được những mục tiêu tổng quát rộng lớn trong sản xuất kinh doanh của các nhóm ngành hàng./.