- Mai cả nhà ông đi chơi dài ngày à mà mua sắm nhiều thứ vậy?
- Nào có đi đâu đâu, đấy là toàn bộ đồ tích trữ mà các cháu nhà tôi vừa tranh thủ mua chiều nay để chống dịch. Đấy là chúng nó còn mua sớm mới có, còn chậm chân là hết. Hơn nữa, giá các sản phẩm này cũng cao hơn nhiều so với ngày thường! - ông Bình phân trần.
- Dịch nào? Ông Hưởng ngạc nhiên hỏi lại.
- Thì đấy, dân quê mình nghe tin trên thành phố hôm nay có người nhiễm bệnh Covid-19 cho nên người người, nhà nhà đến các cửa hàng tiện lợi mua sắm đồ về tích trữ, thậm chí có gia đình còn mua cả gạo. Thậm chí, nhiều nhà còn chung tiền thuê cả ô-tô lên thị trấn mua đồ, nhưng nghe đâu trên đó cũng hết. Khốn khổ cái dịch Covid-19 làm đến vùng quê xa xôi như làng mình cũng bị vạ lây! - ông Bình thở dài nói.
Nghe đến đây, ông Hưởng lắc đầu ngao ngán.
- Xã mình là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chính cho nên thiếu gì gạo và rau để ăn. Hơn nữa, nhà nào cũng nuôi vài con gà, vịt hay lợn, vì vậy cũng không thiếu thực phẩm, việc gì phải dự trữ. Mà tôi nói dại chứ nếu xã mình chẳng may bị cách ly, phong tỏa thì Nhà nước cũng cung cấp đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong sinh hoạt hằng ngày. Như vừa qua đó, tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị cách ly, phong tỏa hàng nghìn người nhưng ông thấy có ai bị đói, khát hay thiếu thốn gì không. Hằng ngày, lực lượng chức năng mang đủ nhu yếu phẩm cần thiết đi phát tới từng gia đình.
Thời gian qua, do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều gia đình trên thành phố tích trữ lương thực, thực phẩm, thế mà giờ đây phong trào đó còn lan về đến tận vùng nông thôn. Đáng trách hơn, nhiều kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bằng việc tăng giá bán. Bộ Công thương và các cơ quan chức năng thành phố cũng đã khẳng định không thiếu hàng hóa cho người dân nếu dịch lan rộng. Do vậy, việc cần làm trước mắt là người dân cần ổn định tâm lý, không hoang mang và thực hiện nghiêm các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch, nhất là không chạy theo hiệu ứng tâm lý như thời gian qua.