Xưa kia, từ thời các cụ, con người ta đã rất chú ý đến việc gìn giữ tôn ti trật tự trong dòng tộc, rồi rộng hơn là mối quan hệ họ hàng, rộng hơn nữa là các quan hệ xã hội.
Xét về quan hệ thân thuộc trong gia đình thì gần gũi nhất là quan hệ giữa ông bà, cha mẹ và con cháu. Càng cùng chung sống với nhau nhiều, càng yêu thương, giúp đỡ, tôn quý nhau thì mối quan hệ đó lại càng trở nên gần gũi, gắn bó và thân thiết. Mức độ thân thiết và gần gũi ấy ngoài sự hòa hợp về tâm tính, còn được quyết định bởi sự tương tác qua lại từ cả hai phía. Ít qua lại thì dù gần cũng thành xa; năng qua lại thì vốn xa thành gần, vốn gần lại càng gần thêm.
Tại sao trong gia đình, cha mẹ lại yêu thương con nhiều đến thế? Các cháu lại yêu quý ông bà nhiều đến thế? Ngoài quan hệ huyết thống ra thì sự gần gũi, yêu thương đó còn do một bề dày của những kỉ niệm gắn bó, quan tâm, chăm sóc, yêu thương mà thành. Tuy nhiên cũng có đâu đây số ít, mối quan hệ ruột rà ấy lại rất nhạt nhẽo, lạnh lùng, xa cách là vì trong lòng người ta không có kỉ niệm gì gắn bó, thân thương.
Trong quan hệ gia đình, ngoài tình cảm giữa ông bà, cha mẹ với con cháu còn có tình cảm anh em ruột thịt và anh em, con cháu họ hàng theo chi, theo nhánh. Càng gần càng thân thiết. Cho nên các cụ có câu: giọt máu đào hơn ao nước lã; nhất con nhì cháu, thứ sáu mới đến người dưng.
Để duy trì mối quan hệ họ hàng gần gũi này, các cụ đã để lại rất nhiều nét văn hóa truyền thống như các ngày giỗ chạp, tết nhất. Đó là dịp để họ hàng qua lại gặp mặt nhau cho đỡ quên nhau.
Ngày giỗ họ, cả dòng họ trong làng sẽ tề tựu về từ đường, trước là làm lễ tưởng nhớ đến cụ tổ chung, sau là anh em trò chuyện cho thêm phần thân thích, biết ai là trên, ai là dưới để dễ bề xưng hô, cư xử cho đúng, cho phải.
Ngày Tết, con cháu đến chúc Tết ông bà, cha mẹ nội ngoại hai bên, anh em trong nhà, trong họ đến chúc tết nhà nhau, các cháu đến chúc tết cô, dì, chú, bác; nàng dâu mới đến chúc tết nhận họ hàng, nhận cô, dì, chú, bác..., nhờ đó mà mối quan hệ họ hàng gần gũi, thân tình được xác lập và củng cố bền vững.
Ngày nay, phải chăng do người ta quá bận rộn và suy nghĩ cũng khác xưa nên nét văn hóa truyền thống về việc duy trì tôn ti trật tự họ hàng cũng ít nhiều bị coi nhẹ mà có phần sơ xuất, thiếu sót: nàng dâu mới không biết cô, dì, chú, bác ruột thịt nhà chồng gồm những ai, tên là gì, nhà ở đâu, con cháu bề dưới thậm chí cả năm, cả Tết cũng chẳng tới viếng thăm cô, dì, chú, bác lấy một lần...
Tôi đã chứng kiến một người anh họ con bác ruột nhà chồng, khi tôi đến thăm anh vào dịp cưới đứa cháu ruột anh, anh đã bắt tay tôi rất chặt và khóc to hu hu như một đứa trẻ khi anh cả nghĩ và buồn bã thổ lộ về mối quan hệ thân tình cứ ngày một lỏng lẻo, xa dần của anh em con cháu trong nhà.
Tôi hiểu được sự tủi thân của anh. Tôi cũng đã suy nghĩ, cảm thông và giác ngộ nhiều điều trong câu chuyện với anh. Và tôi thấy: đúng là anh có lý khi anh buồn.
Theo Chuyện quê