Học thuộc lòng - Bài học nhập môn

Đây là một khái niệm liên quan tới sự học. Xa hơn là liên quan tới phương pháp giáo dục và kinh nghiệm học tập.

hoc-thuoc-long-1632308229.jpgHọc thuộc lòng - Bài học nhập môn. Ảnh internet

“Thuộc lòng” là “thuộc đến mức nhớ mãi trong trí óc, bất cứ lúc nào cũng có thể nhắc lại hoặc nhận ra ngay một cách dễ dàng và đầy đủ.” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Thuộc lòng đồng nghĩa với thuộc nằm lòng, thuộc làu làu. Đây là một kĩ năng nhớ rất quan trọng mà mỗi học sinh đến trường cần phải được rèn luyện và trau dồi.

Kĩ năng này cần được hướng dẫn, làm quen ngay từ khi học sinh bắt đầu cắp sách tới trường. Tôi nhớ, bài học đầu tiên của tôi (khi còn đang bắt đầu lớp Vỡ lòng, hệ 10 năm trước đây) là phải biết “nhớ như in, nhớ như cái máy”. Khi đã đi được nửa chương trình là thầy giáo đã bắt chúng tôi học thuộc lòng những từ, ngữ cần đọc và viết cho đúng. Chẳng hạn, cả lớp tôi đồng thanh đọc những câu thơ ghép lung tung từ các bài học vần trong sách:

Phố phở/ Phố có nhà to

Sáo sậu/ Nấu cháo/ Cơn mưa/ Bà Còng…

Chúng tôi cứ quai mồm đọc ra rả như cuốc kêu mùa hè mà chẳng hiểu mô tê chữ nghĩa kia có ích gì. Sau này, thầy giáo nói, trước hết chúng tôi phải đọc cho đúng các âm, như “o/ ô/ ơ”, p/ ph”, “ao/ âu”, “ơn/ ưa/ ong”,… trong các vần thơ này. Theo thầy, với lứa tuổi học sinh vỡ lòng hay lớp 1, các em hãy vào vai “con khỉ” và “con vẹt”, có nghĩa là hãy cứ bắt chước làm sao cho đúng động tác (tư thế ngồi học, cách cầm bút biết, cách lựa viết các nét,…) và đúng yêu cầu phát âm và viết các chữ, các âm, các vần, các từ ngữ từ dễ đến khó. Tôi cũng nhớ, chúng tôi phải học tới ba buổi mới viết được chữ “O” chuẩn (theo đường kẻ ô li, nét viết bắt đầu từ đâu, lượn theo chu trình nào, nét nào thanh, nét nào đậm, đường nét tự nhiên, thanh thoát, không run rẩy). Theo thầy, về mặt đồ hình, chữ O là chữ cơ bản. Viết được chữ này là cơ sở để viết dễ dàng các chữ tiếp theo như A, C, Ô, Ơ, D, Đ, E, G… vì các chữ kia (viết tay) đều có một số đường nét đồ hình tương tự. Quả thế thực. Khi viết chữ O một cách thuần thục, chúng tôi viết các chữ khác rất nhanh và rất chuẩn.

Học thuộc lòng là học để nhập tâm, để hiểu cho đầy đủ và sâu sắc. Nhưng chúng ta đừng đòi hỏi các em học sinh còn bé (mới cắp sách đến trường, học chữ là trước hết, còn lĩnh hội tri thức là việc tính sau) phải cảm nhận văn học như người lớn. Đừng đòi hỏi (và cũng không thể thực hiện được) yêu cầu các em đọc và cảm thụ (nhất là cảm thụ sâu) những áng văn chương tuyệt tác của các nhà văn, nhà thơ (dù họ rất nổi tiếng ở Việt Nam hay trên hoàn cầu). Hãy để các em “nhập tâm” cái cơ bản ban đầu là nói đúng, viết đúng. Ngay cả khi lên các lớp cao hơn (lớp 2, lớp 3, lớp 4…) thì cảm quan văn học của các em vẫn còn rất hạn chế. Nó sẽ dần dần được hình thành và bồi bổ theo thời gian. Như vậy, có những văn bản bắt buôc các em phải học thuộc lòng như cháo chảy. Tôi nhớ, các bài thơ ngắn, bản cửu chương, các bài văn mẫu đều đã được chúng tôi học thuộc lòng dưới sự giám sát của các thầy cô (Sau này học ngoại ngữ, các thầy cũng bắt tôi học thuộc lòng các bài “text” bằng tiếng Nga khó chưa từng khó. Nhưng chính điều này sau đó giúp tôi “hồi cố” vỡ ra rất nhiều kiến thức để hiểu và hiểu tốt tiếng Nga. Rất nhiều bài thơ Nga bây giờ tôi vẫn thuộc và đọc “ngon lành”).

Chúng ta cũng đừng vội chê bai các bài văn mẫu. Văn mẫu là một công cụ quan trọng giáo án học đường. Văn mẫu có thể là những áng văn liệt hạng, có thể là những bài giảng mẫu mực và cả những bài văn các thầy các cô soạn ra cho học sinh lấy đó làm căn cứ mà hướng theo. Học văn khó ở chỗ, ta đọc những văn bản, ta học những tri thức thầy giảng để hiểu và vận dụng cho bài thi. Học sinh phải thể hiện tư duy sáng tạo khi vận dụng tri thức trả lời câu hỏi. Nếu học sinh chép nguyên xi “bài mẫu” thì học sinh đó bị điểm kém (vì không đáp ứng yêu cầu học và hành cần phải tuân thủ). Hồi tôi đi học, những áng ca dao, những bài thơ bài văn hay (và cả văn mẫu) với tôi cứ như là “thần tượng” để hướng theo. Tôi đọc và xuýt xoa sao lại hay đến thế. Khi tôi thi vào đại học, tôi đọc say sưa và vô cùng ngưỡng mộ các bài văn của những anh chị đi trước, như Cao Vũ Trân, Đoàn Đức Phương, Hoàng Văn Đốp, Trần Nho Thìn, Nguyễn Nam Bình, Trần Hoà Bình… (là những bài thi đoat giải toàn miền Bắc, hoặc bài thi đại học điểm cao, được chọn lọc in thành Tuyển tập, hướng dẫn cho thí sinh thi tốt nghiệp hay thi đại học). Có những áng văn theo tôi suốt cuộc đời. Đây là một trong những bài học thuộc lòng tôi nhớ:

HỌC ĐI EM

Học đi em

Học đi mà nhớ mãi

Quê hương ta một dải

Từ Mũi Cà Mau

Đến địa đầu Móng Cái

Quê hương ta

Đồng ruộng phì nhiêu

Đủ bốn mùa hoa trái

Núi Trường Sơn vĩ đại

Bờ biển rộng bao la

Có Việt Bắc “mồ ma giặc Pháp”

Nối liền Đồng Tháp, “Nam Bộ Thành đồng”

Học đi em

Học đi mà nhớ mãi

Đất ta liền một dải

Như máu chảy trong người

Kẻ nào định chia đôi?

Chia lòng ta sao được!

Em học đi cho thuộc

Rằng “Lòng ta chung một Cụ Hồ

Lòng ta chung một Thủ đô

Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”.

Bài thơ này trong sách giáo khoa trước đây không ghi tên tác giả. Nhưng soạn giả khi soạn đã “phỏng theo” thơ Tố Hữu bằng việc có dẫn (và sửa) mấy câu thơ (trong bài Ta đi tới, Tố Hữu viết năm 1954) thành một bài riêng (với dung lượng phù hợp cho bài học mà vẫn giữ được cốt cách ý thơ Tố Hữu). Bài “phỏng theo” thật hay, thật tuyệt. Vì vậy mà chúng tôi đã “đọc và nhớ mãi”.