Vận tải biển hiện đảm nhận lưu thông khoảng 90% hàng hóa thương mại toàn cầu và ước tính gây ra gần 3% lượng khí thải carbon của toàn thế giới. Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), cơ quan vận tải biển của Liên hợp quốc, đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các tàu biển so với mức ghi nhận năm 2008. Mục tiêu này bị cho là không khớp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015 và ngành vận tải biển cũng đang được hối thúc đưa ra mục tiêu tham vọng hơn. Cuối tuần trước, Tổng thư ký IMO Kitack Lim cũng đã khẳng định tổ chức này phải nâng mục tiêu, để bắt kịp xu hướng của cộng đồng quốc tế.
Thỏa thuận mới có tên là "Clydebank Declaration" được công bố trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Trong đó, các nước tham gia nhất trí ủng hộ đến năm 2025 sẽ thiết lập ít nhất 6 hành lang vận tải biển xanh. Việc thiết lập các hành lang này đòi hỏi phải có hệ thống cung ứng nhiên liệu không phát thải khí carbon và các cơ sở hạ tầng tương ứng cũng như các cơ chế quản lý đi kèm. Các bên tham gia thỏa thuận cũng bày tỏ mong muốn đến năm 2030 sẽ đưa thêm nhiều tuyến đường vận tải biển xanh vào vận hành.
Quốc vụ khanh phụ trách hàng hải thuộc Bộ Giao thông Anh Robert Courts cho rằng chỉ mình các nước tham gia thỏa thuận sẽ không thể giúp phi carbon hóa các tuyến vận tải biển, mà nỗ lực này muốn thành công cần có sự tham gia của khu vực tư nhân và phi chính phủ. Anh cùng nhiều quốc gia, công ty và tổ chức phi chính phủ tham dự hội nghị COP26 đều tin rằng ngành vận tải biển quốc tế có thể đạt mục tiêu không phát thải vào năm 2050.
Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg cho rằng việc các bên triển khai thỏa thuận là một bước tiến lớn thúc đẩy hình thành các hành lang vận tải biển xanh và hành động tập thể. Bộ trưởng Buttigieg cho biết thêm Mỹ đang hối thúc IMO đưa ra mục tiêu cho ngành vận tải biển quốc tế đến năm 2050 không còn phát thải khí carbon.
Các nước khác tham gia thỏa thuận trên gồm Australia, Bỉ, Canada, Chile, Costa Rica, Đan Mạch, Fiji, Phần Lan, Pháp, Đức, CH Ireland, Nhận Bản, Quần đảo Marshall, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Thụy Điển.