Diễn đàn HTX nông nghiệp - Phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn

Bài: Xuân Trường - Xuân Nguyên; Ảnh: Trường Giang

Chiều ngày 9/11 Cục kinh tế hợp tác và PTNT, Bộ NN và PTNT kết hợp với Hội Khoa học phát triển nông thôn Phano, tổ chức Hội nghị diễn đàn HTX nông nghiệp với chủ đề: Phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong các HTX nông nghiệp. Hội nghị diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 200 đại biểu tham dự.

Chủ trì hội nghị có ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng cục KTHT và PTNT; PGS, TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện KHNN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; TS. Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện môi trường nông nghiệp; đại diện Bộ tài chính; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Liên minh HTX nông nghiệp; các Tổng cục Lâm nghiệp, Thủy sản, Cục Trồng trọt, Cục BVTV; Cục QLCL NLTS; Trung tâm KNQG; Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam; Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới Trung ương; Các tổ chức quốc tế như DGRV, GIZ, Agriterra; đại diện các hiệp hội chuyên ngành, cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên thuộc Sở NN và PTNT, Chi cục PTNT, các HTX tiêu biểu các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra .

Theo đó, Diễn đàn có 2 phiên: Phiên 1 về các bài tham luận. Hội nghị được nghe 03 chuyên đề về. Chuyên đề 1. Định hướng phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, do TS. Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng KTHT trình bày. Chuyên đề 2. Phát triển nông nghiệp tuần hoàn và sự tham gia của HTX nông nghiệp, do ông Lê Trọng Hải, Viện chính sách và Chiến lược PTNNNT trình bày. Chuyên đề 3. Giảm phát thải khí nhà kính: Cơ hội và thách thức đối với HTX nông nghiệp, do TS. Mai Văn Trịnh, Viện Môi trường Nông nghiệp trình bày. Phiên 2 là phiên tọa đàm, với 2 chủ đề: Chủ đề 1. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp với sự tham gia của các chuyên gia và HTX: Chuyên đề 2. Xây dựng mối quan hệ đối tác - Chính quyền cơ sở - HTX nông nghiệp. Hội nghị đã tiếp thu được các ý kiến thao luận góp ý nhằm phát triển HTX được tốt hơn nữa trong giai đoạn tới, đặc biệt là hiện thực hóa các mục tiêu trong Nghị quyết 20 đã được đưa ra.

vs9-1667978249.jpg

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác - PTNT (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, ông Lê Đức Thịnh, nhấn mạnh, xu hướng phát triển HTX là một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Không phải ngẫu nhiên mà trong xu thế hiện nay, với quá trình gần 200 năm phát triển kinh tế tập thể trên thế giới, gần đây, phong trào phát triển HTX đã được thúc đẩy một cách mạnh mẽ.

Trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, đồng thời, dưới tác động của dịch bệnh cũng như biến đổi khí hậu, kinh tế hợp tác và mô hình HTX đóng vai trò quan trọng và là một trong những thể chế giúp định hình lại sản xuất theo hướng phát triển xanh, an toàn và bền vững.

“Hiện nay, nền kinh tế thị trường yêu cầu quá trình sản xuất phải được liên kết và đảm bảo an toàn, có thương hiệu, có thế truy xuất nguồn gốc. Do đó, HTX sẽ là địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp, các tổ chức thương mại hỗ trợ liên kết giúp cho nông dân sản xuất định hướng theo thị trường”, ông Lê Đức Thịnh phân tích.

Trong bối cảnh thị trường ngày càng rộng mở với tính cạnh tranh cao hiện nay, ông Thịnh cho rằng, mặc dù xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2022 có thể đạt mức 50 tỷ USD nhưng việc mở cửa cho nhiều loại nông sản của thế giới có thể tạo ra cuộc đua cạnh tranh về chất lượng và giá thành nông sản.

“Nông dân cũng không nằm ngoài cuộc đua đó khi phải thực hiện những mệnh lệnh để hoàn thiện các sản phẩm với chất lượng theo yêu cầu của thị trường cũng như mệnh lệnh đẩy mạnh sản xuất với giá thành thấp nhất”, đại diện Bộ NN-PTNT đánh giá.

Để có thể làm được điều đó, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh các HTX sẽ là giải pháp. Thông qua mô hình HTX, người dân có thể mua bán chung, chia sẻ kinh nghiệp với nhau thông qua các phương thức quản trị hiệu quả, qua đó sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm và hướng đến việc phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện KHNN Việt Nam và ông Lê Đức Thịnh phát biểu về quy mô các HTX trong tình hình mới

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO, trong bối cảnh hiện nay, khiến kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Không nằm ngoài xu thế đó, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh. 

Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, kinh tế xanh được hiểu đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái. Xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

"Đối với nông nghiệp xanh với sự gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị “xanh” đối với môi trường và “an toàn” đối với con người. Với công nghệ sinh học, phân bón sinh học, hoạt chất sinh học quản lý sâu bệnh, áp dụng những tiến bộ trong canh tác và nghiên cứu về giống, kỹ năng thâm canh mới, xử lý và chế biến sinh khối, nông nghiệp xanh đang là xu hướng tất yếu ngày nay.  Xây dựng nền nông nghiệp xanh còn tạo điều kiện để phát triển nền văn minh sinh thái, xây dựng nếp sống văn hóa kết hợp hài hòa giữa con người với tự nhiên, người với người, người với xã hội theo một chu trình văn minh, giàu tính nhân văn. Cùng với đó, phát triển nông nghiệp xanh sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như giảm hiệu ứng nhà kính. Để đạt được các mục tiêu đó vai trò của các HTX Nông nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Và trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ HTX nói chung, HTX Nông nghiệp nói riêng là để đạt được các mục tiêu tổng quát đó...", PGS.TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thông tin thêm, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Đại diện Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên phát biểu tại Diễn đàn Phát triển kinh tế xanh

Để phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong thời gian tới, tại Diễn đan các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh cần xây dựng và nhân rộng 7 kiểu mô hình HTX kiểu mới trong nông nghiệp. Đó là mô hình HTX sản xuất và tham gia thị trường (sàn giao dịch); mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng CNC vào sản xuất; mô hình HTX đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.

Cùng với đó là mô hình HTX ứng phó biến đổi khí hậu; mô hình HTX phát triển nông lâm thủy sản bền vững; mô hình HTX sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn, miền núi; thanh niên/ phụ nữ khởi nghiệp; mô hình doanh nghiệp/ HTX tham gia là thành viên HTX sản xuất chế biến nông lâm thủy sản.

Chia sẻ giải pháp cho HTX nông nghiệp tham gia kinh tế tuần hoàn tại hội nghị, ông Lê Trọng Hải, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách xây dựng nghị định kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, tiêu chuẩn, quy chuẩn kinh tế tuần hoàn. 

Nhân dịp này, các chuyên gia cũng đã đề xuất nhiều giải pháp và gợi mở chính sách trong thúc đẩy kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn trong các HTX Nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao vị thế hàng hóa, nông sản Việt Nam trên trường Quốc tế.

Tại Diễn đàn các HTX và đại diện Chi cục Phát triển Nông thôn các địa phương đã chia sẻ nhiều câu chuyện thành công, giới thiệu các mô hình tốt, cách làm hay về việc ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xanh, Nông nghiệp tuần hoàn  trong các HTX Nông nghiệp. Nhiều HTX Nông nghiệp đã thành công trong nỗ lực biến phế thải thành nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bao bì xanh, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là sứ mệnh sản xuất, kinh doanh và trách nhiệm cộng đồng.

Ông Lê Đức Thịnh phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Kinh tế xanh và Nông nghiệp tuần hoàn 2022

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn một lẫn nữa khẳng định, Kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn chỉ có thể được triển khai khi ngành nông nghiệp được tổ chức lại sản xuất, người dân thực hiện theo các quy trình sản xuất an toàn, trách nhiệm và hiệu quả. Qua đó, các HTX và kinh tế hộ có thể ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc hướng dẫn người dân thực hành các quy trình sản xuất thích ứng mới; thay đổi mùa vụ; áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi ưu việt; tăng cường năng lực quản lý, quản trị của HTX; thúc đẩy liên kết thông qua HTX; ứng dụng công khoa học công nghệ để hướng đến kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Nhân dịp này, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh, với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng những kết quả bước đầu triển khai, phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn trong các HTX Nông nghiệp gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu, biến động thị trường, tích cực chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, nông sản Việt trên trường Quốc tế, góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII của Đảng vào cuộc sống./.

Hình ảnh diễn ra tại sự kiện:

vs8-1667978237.jpg

vs4-1667978202.jpg

ff5-1667980870.jpg

ff1-1667980838.jpg

vs7-1667978229.jpg

vs2-1667978188.jpg

vs1-1667978181.jpg

gg1-1667978711.jpg

ff4-1667980862.jpg

ff3-1667980853.jpg