Quang cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học thuộc lĩnh vực Phương pháp dạy học Vật lý đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu có uy tín như : Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các Trường Đại học sư phạm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… cùng gần 100 thầy cô giáo giảng dạy môn Vật lý đến từ 16 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đồng Nai, Đồng Tháp… và có gần 100 giảng viên, sinh viên trường ĐH Phạm Văn Đồng tham dự.
Chủ trì hội thảo
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đã gửi 26 tham luận khoa học có giá trị của 44 tác giả tập trung 5 chủ đề chính đó là: Những vấn đề cốt lõi và những yêu cầu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Vật lý; Thiết kế kế hoạch dạy và học Vật lý phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Các giải pháp thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực; Thiết kế các chủ đề giáo dục STEM, tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy và học Vật lý; Đổi mới chương trình đào tạo cử nhân sư phạm Vật lý và bồi dưỡng giáo viên Vật lý phổ thông đối với các trường Đại học, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông môn Vật lý.
TS. Nguyễn Thanh Hải- Trường ĐH Phạm Văn Đồng trình bày đề dẫn tại hội thảo
TS. Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng phát biểu chào mừng hội thảo
Sau bài đề dẫn hội thảo của TS. Nguyễn Thanh Hải, Trường Đại học Phạm Văn Đồng và phát biểu chào mừng của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng trường Trường Đại học Phạm Văn Đồng, có 7 tham luận được trình bày tại hội thảo gồm: PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, Trường Đại học sư phạm Hà Nội với tham luận “Một số vấn đề cốt lõi của Chương trình giáo dục phổ thông môn Vật lý”; TS. Quách Nguyễn Bảo Nguyên, Trường ĐHSP Huế tham luận “Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy và học Vật lý, phát triển năng lực học sinh”;ThS. Nguyễn Thành Danh, Trường THPT A Sanh- Ia Grai (Gia Lai) với tham luận “Phát triển năng lực người học và đánh giá năng lực giải quyết vấn đề thông qua bài tập vật lý theo tiếp cận Pisa”; GS.TS Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam với tham luận “Một số hướng mới trong dạy học Vật lý ở Việt Nam”; TS Nguyễn Thị Thuần, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội với tham luận “Giải pháp lựa chọn loại hình giáo dục STEM phù hợp với thực tiến”; NCS. Trần Quỳnh, Trường ĐHSP Huế với tham luận “Thiết kế chủ đề giáo dục STEM “Cảm ứng điện từ- Sạc không dây” theo hướng phát triển năng lực hợp tác cho học sinh” và tham luận của TS. Lê Thanh Huy, Trường ĐHSP Đà Nẵng “Một số vấn đề đào tạo sinh viên sư phạm Vật lý và bồi dưỡng giáo viên Vật lý, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới”. Hầu hết các tham luận đã đưa ra góc nhìn, quan điểm khẳng định việc đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới dạy học Vật lý ở trường phổ thông theo hướng phát triển năng lực học sinh là xu thế tất yếu, cần được triển khai rộng rãi và hiệu quả. Các bài tham luận đã phân tích chuyên sâu, đề xuất giải pháp dưới nhiều góc độ từ vấn đề nhận thức của giáo viên đối với việc đổi mới, đến vấn đề thiết kế kế hoạch, tổ chức dạy học, tổ chức kiểm tra đánh giá thế nào đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông môn Vật lý. Một số tham luận phân tích chuyên sâu về việc đổi mới chương trình đào tạo sinh viên sư phạm, vận dụng các cách tiếp cận xây dựng chương trình tiên tiến, nhắm đến mục tiêu đào tạo sinh viên sư phạm- những giáo viên tương lai có đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông môn Vật lý ngay sau khi tốt nghiệp ra trường…
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường THPT trao đổi thảo luận từng chủ đề.
Các đại biểu các trường Đại học tham dự hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Văn Khánh- Trường ĐHSP Hà Nội trình bày tham luận tại hội thảo
Hội thảo đã góp phần giúp mọi người có nhận thức đúng đắn hơn về đổi mới giáo dục, tiếp nhận được nhiều thông tin bổ ích cả về lý luận và thực tiễn, làm cơ sở tốt cho việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông môn Vật lý trong thời gian đến.