Tại Hội thảo, đại biểu được các báo cáo viên, chuyên gia đầu ngành kinh tế thông tin những điểm cần tập trung để triển khai thực hiện Kết luận số 03 của Hội nghị BCH T.Ư Đoàn khóa XI về tăng cường hỗ trợ thanh niên làm kinh tế giai đoạn 2018- 2020; Giới thiệu chung về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, hướng dẫn về lập hồ sơ và hoàn thiện các điều kiện cần thiết cho chủ thể OCOP.
Bên cạnh đó, các đại biểu còn được giới thiệu về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế, các chính sách về thuế, pháp lý, xây dựng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã…Hướng dẫn quy trình xây dựng mô hình Hợp tác xã thanh niên; Hướng dẫn các chương trình vay vốn; Giới thiệu một số mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và năng suất phù hợp với Việt Nam; Hướng dẫn đăng ký thông tin, hộp hồ sơ trên phần mềm OCOP cho các chủ thể.
Toàn cảnh Hội thảo
Chương trình OCOP khác với những chương trình khác như VietGap, Làng nghề..., cụ thể: Giải pháp tổng thể để phát triển kinh tế khu vực nông thôn; có chu trình thường niên; gắn sản phẩm với chủ thể; có hệ thống tổ chức từ trung ương đến cơ sở; có lực lượng tư vấn; có bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng...
Tính đến nay, cả nước đã tổ chức đánh giá xếp hạng với 2.169 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, đạt 90,4% mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2018-2020. Trong đó, ĐBSH có nhiều sản phẩm nhất với 712 sản phẩm (chiếm 32,8%), MNPB với 497 sản phẩm (chiếm 22,9%), (như vậy các tỉnh phía Bắc có 1.209 sản phẩm, chiếm trên 55,7% tổng số sản phẩm được công nhận đạt chuẩn của cả nước); ĐBSCL có 375 sản phẩm (chiếm 17,3%), thấp nhất là vùng ĐNB mới chỉ có 17 sản phẩm của tỉnh Đồng Nai.
TS. Ngọ Văn Ngôn, Tổ trưởng Tổ Kế hoạch Tổng hợp -Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn Hà Nội tham luận tại Hội thảo
Hà Nội là một trong những địa phương không chỉ làm tốt công tác phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP mà còn là địa phương đi đầu trong việc kết nối, xúc tiến giao thương các sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền.
Trao đổi về nội dung này, TS. Ngọ Văn Ngôn - Tổ trưởng Tổ Kế hoạch Tổng hợp thuộc Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn Hà Nội mới cho biết: "Năm 2019, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đã tiến hành 02 đợt đánh giá, phân hạng với 301 sản phẩm., trong đó có06 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao; đạt 100,3% kế hoạch năm 2019. Năm 2020, Thành phố phấn đấu đánh giá, phân hạng khoảng 700 sản phẩm OCOP, để đạt mục tiêu đề ra đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng 1000 sản phẩm...".
Cũng theo, TS. Ngọ Văn Ngôn thì Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Theo kết quả thống kê, thu thập số liệu, ước tính trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội có khoảng 7.215 sản phẩm địa phương. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường Quốc tế. Hà Nội có trên 5.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code, đó chính là lợi thế lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong 2020, Hà Nội tổ chức 04 sự kiện Quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP, đặc sản gắn với văn hóa các khu vực: Miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và Các tỉnh Nam Bộ./.