Hơn cả kền kền

Kền kền là loài chim chuyên ăn xác chết. Lâu nay, nhiều người thường lầm tưởng và cho rằng chúng là loài động vật độc ác, đi đến đâu là gây họa, báo hiệu sự chết chóc đến đó.

kk-1629931838.jpgẢnh minh họa

Thực tế hoàn toàn ngược lại khi khoa học đã chứng minh tầm quan trọng của kền kền đối với môi trường sống tự nhiên. Không có nó, trước hết là thiếu đi sự đa dạng của tự nhiên sinh học, sau là thiếu đi đội ngũ “công nhân vệ sinh” môi trường đắc lực mà hệ quả là ô nhiễm môi trường, dịch bệnh có thể lan tràn trên diện rộng.

Thời buổi dịch dã ngày càng phức tạp, xã hội lại xuất hiện một bộ phận không nhỏ đối tượng có những hành vi xấu xa hơn cả kền kền (như mọi người từng lầm tưởng). Kền kền chỉ thuần túy ăn xác động vật đã chết để duy trì sự sống, còn những đối tượng kia lại trục lợi trên sự khó khăn đau khổ của đồng bào. Chúng “ăn” bất cứ thứ gì ăn được trên những người dân đang sống mà không hề quan tâm đến việc mình đang dồn người ta vào chỗ chết.

Dịch Covid-19 mới xuất hiện, chúng ăn bằng cách găm hàng thiết yếu như khẩu trang, dung dịch khử khuẩn... rồi tung ra thị trường với giá cắt cổ. Đối mặt trước ranh giới của sự sống và cái chết, thử hỏi người dân làm gì có quyền lựa chọn.

Đến khi có công nghệ xét nghiệm và vắc xin phòng dịch, các đối tượng này lại câu kết, móc ngoặc với những thành phần bất hảo để tổ chức dịch vụ xét nghiệm với giá "trên trời" và tiêm phòng với giá “hữu nghị” chỉ 1 vài triệu đồng/mũi trong khi Đảng và Nhà nước cùng chính quyền các địa phương đã có chủ trương không thu bất cứ một khoản phí nào. Như vậy là bên cạnh việc “ăn bẩn”, những đối tượng này còn thêm cả hành vi lừa đảo.

Mới đây, khi Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khu vực phía Nam phải tiến hành siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tuyệt đối người dân ra đường trong trường hợp thực sự không cần thiết, kể cả đi chợ mua lương thực thực phẩm, những đối tượng xấu tiếp tục "phát huy" những hành vi vừa bẩn, vừa lừa đảo là vờ đi chợ hộ để ăn tiền của người dân trong cơn khốn khó.

Hành vi này độc ác ở chỗ, nó làm người dân thêm kiệt quệ về tài chính trong điều kiện không có việc làm, không có thu nhập trong một thời gian dài. Đặc biệt, do không biết bị lừa đảo, người dân mỏi mòn chờ đợi đồ tiếp tế trong đói khát, tuyệt vọng và mất niềm tin vào chính đồng loại của mình. Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra và không có cách nào hạn chế, ngăn chặn, chấm dứt, sự mất niềm tin đó hoàn toàn có thể tiếp tục hướng tới Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương.

Thông tin mới nhất cho thấy, chỉ sau 2 ngày siết chặt thêm các biện pháp phòng, chống dịch, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện tình trạng người dân bị lừa chuyển tiền để đăng ký đi chợ hộ. Cụ thể, khi thành phố siết chặt giãn cách theo phương châm “ai ở đâu ở yên đó” và người dân sẽ được đi chợ hộ, đã xảy ra các trường hợp người dân bị lừa đảo chuyển tiền để đăng ký mua hàng. Nhiều người cũng nhận được tin nhắn gửi các combo mua hàng và đăng ký đi chợ hộ.

Trong nội dung tin nhắn, các đối tượng này đề nghị người dân chuyển khoản trước để họ chủ động mua hàng. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng xác minh thông tin thì toàn bộ tin nhắn trên là giả mạo, không phải của tổ hậu cần ở các địa phương. Mặt khác, chính quyền và cơ quan chức năng của các địa phương cũng không có hình thức mời chào như trên.

Trước mắt, để đảm bảo an toàn và tránh bị lừa đảo, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên liên hệ tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thể phường để đăng ký.

Vẫn biết mọi hành vi xấu sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện, lên án, thậm chí truy tố trước pháp luật, nhưng trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng", dịch dã hoành hành gây hại khắp nơi, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, người tình nguyện nơi tuyến đầu đang ngày đêm lăn lộn chăm sóc đồng bào thì một vài đối tượng lại thản nhiên làm những việc trời không dung, đất không tha hẳn là một điều đau xót.

Vô cảm, mất nhân tính hay gì gì nữa... cũng không đủ thể hiện hết thái độ và hành vi của những đối tượng này. Chúng quả là không đáng để so sánh với loài Kền Kền ngày đêm cần mẫn dọn dẹp vệ sinh, làm sạch môi trường cho trái đất thêm xanh. Phải chăng những đối tượng này chưa bao giờ nghe câu nhắn nhủ của ông cha ta từ bao đời nay: “Gieo gì gặt đấy”?