Sắc xuân miệt vườn 2020” là năm thứ hai anh Thái Ngọc Hải cùng các đồng nghiệp mang rối về biểu diễn phục vụ khán giả Cần Thơ. Nếu như năm đầu chỉ có loại hình múa rối nước thì năm nay, sự xuất hiện của sân khấu múa rối cạn càng khiến người xem thích thú, nhất là các em nhỏ. Trong không gian nhỏ hẹp ở công viên Tao Đàn, các điệu múa rối bay bổng, lời thoại và âm nhạc từ chiếc loa đủ để kéo chân khán giả. Sự tung hứng của những con rồng, con phượng uyển chuyển và vui nhộn khiến nhiều người cười sảng khoái, vỗ tay không ngớt. Đâu ai nghĩ đằng sau bức mành, anh Hải cùng đồng nghiệp đang “đổ mồ hồi” để tạo điệu bộ và truyền cảm xúc cho rối. Họ thật sự là những diễn viên lặng thầm sau bức mành tre.
Học sinh thích thú xem tiết mục múa rối nước.
Anh Hải năm nay 48 tuổi và đã có 24 năm theo đuổi nghệ thuật múa rối. Hồi còn thanh niên, anh nói vui rằng, bản thân làm nghề “thợ đụng”, nghĩa là đụng gì làm đó, hết làm công nhân cho hãng bia, lại chuyển sang công nhân xuất khẩu cá hộp, khuân vác… Rồi anh tình cờ quen với các nghệ nhân múa rối nước, bị thu hút bởi những khúc gỗ có thần, có sắc và ẩn chứa những câu chuyện thú vị, anh quyết chí học nghề. “Đang đi làm có tiền, nay vào đoàn rối, không phải để làm mà là để học nghề, học không có lương” - anh Hải nhớ lại. Sự lựa chọn của anh Hải vấp phải phản ứng gay gắt từ gia đình, phần vì kinh tế, phần vì họ không nhìn thấy ở chàng trai Thái Ngọc Hải một tương lai xán lạn khi mà theo đuổi nghề “giật dây”, “làm trò”. Vượt qua tất cả, anh Hải quyết tâm chinh phục đam mê.
Chập chững vào nghề, anh Hải tranh thủ học từ những tiền bối đi trước, tìm hiểu thêm về kiến thức múa rối, học sử dụng và lắp ráp cơ khí cho rối… Dần dà, anh giỏi nghề và khẳng định tài năng của mình. Anh nói, múa rối không có trường lớp mà cũng không có giáo trình để dạy, tất cả đều là truyền nghề, “nghề dạy nghề”. Nhưng điều đó không có nghĩa dễ dàng mà đòi hỏi người nghệ nhân phải trau dồi, tập luyện rất nhiều. Bài học này được anh Hải đúc kết từ suốt 24 năm “ăn ngủ” với những con rối.
Đoàn múa rối do anh Thái Ngọc Hải chỉ huy giờ có thể phục vụ cả múa rối nước và múa rối cạn. Như tên gọi, rối cạn là biểu diễn trên không, sau bức mành; còn rối nước là biểu diễn trên mặt nước, dĩ nhiên người điều khiển cũng sẽ đứng sau bức mành tre. Anh Hải lý giải, múa rối nước chủ yếu được dùng để thể hiện những bài múa có trò, điệu bộ, động tác, ví như rồng - phượng - lân, cáo - cá, bát Tiên, long - ngư hý thủy… Còn múa rối cạn thường được chọn để thể hiện những câu chuyện cổ tích, kịch có cốt truyện, như “Củ cải khổng lồ”, “Chú thỏ thông minh”, “Sự tích bánh chưng, bánh dày”, “Cây tre trăm đốt”… Hôm đoàn biểu diễn rối cạn ở trước Bảo tàng TP Cần Thơ về sự tích bánh chưng, bánh dày, các em nhỏ mê mít trước vẻ sinh động của từng nhân vật, câu chuyện được thể hiện đầy hấp dẫn, dù có em đã thuộc nằm lòng. Nguyễn Trần Đức Trí, học sinh đến từ phường An Bình, quận Ninh Kiều, hào hứng: “Đây là lần đầu tiên con được xem múa rối. Con thích lắm, thích nhất là những chú rồng đuổi bắt nhau, thật là đẹp”.
Anh Hải chuẩn bị con rối cho suất diễn mới.
Theo anh Thái Ngọc Hải, sân khấu múa rối của đoàn bây giờ khá ổn định, thường xuyên ở Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, các điểm trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và lưu diễn ở nhiều địa phương. Đặc biệt, anh Hải cùng đồng nghiệp đã nhiều lần xuất ngoại để giới thiệu loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này đến với bạn bè thế giới. Gần nhất là chuyến đi lưu diễn ở Đức, trước đó là Canada, Mỹ, Đài Loan, Ireland… Sự hào hứng và thích thú của những người bạn nước ngoài dành cho rối Việt chính là động lực của các nghệ nhân yêu nghề rối.
Trò chuyện khi anh Hải đang kiểm tra lại bộ con rối trước giờ diễn, tôi cứ thắc mắc sao anh yêu rối đến vậy, điều gì làm nên thành công của nghệ nhân múa rối 24 tuổi nghề như anh. Anh Hải cười hiền: “Phải đam mê và coi con rối chính là mình”. Bởi, chỉ khi rối và người diễn có “cùng cao độ xúc cảm” thì động tác rối mới có thần, chạm đến xúc cảm người xem. Anh Hải còn nhấn mạnh rằng, đừng xem con rối là khúc gỗ vô tri mà hãy xem đó là một nhân vật trên sân khấu. Còn để trả lời câu hỏi vì sao yêu nghề múa rối, anh đã cho tôi đứng gần anh sau bức mành tre khi anh biểu diễn múa rối nước. Qua khe mành, tôi và anh cùng nhìn thấy được sự phấn khích của khán giả, nhìn thấy được những nụ cười, những tràng vỗ tay vang rền… Anh quay sang tôi từ tốn: “Đó là lý do tôi yêu múa rối và sẽ gắn bó với nghề này mãi”.