Hợp và Thanh

Chợ Cửa Lò họp trong cánh rừng phi lao sát mép biển, chủ yếu là để dân trong vùng trao đổi vật phẩm có được. Người làm nông thì mang thóc, ngô, khoai, đậu để đổi lấy thịt cá, rau... còn người đi biển lại đổi cá lấy những thứ còn lại. Chỉ có mỗi một gánh hàng tạp hóa của 2 chị em Nàng là điểm xuyết cho phiên chợ. Nàng là Hợp và em nàng là Thanh.

238749890-1531018213898976-5060260694081684839-n-1629456937.jpgẢnh minh họa nguồn internet

“Hồn trinh còn ở trần gian,

Nhập vào Bướm trắng mà sang bên này”

(Nguyễn Bính)

Cửa Lò những năm 1972-1973 là một túi bom của giặc Mỹ. Những ai đã sống ở đây trong thời kỳ này hẳn còn nhớ lượng bom đạn Mỹ đã trút xuống ác liệt như thế nào? Hàng ngày, từng đoàn tàu bay Mỹ từ biển vào lượn nghênh ngang đánh phá các mục tiêu trọng điểm như Vinh, Cầu Cấm, ga Quán Hành, bãi đóng tàu của HTX Trung Kiên (Nghi Thiết). Trước khi trở ra biển còn bao nhiêu bom là chúng trút xuống địa bàn này. Có thể nói không ngoa rằng thời kỳ này Hải phận và Không phận của ta là do chúng kiểm soát. Nhiều lần tàu chiến Mỹ vào sát bờ, mắt thường có thể thấy được người đi lại trên boong.

Ấy thế mà trên bờ, Chợ Cửa Lò vẫn cứ họp. Chợ họp được hàng ngày là nhờ tàu bay Mỹ hoạt động theo quy luật. Cứ vào khoảng sau 8 giờ sáng (chắc lúc ấy phi công ăn sáng và uống coffee xong) máy bay mới từ biển bay vào thì chợ đã họp xong rồi. Khi ấy các chốt trực chiến trên các cao điểm sẽ như các con mắt thần canh chừng cho bà con trong vùng, chỉ khi nào nghe tiếng kẻng giục giã liên hồi thì mới tìm nơi ẩn nấp. Còn không thì mặc kệ, cho chúng bay mặc sức, chẳng ai thèm để ý!

Chợ Cửa Lò họp trong cánh rừng phi lao sát mép biển, chủ yếu là để dân trong vùng trao đổi vật phẩm có được. Người làm nông thì mang thóc, ngô. khoai, đậu để đổi lấy thịt cá, rau... còn người đi biển lại đổi cá lấy những thứ còn lại. Chỉ có mỗi một gánh hàng tạp hóa của 2 chị em Nàng là điểm xuyết cho phiên chợ. Nàng là Hợp và em nàng là Thanh.

Hai chị em đều đẹp, có thể nói là đẹp nhất vùng. Giữa chốn phụ nữ chỉ vận toàn màu nâu với đen (màu phòng không) thì tự nhiên lạc vào 2 chiếc áo hoa may kiểu Hồng kông, áo hoa xanh là chị, hoa tím nhạt là em. Gánh tạp hóa của 2 chị em luôn hút khách, từ anh cán bộ huyện đến các anh thủy sản, từ anh bộ đội lính Đỏ tới các anh lính Đồn quân hàm xanh đều chạm trán nhau ở đây. Dễ hiểu thôi, vì chỉ ở đấy các anh mới tìm thấy những thứ mình cần. Từ bánh xà phòng tới dao cạo râu, kim chỉ. Từ quyển vở, bút chì tới cái tem thư...nhưng tôi đoan chắc một điều là các anh đến đấy còn để tranh thủ cưa cẩm, tán tỉnh nữa. Bằng chứng là cứ mỗi khi đi lượn chợ về, tôi để ý thấy câu chuyện bàn tán về 2 chị em đều chiếm một thời lượng không hề nhỏ.

Lính Đồn cũng có nhiều anh thực sự để ý đến 2 chị em, người thích cô chị, người thích cô em. Người khen cô chị duyên thầm, kín đáo “dáng mảnh mai thế mới là người đảm đang, thu vén”, người khen cô em trẻ trung, hồn nhiên, nhí nhảnh “cái mắt, cái miệng, tấm thân ấy thì cũng đáng đồng tiền”! Bàn tán là vậy, yêu thích là vậy nhưng không một ai dám ngỏ lời. Mà không phải chỉ lính Đồn, cả cái đám đàn ông khác cũng thế. Thích thì thích vậy thôi chứ không có ai đánh tiếng. Một số người cho rằng các em được nhiêù người săn đón thế thì chắc gì đã để ý đến mình. Số khác ngại vì không muốn mang tiếng lấy vợ là con buôn (hồi ấy cứ buôn bán đều bị miệt thị gọi là gian thương). Lại có kẻ độc bụng tung tin hai em là gián điệp nằm vùng để chỉ điểm cho tàu bay Mỹ (vì thế mới mặc áo hoa chứ!) nên 2 chị em mãi vẫn lẻ loi bóng chiếc.

Tuy là người ít đi lượn chợ, ít tới chỗ các em, nhưng tôi lại là người luôn được các em ưu ái. Có thể là cái vẻ bề ngoài luôn tỏ ra nghiêm cẩn. Thuở ấy tôi cũng đẹp trai lắm (thật đấy)! Nhưng tôi lại rất lạnh lùng đối với phụ nữ, chủ yếu là để phòng thủ từ xa thôi chứ tôi cũng dễ làm bậy lắm (he he)! Cũng có thể các em coi tôi là khách “Sộp”. Tôi mua nhiều nhất là vở, mực bút máy, tem thư đặc biệt là dao cạo râu (vì râu quai nón) và xà phòng thơm Hoa nhài. Thứ xa xỉ này bao giờ các em cũng phải giấu diếm để giành riêng cho tôi.

Có lần tôi mang chuyện 2 em hỏi anh Bẩy trinh sát của Đồn, anh cười tủm tỉm bảo rằng: “Tầm bậy! Bọn chúng mồ côi từ nhỏ, tự nuôi nhau, có đi khỏi địa phương ngày nào mà làm gián điệp, chẳng qua là đẹp quá không lấy được người ta thì gièm pha. Tao mà trẻ như chú mày là tao lấy ngay, tao thích con chị” (anh Bẩy là người miền Nam tập kết, 4 “sọi” rồi mà vẫn chưa vợ). Ngắm kỹ, tôi thấy anh Bẩy nói có lý. Hợp cao ráo, mảnh mai, ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, ánh mắt đượm buồn cam chịu. Nhìn nàng tôi cứ liên tưởng tới nhân vật cô hàng xén trong truyện của Tự lực Văn đoàn. Thanh thì thấp hơn, trắng nõn nà, ăn nói bạo dạn, luôn tươi cười như hoa, mắt đong đưa, lúng liếng và có vẻ đáo để hơn. Hợp rất hay nhường nhịn em, tôi đã chứng kiến nhiều lần đã bị Thương lấn lướt.

Tháng 12 năm 1972, Nghi Tân bị ném bom ác liệt. Có lẽ do bị trả thù vì đêm hôm trước, trận địa của 1 Tiểu đoàn tên lửa bí mật ém ở Nghi Khánh đã bắn rơi 1 biên đội Con ma (máy bay tiêm kích F4H). Trong khói lửa mịt mù tôi vẫn nhận ra xác người chết nằm la liệt trên mặt đất, thi thể cháy xém không còn nguyên vẹn. Lao vào một căn hầm sập, bế được một bà cụ bị thương ra ngoài, tôi nghe thấy tiếng kêu cứu của một người đàn ông ở căn hầm bên cạnh. Ông ta đã bị một thanh gỗ lát nóc hầm sập xuống đè vào người. Vớ lấy một khúc gỗ, lấy hết sức bình sinh, tôi bẩy thanh gỗ sập lên lộ ra một khoảng trống nhỏ nhưng ông ta vẫn nằm không nhúc nhích. “Lúc này mà mình buông ra là hầm lại sập như cũ, làm sao kéo được ông ta ra bây giờ” tôi nghĩ vậy và nhìn quanh. Thoáng thấy một bóng người, tôi quát to: “Ai đấy! lại đây cứu người”. Hợp hiện ra, khuôn mặt nhem nhuốc vì khói bom và bùn đất, ngay sau là Thanh. Hợp và Thanh xúm vào khiêng người đàn ông bị thương cho dựa vào một gốc cây gần đấy. Người đàn ông cho biết trong hầm còn 5 người nữa gồm vợ và 4 đứa con. Lúc này dân quân cũng đã tới hỗ trợ. Cửa hầm đã được mở, tôi và Hiệp cùng Thương và mấy người nữa đã khiêng những người còn lại trong hầm ra ngoài. Tất cả đều bẹp dí, nát bét vì bị các thanh gỗ lát hầm sập xuống đè vào. Thi thể cuối cùng là một em bé chừng 8 tuổi, mềm nhũn và thõng trên tay tôi. Hộp sọ bị nứt vỡ, toác ra làm đôi. Có một cái gì đó bằng quả cam, màu hồng hồng rớt xuống đất. Tiếng người đàn ông bị thương thều thào: “Các chú ơi! gói lại cho em nó khỏi đau”. Tôi nhìn xuống và nhận ra đó là phần óc của em bé đã bị phọt ra ngoài do hộp sọ bị gỗ hầm kẹp vỡ. Hợp nhanh tay ngắt một tàu là khoai nước quỳ xuống nhặt, gói vào và mang ra đặt bên người em, mặt nhạt nhòa nước mắt. Cho đến lúc này tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt đẫm nước mắt của Hợp và tiếng thều thào của người đàn ông, nó luôn cứa vào thịt da tôi. Mọi người có hiểu khi nghe “cho em nó khỏi đau” là đau như thế nào không?.

2 ngày sau, tôi vẫn không thể ăn được cơm. Mùi tanh của máu quện với mùi thịt da cháy xém cũng như hình ảnh xác người chết luôn ảm quanh tôi. Một thằng trai trẻ sức vóc như tôi, đã từng ăn 9 bát cơm nguội trộn muối trắng (loại bát lính ta hay gọi là bát B52 ) mà 2 ngày phải bỏ cơm là phải hiểu như thế nào rồi. Cứ nâng bát cơm lên là cái mùi đặc trưng ấy cứ như lẩn quất trong mũi gây nôn ọe, mặc dù tôi đã tắm gội thật kỹ không dưới 3 lần bằng xà phòng Hoa Nhài. Quần áo phải giặt để mặc lại, sau khi đã đái vào những chỗ có máu.

..........

Thế rồi những ngày tháng đạn bom cũng qua đi. Đồn lại được chuyển từ nơi sơ tán trong dân (cách 3 km) về chỗ cũ. Chúng tôi dựng lại lán trại và lợi dụng mấy cái hố bom để đào ao, thả cá. Đồn khoán cho mỗi chiến sỹ (từ thượng sỹ trở xuống) phải trồng 5 cây chuối trên bờ ao. Đó là một nhiệm vụ không hề dễ. Bởi lẽ ở nơi đất cát, lại mới qua chiến tranh, tìm được một bụi chuối trong dân nguyên vẹn còn khó chứ lấy đâu ra chuối con mà cho chúng tôi bây giờ. Tôi và trung sỹ Sáng (lính 64, quê Chương Mỹ) rủ nhau vào sâu mãi tận Nghi Quang giáp với Quốc lộ 1 để xin chuối con. Đường đi dễ có đến 10 cây số. Sau khi xin đủ 10 cây, 2 anh em chia làm 2 gánh. Tôi trẻ hơn nhận gánh 6 cây, còn anh hom hem nên chỉ gánh 4 cây. Chuối con cả củ lẫn rễ nên nặng lắm. Ai đã từng gánh nặng đường xa thì đều biết, lúc đầu còn đi băng băng, càng về sau đổi vai liên tục, ì ạch đuối dần rồi đến lúc lử ra vì mệt. Trời nắng, đường cát lún khiến mỗi bước đi là một cực hình, chúng tôi cứ phải động viên nhau lấy gốc những cây phi lao phía trước làm mục tiêu để phấn đấu từng chặng, nhưng cuối cùng thì cũng kiệt sức vì đói quá. Mồ hôi vã ra, mặt đỏ gay vì nắng, chân bước loạng choạng vì cơn đói đã hành hạ. Chúng tôi đã hết sức rồi, bây giờ người ta thường gọi như thế là bị hạ đường huyết. Nếu bây giờ có ai bảo tôi kể về những kỷ niệm gian khổ trong cuộc đời thì tôi không ngần ngại mà nói rằng lần đi xin chuối con này là một trong những kỷ niệm đó.

Chúng tôi đành phải nghỉ lại và vào dân xin nước uống. Mở 1 cánh cổng buộc bằng những tay tre đang khép hờ. Hình như nhà không có người, chúng tôi tới giếng và múc nước. Bỗng giật mình vì có tiếng con gái nói từ phía sau “Chú và anh vào nhà mời nác”. Quay lại, Ô em Thanh! Hóa ra chúng tôi đã vô tình vào đúng nhà của 2 chị em mà không biết.

Phải nói là mừng vui biết nhường nào! Nước chè tươi được rót ra, mỗi thằng làm luôn 2 đọi (bát). Uống xong mới nói nhỏ với nhau “thứ này cồn bụng lắm”! Nhưng kìa, Hợp đã từ buồng trong bê ra một mâm bầy toàn đồ ăn. Tôi ngạc nhiên vì chỉ liếc qua thôi đã thấy toàn những món ăn rất ngon. Nàng nhẹ nhàng nói “Hôm nay chị em chúng em làm giỗ cho bố mẹ, bây giờ cũng đến bữa rồi, mời chú và anh mời cơm cùng với chúng em, cũng chẳng có gì mong chú và anh thông cảm”. Mọi người còn nhớ câu “buồn ngủ gặp chiếu manh” chứ? đây đích thị không phải là chiếu manh mà là Võng Điều. Từ chối lấy lệ, tôi và Sáng đã chén một bữa ngon chưa từng có, có thể nói là ngon nhất của cuộc đời! Cho dù đến giờ đã ngần này tuổi, đã xơi biết bao “cao lương mỹ vị” nhưng tôi vẫn xin khẳng định đây là bữa ngon nhất. Có thể là do đói quá, nhưng quả thật các món ăn cũng không phải tầm thường. Thời đó (1973) mà được chén nem rán, bánh mướt (bánh cuốn) kèm tôm cá (Cỗ cúng giỗ mà) thì hỏi còn gì ngon bằng? Và biết làm những món ấy dâng lên bố mẹ trong ngày giỗ thì lúc bấy giờ cũng chỉ có 2 chị em Hợp và Thanh thôi, có phỏng? Phải một lúc sau, khi một chút dinh dưỡng của thức ăn đã ngấm vào dạ dày, chúng tôi mới nói chuyện được. Trong câu chuyện tôi mới biết, các em bây giờ không bán tạp hóa nữa mà mở quán tráng bánh mướt (bánh cuốn) và bánh tráng (bánh đa) bán trong vùng. Thảo nào mà lâu lắm tôi đã không còn gặp 2 em ở chợ. Chuyện trò một lúc thì mắt díp lại (căng da bụng thì chùng da mắt). Rất nhanh ý, Hợp đã mời chúng tôi nghỉ lại vì trời đang nắng. Được lời như cởi tấm lòng, tôi và Sáng đã đánh một giấc thẳng cẳng. Đến chiều thì lững thững về Đồn. Trước khi đi, chúng tôi ngỏ ý muốn được trả tiền cho bữa chén, nhưng không ngờ điều này đã làm các em phật ý. Hợp nói trong nước mắt “Có chú và anh hôm nay chắc bố mẹ chúng em vui lắm”!

Sau này, mỗi khi nhớ lại chuyện này, tôi cứ cảm tưởng rằng Hợp và Thanh là 2 cô Tiên đã hiện ra để cứu chúng tôi. Nếu không phải thì tại làm sao mà lúc chúng tôi kiệt sức không thể đi được nữa, chúng tôi lại vào đúng nhà mà còn trúng bữa giỗ để được chén một bữa ngon nhớ đời như vậy?

Năm tháng qua đi, tôi đã rời Đồn để đi học sỹ quan, rồi lại về trường ĐH học tiếp, rồi ra đi làm. Những vất vả mưu sinh đã không cho tôi có dịp để quay trở về địa bàn. Mãi đến năm 1997, sau nhiều năm lưu lạc ở nước ngoài, tôi mới cùng vợ con trở lại Cửa Lò, nơi đã chôn dấu những kỷ niệm một thời trai trẻ. Đồn đã xây dựng lại khang trang trên mảnh đất cũ, nhưng người cũ chẳng còn ai, ngay Đồn trưởng cũng là lính sau chúng tôi ngót chục năm. Những ngày xưa đã xa quá rồi! Bất giác tôi nhớ đến Hợp và Thanh, nhớ đến gương mặt đầm đìa nước mắt trong khói bom của Hợp, nhớ đến nụ cười và ánh mắt đong đưa của Thanh và nhớ đến cả bữa giỗ tình cờ mà khiến bây giờ đi đâu, làm gì cũng không thể quên! Để thằng con ngủ lại trong khách sạn, tôi và vợ lên một chiếc xe ôm lao đi tìm các em.

Cảnh vật khác trước, Nghi Tân, Nghi Thủy đã thành phố, Lạch Lò đã thành Cảng, đường xá nhằng nhịt không tài nào nhận ra. Gã xe ôm cứ hỏi “Chú đi mô”? tôi chỉ biết nói “đi tìm 1 người”. Túm lấy người ngang đường hỏi, vào nhà dân hỏi, ai cũng lắc đầu. Đến xế chiều mới tìm được một bà cụ móm mém, hỏi “chú là chi với tụi chúng”? Khi biết tôi ngày xưa là lính đóng quân ở đây, có mắc nợ 2 chị em, giờ tìm để trả nợ, cụ nói “Răng mà muộn rứa, nợ chi mà trả muộn rứa, bây chừ mà trả thì nỏ có ai nhận mô”. Tôi giật mình hỏi “Cụ biết họ ở mô không”? “Chết hết rồi, tội nghiệp mấy đứa đó, đẹp quá mà”! Nén xúc động, kiên nhẫn nghe cụ kể tôi mới biết được Hợp và Thanh đã mất lâu rồi, dễ đến hơn chục năm. Thanh chết trước vì bị ung thư, Hợp mắc chứng bệnh gì đấy cũng chết theo em chỉ sau có mấy năm. Cả 2 chị em đều chưa có chồng, chết rồi cũng không có người thân thuộc. Mảnh đất ở bây giờ cũng thuộc người khác, mộ ở đâu cũng không còn ai biết. Tôi muốn thắp hương cho hai em cũng không biết thắp ở đâu? Thôi đành vái vọng vậy. Trước khi về tôi có hỏi bà cụ lý do vì sao mà các em không lấy chồng? Cụ lắc đầu lẩm bẩm “Tại đẹp quá mà, ai hỏi cũng nỏ lấy, về sau quá lứa, cao nỏ tới thấp nỏ thông”.

Từ lúc từ biệt bà cụ đến khi trở về khách sạn, tôi im lặng, không nói lên nổi một lời nào. Lòng trĩu nặng như cảm thấy mình có lỗi. Cuộc sống mưu sinh khiến mình đã không thể trở lại sớm hơn, mà có trở lại thì mình cũng có thể làm được gì cho các em? Âu cũng là số phận, cũng là một kiếp người!

Nếu biết rằng giờ phút này vẫn còn một người nhớ tới các em thì hẳn ở nơi nào đó, các em cũng sẽ mỉm cười.

Hợp và Thanh ơi! giờ này các em ở đâu?

 

Theo Trái tim Người lính