Du khách đến tham quan
Du khách có dịp xuôi dòng sông Hồng, mênh mông giữa trời mây sông nước, dừng chân ở thôn Đa Hòa, hẳn không quên câu chuyện về mối tình nên thơ, diễm lệ giữa Tiên Dung công chúa với chàng trai đánh cá nghèo khó Chử Đồng Tử mà từ lâu đã trở thành thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Chử Đồng Tử còn được coi là ông tổ của nghề buôn bán ở Việt Nam, mang đến cho người dân sự phồn vinh hạnh phúc, và đó là lý do mà Ngài được tôn làm Thánh và là một trong Tứ bất tử của Việt Nam.
Thật sự đây là một chốn “bồng lai tiên cảnh” nơi trần thế. Khách thập phương tới đây không chỉ để đứng trên con đê sông Hồng thưởng ngoạn phong cảnh bình yên của một vùng quê “xanh xanh lũy tre, ngô khoai biêng biếc, con đò sang ngang”, hay ngắm nhìn những dải phù sa cát trắng, những ánh nắng lung linh trên những hàng cau, mà còn để dâng nén nhang tưởng nhớ tới Đức thánh Chử Đồng Tử cùng vị phu nhân xinh đẹp Tiên Dung công chúa và nàng Tây Sa công chúa.
Ngôi đền được xây dựng lại năm 1894 do tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, người làng Tổng Mễ đứng ra vận động nhân tài và vật lực. Đền xây dựng theo hướng chính Tây trên một bãi đất bằng phẳng hình chữ nhật rộng trên 18.000 m2. Tổng thể kiến trúc ngôi đền bao gồm 18 nóc nhà lớn nhỏ là ý tưởng của người thiết kế muốn nhắc nhở người đời sau nhớ đến thiên tình sử của nàng công chúa Tiên Dung vừa tròn 18 tuổi, đời Vua Hùng Vương thứ 18. Các mái đều hình thuyền, mũi cong. Từ dưới sông nhìn lên, từ trên đê nhìn xuống đều thấy các mái nối tiếp nhau như một đoàn thuyền đang nhấp nhô, ẩn hiện.
Hiện nay đền Ða Hòa còn bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm, trong đó có lục bình “Bách thọ” (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm) thuộc hàng cổ vật vô giá của dân tộc. Ngoài ra còn có các kiệu bát cống, thất cống, khảm, ngai,... Tại ban thờ Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, công trình sư đền Đa Hòa, là thần hộ đền có cây đàn thập lục mà sinh thời ông từng gảy. Thu hút sự chú ý của du khách hành hương hơn cả là các pho tượng, đặc biệt là các pho tượng Đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đặt ở Hậu Cung. Các pho tượng đều được đúc bằng đồng, mặt tượng được sơn màu da, kẻ mắt và có độ cao ngang bằng nhau. Hiện nay trong đền còn có ba pho tượng như thế này nữa đặt ở cung Đệ Tam.
Từ ngôi đền, du khách có thể nhìn ra dòng sông Hồng thơ mộng, với hàng cây cổ thụ như tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, rêu phong trước sông nước bao la, cây xanh bốn mùa tươi tốt. Xen vào đó là những lời hay, ý đẹp và tình yêu bất tử của con người toát lên qua mỗi lời, mỗi chữ từ những bức hoành phi, câu đối do các bậc tao nhân, mặc khách mọi thời lưu lại. Không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh của Nhân dân, mà đền còn là một trong những điểm du lịch tham quan không thể thiếu của khách thập phương trong và ngoài nước, đặc biệt là các tour du lịch bằng đường sông Hồng cùng với làng gốm Bát Tràng, đền Đại Lộ, đền Dầm hay Khu di tích lịch sử văn hóa Phố Hiến.