Người Việt Nam xưa có câu: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Sau này, có người lại tôn thờ câu nói: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Cái tư duy tranh đấu len lỏi vào đời sống hàng ngày, từ vợ chồng đến anh em láng giềng cũng tranh hơn thua vì những điều nhỏ nhặt. Tuy nhiên, hậu quả lại không hề nhỏ nhặt.
Ví dụ có thực về “chuyện bé xé ra to” có rất nhiều: chồng uống rượu về trễ, vợ đóng cửa không cho vào, chồng đốt nhà thiêu vợ; cậu nổi giận giết cháu chỉ vì một câu nói đùa “mất vệ sinh”; người cùng làng trách nhau vì giấu mối làm ăn tới mức đánh nhau chấn thương sọ não, tử vong v.v…
Có câu hát: “Giận thì giận, mà thương thì thương”. Vậy tại sao những người thân quen kia lại phát tiết cơn giận bất kể hậu quả, lại hành ác tàn nhẫn như vậy?
Tâm mang nhiều dục vọng, ắt sẽ sinh sân hận
Nghe lời nói khó nghe mà sinh giận dữ, là vì tâm truy cầu được nghe những lời mềm mỏng lọt tai. Bị coi thường mà sinh giận dữ, là vì tâm truy cầu được coi trọng, tán dương. Bị cướp mất lợi ích tiền tài mà nổi giận, là vì có tâm truy cầu tiền tài. Bị đối xử tệ bạc, ghét bỏ mà sinh oán hận, là vì tâm truy cầu được yêu mến, nâng niu, vốn chỉ là chấp trước vào ái tình nơi nhân thế.
Tâm càng mang nhiều dục vọng, càng dễ sinh sân hận. Truy cầu và dục vọng là cái gốc của phiền não. Muốn cắt đứt phiền não do sân hận mang đến, thì không phải ngậm miệng siết tay là làm được. Gốc rễ là cần tu bỏ dục vọng.
Nếu con người ai ai cũng đến và đi với hai bàn tay trắng, thì tại sao ta lại quá quan tâm đến thái độ của người khác đối với ta? Chỉ sau khi một người hoàn toàn hiểu được ý nghĩa của cuộc đời thì anh ta mới gột rửa được những truy cầu ham muốn và có được một tâm hồn trong sạch, sáng suốt như mặt hồ phẳng lặng.
Tin nhân quả báo ứng, ắt sẽ biết kiềm chế cái Tâm của mình
Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai” (Một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra). Và tiếp theo còn nói: “Nhất sân chi hoả, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” (Lửa giận hờn một khi đã phát ra, có thể đốt cháy và làm tiêu tan muôn mẫu núi rừng công đức).
Trong văn hoá truyền thống, người bị cơn giận chi phối mà nghĩ ác, nói ác, làm ác nhất định sẽ tích tụ nghiệp lực, sau này không tránh khỏi ác báo. Một người tin vào quy luật Thiện Ác hữu báo sẽ không dám phóng túng cái tâm của mình, có sự ước thúc nhất định với những ý niệm, lời nói và hành vi của bản thân, vậy sẽ không thể xảy ra chuyện phóng hoả giết người được.
Không nhớ kể đến lỗi lầm của người khác là cảnh giới của Thiện
Phú Bật là danh thần thời Bắc Tống. Khi còn trẻ, ông đang đi bộ trên đường phố thành Lạc Dương thì bỗng nhiên có một người mắng chửi ông. Một người đi đường đã ghé tai Phú Bật mà nói nhỏ: “Chàng trai trẻ, có người đang mắng chửi cậu kìa.” Phú Bật nghe xong liền nói: “Hình như là mắng người khác đó.”
Người đó lại nói: “Người ta còn gọi tên của cậu mà chửi đó.” Phú Bật suy nghĩ một chút rồi nói: “Có lẽ là mắng người khác, rất có thể người đó trùng tên họ với tôi.” Sau đó, người mắng chửi Phú Bật nghe được phản ứng của ông nên thấy rất hổ thẹn, đến xin lỗi Phú Bật.
Tâm của một người cũng như chén nước. Người mà trong tâm ôm hận, ghi nhớ mãi lỗi lầm của người khác tựa như nhỏ thuốc độc vào chén, dù sau đó có pha thêm bao nhiêu nước mát cũng vẫn là một chén thuốc độc. Cảnh giới của Thiện thuần khiết như chén nước trong, có thể dập tắt mọi mồi lửa sân hận.
Ở đời, hãy học cách đơn giản hoá mọi việc
Tăng Quốc Phiên, chính trị gia, chiến lược gia, triết học gia, văn học gia xuất sắc thời Mãn Thanh đã đúc kết kinh nghiệm tu thân như sau: “Cho dù gặp phải bất cứ chuyện gì thì cứ xem như không có gì, khiến sự việc trở nên đơn giản, xem việc lớn như việc nhỏ”.
Ở đời, hãy biết hóa giải chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ xem như không có gì. Xử lý mọi chuyện một cách đơn giản nhất, tuyệt đối đừng chuyện bé xé ra to, vẽ rắn thêm chân, nghi hoặc, nổi nóng, không giữ bình tĩnh mà hại người, hại cả chính mình.
Bởi lẽ “Nhẫn nhất thời chi khí, miễn bá nhật chi ưu”, nghĩa là: “Dằn cơn giận trong một lúc thì khỏi ưu phiền cả trăm ngày”.
Có người phê bình một câu, chỉ cần cám ơn hay cười xoà là xong.
Có người thụi vào người một cú, chỉ cần xoa xoa mấy cái là xong.
Có người hống hách một chút, chỉ cần nhận thua là xong.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Đạo của bậc Thánh nhân là làm mà không tranh”. Coi nhẹ danh lợi tình, đơn giản hoá mọi việc mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.