Từ nhỏ tôi đã thích tiếng kèn đám ma, nhiều người cho là quái dị. Cho dù chưa cảm nhận được gì nhiều nhưng mỗi khi nghe giai điệu mà ông thợ kèn gân cổ lên đổ tôi đều rưng rưng nước mắt. Lúc ấy chỉ cảm nhận có cái gì đó rất thân thương như là có mình trong đó.
Kèn đám ma có nhiều loại, loại kèn đại là kèn kêu hay nhất, loa hình chóp to bằng hộp sữa loại lớn, kèn có 8 nốt gồm sáu nốt dọc, một nốt cạnh và một nốt sau do đó tạo âm thanh trầm bổng rất thú vị. Dăm kèn thường làm bằng cây sậy và tổ sâu. Dăm cây sậy ấm tiếng nhưng không bền, dăm tổ sâu gọn tiếng hơn và rất bền. Khi nhỏ chỉ cần ông thợ kèn quay đi là tôi đã thó được một cái dăm kèn, về nhà thổi chơi thích lắm.
Kèn trung cũng như vậy nhưng nhỏ hơn, tiếng thanh và vang xa.
Kèn đồng nhỏ nữa, tiếng réo rắt vang xa, không có nốt. Âm điệu do người thổi lấy hơi điều khiển
Khi có đám tiếng kèn đại là chủ yếu, thường phối chung với đàn bầu, nhị, trống, thanh la, kèn đồng... Đầy đủ cả 8 loại nhạc cụ (Thạch, thổ, kim, mộc, trúc, bào, ti, cách) gọi là phường bát âm.
Nhà khá giả sẽ thuê thêm một đội múa sanh tiền nữa, khi đưa đám ra đồng, đội múa sanh tiền sẽ múa ở phía trước cho đến khi ra đến mộ.
Khi đã lớn, tôi mới cảm nhận được tiếng kèn đám ma và biết tại sao mình thích. Khi vào niệm tiếng kèn ai oán não nề, quyện với tiếng chiêng tiếng trống hệt như tiếng than thở, tiếc nuối của linh hồn, tiếng kèn khi trầm khi bổng, khi dồn dập như đang hờn trách cõi trần.
Các bản kèn giai điệu khác nhau, Lâm khốc ai oán sầu bi đôi khi lại mượt mà như tiếng mẹ ru. Lưu thủy, Hành vân Du thủy bay bổng dịu dàng, thổi hay hay không tùy thuộc vào cảm nhận của thợ kèn khi cảm nhận, chưa thấy có sách nào dạy. Các điệu kèn này đều xuất phát từ Nhã nhạc cung đình.
Có đoàn khách phúng viếng, tiếng kèn dịu dàng hệt như lời mẹ ru...ả à ơi...! Như đang an ủi, nhắc lại những kỉ niệm khi người chết còn sống ở cõi dương trần, vỗ về linh hồn người quá cố. Tiếng kèn như một sợi dây liên kết giữa người chết và người sống, và thay cho lời tiễn biệt.
Quê tôi có phong tục gọi là thướng kèn, đó là khi khách đến phúng viếng sẽ thêm cho thợ kèn một chút tiền, thợ kèn sẽ thổi theo yêu cầu của khách để dâng lên người quá cố. Một số nơi có phong tục gọi là chèo đò cũng gần như thế, có một nhân vật lái đò hát theo điệu Chầu văn hoặc hát Xoan kèm theo tiếng kèn tiếng nhị đưa linh hồn đi đến những nơi chùa chiền thanh tịnh để an ủi vỗ về linh hồn người đã khuất.
Khi đêm đến, tiếng kèn thờ là muôn làn điệu dân ca. Hay và lôi cuốn đến nỗi tôi có thể liên tưởng như một sử thi được kể bằng nhạc thông qua điệu kèn kể lể về kiếp người từ lúc cha mẹ sinh ra cho đến khi lìa cõi hồng trần, tôi như được nhìn thấy đời người. Tiếng kèn thể hiện đủ các trạng thái cung bậc cảm xúc của đời người. Hỉ, nộ, ái, ố. Chỉ cần nghe tiếng kèn thôi, một giai điệu đầu tiên là tôi đã rơm rớm nước mắt.
Sống dầu đèn, chết kèn trống. Phong tục mỗi nơi mỗi khác, và giai điệu kèn tuy có khác nhau. Nhưng tôi tin tiếng kèn đám ma quê tôi là một tuyệt tác mà người xưa truyền lại.
Theo Chuyện Làng quê