Kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp: Giải pháp phát triển năng lượng bền vững

Những năm gần đây, Việt Nam có nhiều thành công trong phát triển nông nghiệp và năng lượng; song những khó khăn của ngành nông nghiệp và tình trạng biến đổi khí hậu cực đoan đang trở thành mối đe doạ, đòi hỏi phải có giải pháp phát triển hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo.

Nông nghiệp Việt Nam có lợi thế hiếm có nhờ điều kiện thiên nhiên và vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, tổng diện tích đất nông nghiệp có ít, bình quân chỉ đạt dưới 0,1 ha/người, vào loại thấp nhất khu vực và thế giới.

Từ nhu cầu kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo là hướng phát triển được đặc biệt quan tâm. Đến tháng 6 năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt 285 dự án điện mặt trời với tổng công suất 23.000MWp. Để triển khai những dự án này, cần đến 27.600 ha đất nông nghiệp, đã dấy lên mối quan ngại, làm nảy sinh xung đột sử dụng tài nguyên, đặc biệt là ở những vùng trồng lúa đất ít, người đông. Tình trạng chuyển đổi lâu dài đất nông nghiệp sang làm năng lượng khiến hoạt động sản xuất lúa gạo hoặc nông sản xuất khẩu vốn là thế mạnh của cả nước đứng trước nguy cơ sẽ bị mất dần. Thực tế này đang là áp lực đòi hỏi phải có giải pháp xử lý thích hợp trong phát triển bền vững.

Trên thế giới đã xuất hiện nhiều hệ thống sử dụng kết hợp nông nghiệp và năng lượng mặt trời mang lại hiệu quả cao. Thành công ở nhiều quốc gia đã mở ra hướng đi mới trong sử dụng năng lượng táí tạo để phát triển bền vững nông nghiệp.Bài viết phân tích một số nội dung nhằm  góp phần vào tìm kiếm giải pháp phát triển phù hợp ở nước ta.

Phát triển năng lượng mặt trời với sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam, vấn đề đặt ra

Tăng trưởng kinh tế những năm qua đã thúc đẩy tiêu thụ năng lượng điện liên tục gia tăng với nhịp độ bình quân trên 10%/ năm. Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia (Quy hoạch Điện VII điều chỉnh)đã đưa công suất điện than cả nước từ 19 GWp lên 55GWp vào năm 2030. Tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker Innitiative nước Anh từng cảnh báo, do ngành than thiếu bền vững nên chủ sở hữu tài sản liên quan đến điện than ở Việt Nam có nguy cơ mất đi đến 11,7 tỷ USD trong 10-15 năm tới.

Là đất nước trải dài hơn 15 vĩ độ với gần 3.500 Km bờ biến, Việt nam có tiềm năng điện gió ước tính trên 27.000 MWp. Ngoài ra, năng lượng mặt trời (NLMT) với lượng bức xạ theo phương ngang (GHI) từ 4 đến 5 KWh/m2có thể tạo ra sản lượng điện trong năm từ 1.300 đến 1.500 kWh/1kWp công suất lắp đặt. Trong dài hạn, tiềm năng NLMT Việt nam có thể lên tới hàng trăm nghìn MWp. (Rosa Luxemburg Stiftung&GreenID 2019).

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2017, dự báo công suất điện mặt trời sẽ đạt 100GWp trong năm 2050. Theo Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID), tiềm năng kỹ thuật NLMT của Việt Nam trong trung hạn ước đạt 56GWp (Green ID 2018). Trong báo cáo Tổng quan  Năng lượng điện Việt Nam 2019 (EOR19), Bộ công Thương và Đại sứ quán Đan Mạch cho rằng, đến năm 2030 có thể thay thế được 20 GWp công suất điện than bằng điện gió và điện mặt trời, con số này đến năm 2050 sẽ lên tới 90 GWp (MOIT& Embasy of Denmark 2019).

Năng lượng gió và mặt trời đóng vai trò không chỉ là năng lượng sạch mà còn là giải pháp kinh tế nhất trong sản xuât điện năng có tính đến chi phí môi trường trong thời gian tới. Tiềm năng khai thác năng lượng điện mặt trời của Việt Nam có thể còn vượt xa danh mục những dự án đầu tư hiện tại. Chuyển phát triển điện năng quốc gia từ phụ thuộc quá mức vào nhiệt điện than và nhiên liệu hoá thạch sang con đường sạch hơn, dựa trên năng lượng tái tạo là việc làm cần thiết trong xây dựng quy hoạch cho giai đoạn tới.

Với tham vọng phát triển nhiều nghìn MWp công suất điện mặt trời trong những thập niên tới, nguy cơ gia tăng xung đột sử dụng đất ở các vùng nông nghiệp giầu tiềm năng là điều khó tránh. Tình trạng chuyển đổi lâu dài đất nông nghiệp trồng lúa sang sản xuất năng lượng ở nhiều đồng bằng trong dài hạn sẽ làm suy giảm sản lượng lúa gạo, gây khó khăn trong đảm bảo an toàn lương thực và tạo áp lực không nhỏ đối với các nhà đầu tư.

Hệ thống sản xuất nông nghiệp Việt Nam có những khác biệt ở từng vùng sinh thái. Các vùng đồng bằng lớn tập trung chủ yếu vào sản xuất lúa gạo, chăn nuôi gia súc, gia cầm; các vùng rộng lớn khác có thể trồng rừng và cây công nghiệp dài ngày; khu vực đồi núi sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, nặng về tự cung tự cấp.

Mặc dù có bước phát triển ấn tượng trong thời gian qua song nhìn chung, phương thức sản xuất nông nghiệp vẫn mang đậm tính chất nhỏ lẻ; năng suất lao động và thu nhập từ nông nghiệp có sự chênh lệch rất lớn so với các ngành phi nông. Cho đến nay, khoảng 70% hộ sản xuất nông nghiệp có quy mô diện tích dưới 0,5 ha, những đơn vị sản xuất kinh doanh có trên 2 ha chỉ chiếm 6%. Cùng với tình trạng sản xuất phân tán, bất ổn thị trường đã tạo áp lực lên thu nhập và sinh kế của số đông người nghèo, tác động của BBĐKH dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.

50 năm gần đây, BĐKH làm nước biển dâng dọc vùng duyên hải tăng thêm 20cm. Lượng nước mưa hàng năm suy giảm ở miền Bắc, nhưng lại gia tăng ở phía Nam, đã làm thay đổi mô hình hạn hán ở các vùng khí hậu và nhiều khu vực sinh thái. Tình trạng xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên đang trở thành những thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp.

Trên 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn và sinh kế của hơn 40% dân cư còn phụ thuộc vào nông, lâm ngư nghiệp.Nông dân và các cộng đồng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và cải thiện cuộc sống.

Trong xu thế phát triển toàn cầu, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH-HĐH) đất nước,sẽ thúc đẩy tiêu thụ năng lượng theo xu thế gia tăng sự phụ thuộc vào năng lượng gió, mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo. Gia tăng số nhà máy phát điện để nâng công suất năng lượng tái tạo lên hàng nghìn MWp đòi hỏi diện tích đất đai xây dựng không nhỏ, dễ dẫn tới nguy cơ xung đột đất đai.Vấn đề đặt ra là liệu có thể kết hợp được việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp với phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của người dân ở những vùng có nhiều tiềm năng phát triển ?

Sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời với sản xuất nông nghiệp trong xu thế toàn cầu

Đi tìm lời giải cho vấn đề này, các nhà nghiên cứu nhận thấy:Ý tưởng phát triển hệ thống phát điện dùng năng lượng mặt trời, cho phép sử dụng đất sản xuất nông nghiệp hoặc nuôi trồng thuỷ sản với cơ chế vận hành riêng đã ra đời từ đầu thập niên 1980.

Hình ảnh về mô hình kết hợp NLMT và nông nghiệp

Kết quả nghiên cứu của người đi tiên phong, GS Aldolf Goetzberger ở CHLB Đức cho thấy, dưới hệ thống pin NLMT cách đất, bức xạ nhiệt còn đủ để trồng được nhiều loại cây trồng khác nhau. Với hệ thống thí nghiệm tiền hành, các mô dun NLMT được lắp đặt để tối ưu hoá sản xuất điện năng vẫn đảm bảo được 2/3 lượng bức xạ giúp cho cây trồng phát triển. Báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu cho thấy, bức xạ mặt trời của hệ thống gần như đượcphân bổ đồng đều, giúp kích thích tăng trưởng đồng đều cây trồng, đáp ứng ứng được nhu cầu nuôi dưỡng các loại cây như lúa mạch đen, đại mạch, yến mạch, củ cải đường…hoặc đồng cỏ chăn nuôi gia súc (Goetzberger A.& Zastrov,A.1982).

Sau những nghiên cứu mở đầu, các nhà máy điện mặt trời đầu tiên trên mặt đất được xây dựng ở nhiều quốc gia đã minh chứng tính khả thi của phương thức kết hợp NLMT trong sản xuất nông nghiệp. Đó là việc sử dụng đồng thời một diên tích đất nhất định cho sản xuất năng lượng mặt trời và nông nghiệp. Kết hợp NLMT trong sản xuất nông nghiệp là mô hình sử dụng đất kết hợp có chủ đích đối với hoạt động phát điện mặt trời và sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả chăn nuôi, thuỷ sản)nhằm giảm nhẹ xung đột sử dụng tài nguyên đất và mang lại lợi ích kinh tế xã hội lớn hơn so với ứng dụng đơn lẻ. Dưới mặt đất lắp đặt hệ thống điện mặt trời, nhiều loại cây cỏ canh tác được kiểm soát có thể góp phần nâng cao thu nhập và làm giảm nhẹ chi phí bảo trì hệ thống điện (Green ID 2019).

Yếu tố quan trọng của sử dụng kết hợp là năng suất chung của hệ thống sản xuất điện sạch và nông nghiệp mang lại. Kết hợp sản xuất nông nghiệp với khai thác năng lượng mặt trời giúp nâng cao công suất điện, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Khâu then chốt để đánh giá mô hình kết hợp này là vận dụng khái niệm tỷ lệ đất tương đương (LER) trong sản xuất nông nghiệp. LER được xây dựng như một chỉ số năng suất của khu vực đất nhất định, được dùng để định giá hệ thống trồng trọt xen canh nhiều loại cây trồng. Chỉ số LER của hệ thống sử dung kết hợp NLMT được xác định bằng tỷ lệ năng suất nông nghiệp thu hoạch được theo mô hình kết hợp trên năng suất sản xuất tách rời, cộng với tỷ lệ công suất điện của mô hình sử dụng kết hợp trên công suất điện nếu chỉ sản xuât điện mặt trời

Sử dụng mô hình mô phỏng đa ngành để nghiên cứu sự thay đổi năng suất trước các thông số kỹ thuật và môi trường bắt buộc của cây trồng thử nghiệm là lúa mì cứng ở Pháp, Dupraz và cộng sự đã nhận được kết quả ấn tượng, chỉ số LER lên tới 1,7. Đồng nghĩa với năng suất sử dụng đất  gia tăng 70% (Rosa Luxemburg Stiftung&GreenID 2019).

Trong xu thế phát triển năng lượng mặt trời hiện đại, những dự án nghiên cứu thực tế đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi ở những thị trường điện mặt trời phát triển. Tại Cộng hoà Liên bang Đức, 30 năm sau khởi sướng của Adold Goetzberger, vào năm 2015 dự án thí điểm sử dụng kết hợp NLMT công suất 194KWp được xây dựng ở khu hồ Constance thuộc miền Nam nước Đức. Kết quả đạt được của dự án rất đáng khích lệ với năng suất nông nghiệp gia tăng 60% cho cả lúa mỳ, khoai tây, cần tây và cỏ 3 lá....

Với công suất lắp đặt 194 kilowatts các tấm pin NLMT đủ khả năng cung cấp cho 62 hộ gia đình 4 nhân khẩu. Trong 12 tháng đầu tiên, hệ thống đã tạo ra sản lượng điện 1.266 KWh trên 1kWp công suất lắp đặt. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học ước tính tiềm năng thực tế của mô hình điện mặt trời dạng này ở Đức có thể đạt được công suất 53.000MWp

Trong giai đoạn 2010-2011, dự án  nghiên cứu thử nghiệm hệ thống điện mặt trời đặt cách mặt đất 4m với công suất 50kWp đã được triển khai ở gần thành phố Montpellier miền Nam nước Pháp. Các nhà khoa học đã xây dựng mô hình mật độ bức xạ trong phạm vi cánh đồng NLMT và xác định tác động của hệ thống tạo bóng râm tới năng suất cây trồng bằng những mô hình nông lâm sẵn có để xen kẽ cây trồng, mùa vụ, nhằm vận dụng khái niệm LER trong xây dựng mô hình kết hợp NLMT và cây trồng nông nghiệp.

Các dự án phát triển ở Pháp ban đầu được thử nghiệm đối với cây nho. Những khu vực thí nghiệm đã chứng minh rõ lợi ích của việc tăng tỷ lệ bóng râm của hệ thống NLMT cách đất  như giảm nồng độ cồn trong nho, giữ trọn đặc trưng hương vị rượu,thay thế hệ thống tưới tiêu cánh đồng nho trong thời kỳ khô han để duy trì và cải thiện năng suất thu hoạch…

Trên đảo Reunion, những trang trại sử dụng kết hợp NLMT trong sản xuất nông nghiệp thuỷ sản với công suất 9MWp đã được xây dựng và vận hành. Khởi đầu, các trang trại ở vùng Les Cedrese đã tiến hành việc kết hợp trên 12 khu hồ cá , tạo được công suất phát điện 1,5 MWp, đủ cung cấp cho thị trường địa phương trong ¼ thế kỷ. Khu vực thứ 2 đã kết hợp NLMT trên những cánh đồng sản xuất nông nghiệp. Những tấm pin mặt trời đặt cách đất đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp cơ giới hoá trên diên tích rộng 7,5 ha, Với mật độ lắp đặt khá dày, các mô đun NLMT không chỉ tạo được nguồn điện sạch với công suất 7,5MWp,  mà còn giúp cho cây trồng nhạy cảm với chế độ bóng dâm, nhiều loại cây gia vị và cây lâu năm phát triển tốt.

Ở khu vực Đông Á, Nhật Bản được biết đến là quê hương của kết hợp NLMT với thuật ngữ Solar Sharing. GS. Akira Nagashira, người dẫn dắt đã bắt đầu nghiên cứu về mô hình kết hợp nông nghiệp và NLMT từ năm 2003.Từ những kết quả nghiên cứu đạt được, đến năm 2014  Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) mới ban hành hướng dẫn ứng dụng mô hình sử dụng kết hợp NLMT trên các khu đất nông nghiệp. Bộ chỉ phê chuẩn lắp đặt các hệ thống NLMT trên diện tích đất trồng hiện có với khả năng giảm năng suất cây trồng dưới 20%.

Vào giữa năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đa phê chuẩn 775 dự án sử dụng kết hợp NLMT, phần lớn với quy mô nhỏ, công suất không quá 50kWp. Với tiềm năng có được, nếu sử dụng 20% diện tích đất nông nghiệp để triển khai những mô hình dạng này, hệ thống kết hợp có thể tạo ra 457.000 GWh điện năng, tương đương với 57% nhu cầu tiêu thụ điện năng hàng năm của Nhật Bản.Mô hình kết hợp nông nghiệp và NLMT có thể vực dậy ngành nông nghiệp Nhật Bản, đây chính là giải pháp khôi phục lại cuộc sống cho nông dân, mang lại cơ hội gia tăng thu nhập, góp phần giải quyết nhu cầu tiêu thụ năng lượng quốc gia (http://www.renewableenergyworld.com/articles/2013/10/japan-next-generation-farmers-cultivate-

agriculture-and-solar-energy.html)

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều dự án NLMT kết hợp với nông nghiệp trên quy mô nhỏ. Theo ước tính, những dự án sử dụng kết hợp NLMT bao gồm cả nhà kính và các trang trại nuôi trồng thuỷ sản có tổng công suất từ 1.000 đến 2.000 MWp được lắp đặt mỗi năm. Ngoài những dự án quy mô nhỏ, Trung Quốc cũng là nước sở hữu trang trại sử dụng kết hợp NLMT quy mô lớn nhất trên thế giới. Tại tỉnh Hà Nam, hệ thống nông nghiệp kết hợp NLMT với công suất 1.000MWp đã được xây dựng vào năm 2017, đang có kế hoạch bổ sung để mở rộng lên 3.000 MWp.

Kết hợp sản xuất nông nghiệp với khai thác sử dụng năng lượng mặt trời ở Việt Nam,

Theo Green ID, những hoạt động nghiên cứu đầu tiên về sử dụng NLMT trong sản xuất thuỷ sản đã được khởi xướng ở Việt Nam. Những hoạt động này nhằm làm sáng tỏ và bổ sung vào khái niệm sử dụng NLMT Dự án thí điểm đầu tiên được tiến hành trong việc nuôi tôm do Chương trình hỗ trợ năng lượng GIZ của Đức ở Việt Nam khởi xướng. Khu vực thí nghiệm có công suất 1KWp tại vùng nuôi tôm thuộc tỉnh Bạc Liêu, nhằm chứng minh tính phù hợp về mặt kinh tế kỹ thuật trong hợp sử dụng NLMT và hướng đến nhân rộng mô hình này (Vnecc,gov.vn)..

Phân tích xu thế phát triển của việc kết hợp sử dụng NLMT với nông nghiệp trên thế giơí, từ kinh nghiêm và bài học rút ra của các mô hình, giới nghiên cứu  đã lựa chọn thành phố Cần Thơ thuộc đồng bằng sông Cửu Long để xem xét tính khả thi tiềm năng của mô hình sử dung kết hợp Năng lượng mặt trời ở Việt Nam (Rosa Luxemburg Stiftung&GreenID 2019)..

Vào năm 2015, tổng dân số Cần Thơ có trên 1,25 triệu người, 33% sống ở khu vực nông thôn. Diện tích đất nông nghiệp chiếm 80% đất đai thành phố với cấu trúc kinh tế bao gồm cả nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 72,7%. Nông thôn và sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH thành phố.

Theo cách tiếp cận đất đai dành cho cây trồng phù hợp, các thông số cần thiết để tính toán sản lượng điện mặt trời, thực tế tiềm năng sử dụng kết hợp và ước tính chi phí trung bình, các nhà phân tích đã xác định được tiềm năng kỹ thuật, đánh giá tính khả thi; từ đó có những kết luận về tiềm năng sử dụng kết hợp NLMT ở một thành phố đã xác định xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trọng tâm.

Tổng hợp kết quả phân tích các nhà nghiên cứu đã rút ra tiềm năng kỹ thuật (bao gồm cả trên đất trông lúa) của NLMT theo kịch bản 0,5 MWp/ha là 115.364 KWp công suất cho sản lượng 161.508.200 MWh/năm; nếu khai thác sử dụng được 10% thì cũng đã vượt xa nhiều lần so với nhu cầu điện hiện nay của thành phố khoảng 2,2 tỷ KWh hàng năm. Tring rường hợp không tính đến diện tích sản xuất lúa gạo, tiềm năng công suất của mô hình kết hợp cúng  tạo được sản lượng điện từ 1 đến 1,5 TWh/năm đủ đáp ứng từ 40 đến 70% nhu cầu hàng năm.  Cho dù tiềm năng kỹ thuật thực tế có thể thấp hơn nữa trong ngằn hạn, song theo các nhà phân tích, mô hình sử dụng kết hợp NLMT ở Cần Thơ vẫn đáp ứng được đáng kể nhu cầu tiêu thụ điện của thành phố.

Liên quan đến chi phí ứng dụng, kết quả đánh giá cho thấy chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) theo phương thức kêt hợp trong điều kiện tiêu chuẩn ở mức.9,07USct và tối đa chỉ ở mức 9,81 Usct  gần với giá  FIT hiện nay của Việt Nam là 9,35Usct.

Trong kết hợp NLMT và sản xuất nông nghiệp, nếu xây dựng được mô hình phát triển phù hợp nông dân sẽ được hưởng lợi ích kép, nhờ tiết kiệm được chi phí mua điện lưới và gia tăng thu nhập từ việc bán điện mặt trời cho lưới điện hoặc các bên tiêu thụ khác và quan trọng  hơn là,  giảm được xung đột đất đai, giảm được phát thải nguy hại từ các nhà máy phát điện truyền thống sử dụng nhên liệu than và hoá thạch.

Thay lời kết luận

Trong bối cảnh chi phí đầu tư công nghệ NLMT giảm mạnh, kết hợp phát triển NLMT trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả là giải pháp khả thi giúp Việt Nam không phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ bên ngoài, giảm thiểu xung đột đất đai và giảm được vốn đầu tư công lớn dùng vào xây dựng những nhà máy điện công suất lớn sử dụng nhiên liệu hoá thạch.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, là nước đi sau trong lộ tình phát triển mô hình ứng dụng kết hợp NLMT, chúng ta không vội vã mà cần phân tích kỹ kinh nghiệm và bàì học rút ra của các quốc gia đi trước để tập trung vào:

Xây dựng những dự án thí điểm nhằm thử nghiệm các giả định đưa ra trong nghiên cứu kiểm chứng tính phù hợp của cây trồng, vật nuôi phù hợp với tính đa dạng sinh thái ở từng vùng.

Nhằm thể chế hoá quá trình phát triển ở cấp Tỉnh hoặc vùng, cần hình thành các nhóm công tác hoặc Ban điều phối khu vực, gồm đại diện các bên có liên quan thuộc tổ chức quản lý nhà nước, hiệp hội nông dân, cơ quan nghiên cứu….để xây dựng kế hoạch và chiến lược hành động.

Các nhóm công tác điều phối cần tiến hành những vận động, tạo sự ủng hộ của các tổ chức công quyền liên quan đến nội dung điều chỉnh khung khổ pháp lý và nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người dân bản địa; phân tích và làm rõ những nguy cơ và rào cản tiềm ẩn về khung khổ pháp lý, đặc biệt là quy định sử dụng đất đai kết hợp trong sản xuất nông nghiệp, để mở đường cho sự phát triển theo hướng gia tăng năng lượng sạch đồng thời với cải thiện đời sống người dân.

Liên quan đến việc xây dựng và hoạch định chính sách, chiến lược Quốc gia, ứng dụng mô hình sử dụng kết hợp NLMT cần được công nhận và chính thức đưa vào Quy hoạch phát triển điệm lực quốc gia, Chiến lược tăng trưởng xanh và các mục tiêu Quốc gia về BĐKH./.

Tài liệu tham khảo

MOIT& Embasy of Denmark (2019) Vietnam  Energy Outlook Report 2019); Hanoi, November

Rosa Luxemburg Stiftung&GreenID (2019) Mô hình sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong

sản xuất nông nghiệp, Kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng cho Việt Nam;  Hà Nội tháng 11

Goetzberger A.& Zastrov.A.(1982) On the Coexistence of  Solar-Energy Conversion and Plant Cultivation  in Internationl Jourrnal of Solar Energy 1.1.p.55-59

Vnecc,gov.vn      Sử dung năng lượng mặt trời trong thuỷ sản

http:// vnecc.gov.vn/ttin-tuc/projects/t12277/the-use-of-solar-power-in-aquaculture.html