Khai quật bãi cọc Cao Quỳ: Thêm nhiều tư liệu về chiến thắng Bạch Đằng

UBND thành phố Hải Phòng và Viện Khảo cổ học đã có kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.


Sáng nay (21/12), UBND thành phố Hải Phòng và Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Đây được coi là trận địa trong cuộc chiến chống quân Nguyên của quân dân nhà Trần năm 1288.


Thành phố Hải Phòng và Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị báo cáo kết quả, khai quật bãi cọc Cao Quỳ.


Trên cơ sở phát hiện của người dân xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) về 2 thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức 2 đợt khảo sát và phát hiện 9 cọc gỗ có niên đại khoảng 1270 - 1430.

Cuối tháng 11 vừa qua, được sự cho phép của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ thuộc xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.


27 cọc gỗ có niên đại thế kỷ 13 - 15 được phát hiện tại bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).


Kết quả khai quật 950m2, với 3 hố khai quật đã phát hiện 27 cọc gỗ được đóng thẳng đứng hoặc nghiêng trong khu vực chứa nhiều bùn lẫn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ. Các cọc có đường kính 26 - 46 cm, phân bố so le nhau, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Kết quả giám định C14 cho thấy, các cọc gỗ này có niên đại thế kỷ 13 - 15. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện 24 hố đất đen, phần lớn là các hố chôn cọc, cùng một số chứng tích sắt và đất sét.

Từ kết quả khai quật khảo cổ và niên đại tuyệt đối mẫu cọc gỗ được phát hiện, kết hợp với các nguồn tư liệu lịch sử, bước đầu, các nhà khoa học cho rằng, di tích bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên trên sông Bạch Đằng vào năm 1288.


Các cọc được đóng thẳng đứng hoặc nghiêng, so le nhau, có đường kính 26-46 cm; trên một số cọc lớn có mộng ngoàm.


Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ dưới nước, Viện Khảo cổ học Việt Nam khẳng định, di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một thế trận địa có niên đại vào cuối thế kỷ 13, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần.

"Trận địa này dùng để chặn giặc không cho chúng tiến vào sông Giá, buộc phải đi vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa mai phục của chúng ta ở Bãi cọc Yên Giang và Đồng Vạn Muối, Đồng Mã Ngựa ở Quảng Yên (Quảng Ninh). Để hiểu rõ hơn về quy mô, tính chất, diện mạo của chiến trường bãi cọc Cao Quỳ, chúng tôi đề xuất cần tiến hành điều tra, khảo sát và quy hoạch, bảo tồn bãi cọc", Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu cho hay.