Tháp cổ Bình Lâm
Tên của tháp này được gọi theo tên địa phương nơi tháp tọa lạc: thôn Bình Lâm thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Trong khi hầu hết các tháp Chăm khác đều nằm trên đồi hoặc gò cao, tách biệt với dân cư thì tháp Bình Lâm lại tọa lạc giữa đồng bằng, được bao quanh bởi khu dân cư đông đúc.
Theo các nhà khảo cổ học, tháp Bình Lâm được xây dựng vào cuối thế kỷ 10 - đầu thế kỷ 11, kiến trúc thuộc phong cách chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định. Do đó, tháp vừa mang nét mỹ lệ của phong cách Mỹ Sơn A1, lại mang vẻ chắc khỏe của phong cách Bình Định.
Tháp Bình Lâm có kiến trúc hài hòa, cân đối. Tháp cao 20 mét, đáy vuông, thân tháp cao, đỉnh tháp gồm hai tầng, thu nhỏ dần lên trên và được chạm khắc rất tinh xảo. Tháp có một cửa chính quay mặt về hướng đông và ba cửa giả. Mặt tường bên ngoài của tháp được trang trí bằng hệ thống gạch ốp. Không giống với nhiều tháp Chăm khác, các trụ gạch ốp của tháp Bình Lâm không có hoa văn phủ kín bề mặt.
Yếu tố kiến trúc được xem đặc biệt và đẹp nhất ở tháp Bình Lâm là các cửa giả nhô ra giữa các mặt tường của thân tháp. Mặc dù vẫn theo cấu trúc truyền thống nhưng các cửa giả của tháp Bình Lâm lại được chạm khắc rất sinh động, tinh tế. Mỗi cửa giả là một cấu trúc ba thân nhỏ dần từ trong ra ngoài; mỗi thân đều có hai phần gồm hai cột ốp phía dưới và vòm hình mũi giáo bên trên; cả ba thân đều như mọc lên từ chân tháp bên dưới được trang trí bằng các hình sư tử, hoa lá.
Nhìn tổng thể, tháp Bình Lâm mang kiến trúc hài hòa, thanh thoát nhưng cũng hết sức khỏe khắn, uy nghi. Theo các nhà nghiên cứu, tháp vốn nằm trong khu thành Bình Lâm. Đây là kinh đô tạm thời đầu tiên khi vương quốc Chiêm Thành dời đô từ Quảng Nam vào Bình Định. Nơi đây từng một thời là trung tâm chính trị, hành chính của nước Chăm Pa trước khi kinh thành Đồ Bàn (nay tọa lạc tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) được xây dựng xong. Tháp Bình Lâm được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.
Tháp Bình Lâm mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, là một trong những công trình quan trọng mà người Chăm xưa để lại trên đất Bình Định. Nằm trong tuyến điểm với nhiều di tích nổi tiếng của huyện Tuy Phước như tháp Bánh Ít, tiểu chủng viện Làng Sông, võ đường Phước Long tự, tu viện Nguyên Thiều, chùa Bà Nước Mặn, mộ nhà soạn tuồng Đào Tấn, nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu…, tháp Bình Lâm là điểm đến không thể bỏ qua khi đến xứ võ Bình Định.