Khi người thân hấp hối chúng ta cần phải làm gì?

Nếu họ là người tin tưởng vào sự giúp đỡ của người khác và cũng là người từng giúp đỡ kẻ khác trong đời này, chúng ta nên nhắc cho họ nhớ về công hạnh tốt ấy và chúc mừng họ. Điều đó làm tâm họ vui và sẽ tái sinh ở một nơi đầy hạnh phúc.

khi-nguoi-than-hap-hoi-1626921017.jpg 

Người Việt Nam chúng ta, hầu hết đều tin rằng chết không phải là hết. Vì thế chúng ta rất chú trọng đến mồ mả tổ tiên, đến việc tổ chức tang ma cho người chết. Song điều đáng tiếc là cho đến tận ngày hôm nay, chúng ta vẫn chưa có một cuốn Tử thư nào hướng dẫn chi tiết về việc độ cho người hấp hối, giúp cho người chết biết cách tìm đến những cõi giới tốt lành, tránh đọa lạc vào ba đường ác là ngạ quỷ, địa ngục và súc sinh. Bởi vậy, cách hành xử của chúng ta đối với người chết, phần lớn đều không đúng. Hoặc là khóc lóc, gào thét ầm ĩ: “Sao nỡ bỏ đi”, “Hãy ở lại”… khiến tâm người chết bấn loạn. Hoặc sát sinh, giết nhiều lợn, gà, cỗ bàn linh đình… khiến nghiệp người mất thêm nặng. Hoặc xây mồ mả bề thế, lộng lẫy như những đền đài làm hương linh người mất sinh lòng tham, quyến luyến, vướng chấp, khó siêu thoát…

Đạo Phật cho rằng, trong cơn hấp hối, đứng trước cửa tử, bên cạnh những nghiệp thiện và bất thiện chúng ta đã tạo tác trong kiếp sống này, một nhân tố quan trọng khác có ảnh hưởng rất lớn đến cảnh giới chúng ta sẽ tái sinh. Đó là trạng thái của tâm hay còn gọi là cận tử nghiệp. Nếu trạng thái tâm tích cực: thanh thản, tĩnh lặng, tràn đầy tình yêu thương - sẽ kích hoạt những dấu ấn nghiệp tốt và đưa ta đến cảnh giới lành. Nếu trạng thái tâm tiêu cực: hoảng loạn, sợ hãi, sân hận, nuối tiếc tài sản, gia đình, người thân… sẽ kích hoạt những dấu ấn nghiệp xấu, đẩy chúng ta đến những cảnh giới xấu.  Cho nên, Phật giáo rất chú ý đến cách trợ niệm cho người đang hấp hối để giúp kiếp sống sau đó của họ được tốt đẹp hơn.

Các vị Lạt ma nổi tiếng của Tây Tạng – những người có đủ kiến thức và sự trải nghiệm, đã có những lời khuyên rất hữu ích cho chúng ta trong việc giúp đỡ người đang hấp hối. Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 căn dặn: “Với người đang hấp hối, tuyệt đối tránh quấy rầy họ. Đặc biệt không được làm cho họ nổi giận hoặc khóc lóc để họ sinh tâm quyến luyến. Ngược lại, phải nhắc nhở để họ hành trì, tu tập vào giờ phút cuối. Ví dụ như quán tưởng hình ảnh của chư Phật, các vị thầy đức hạnh, chúa Jesus, hoặc một lời dạy nào đó tùy theo tín ngưỡng của họ. Nếu người ấy không theo một tôn giáo nào nên giúp đỡ cho họ chết trong thanh thản và yên bình.

Khi người ấy hôn mê, nếu là hành giả tu tập, nên nhắc nhở pháp môn mà họ công phu thường ngày, đặc biệt là lúc họ sắp ra đi. Kế đó tụng kinh cầu nguyện. Nếu thân nhân muốn tốt cho người đang hấp hối thì tự tụng niệm hoặc cung thỉnh chư tăng về nhà để cầu nguyện cho họ. Trường hợp không có chư tăng tiếp dẫn, người thân trong gia đình có thể tụng thần chú “Om mani padme hum” hoặc những thần chú khác mà họ biết, để tiếp dẫn cho người chết. Sau tang lễ, gia đình tiếp tục thọ trì, tụng niệm đến ngày thứ 49 cho hương linh dễ dàng tìm lối tái sinh vào cõi lành.

Công việc mai táng cho người chết không mấy quan trọng, tùy thuộc vào phong tục tập quán của từng vùng miền. Bởi vì một khi thần thức đã thoát khỏi thân thì xác chết ấy cũng giống như một đống đất. Tại một làng không theo Phật giáo thuộc miền Nam Ấn Độ, tập quán của họ là chôn cất thi hài rồi trồng cây lên mộ. Đây là một cách để chấm dứt việc ô nhiễm không khí từ hỏa táng bằng củi đuốc, một tập tục thường thấy ở Ấn Độ. Điều này còn tránh đi việc hủy diệt cây rừng, một tài nguyên quý giá của quốc gia. Đây là một phương pháp tốt mặc dù nó không bằng như ở phương Tây nơi dùng điện để hỏa táng”.

Ngài Lạt Ma Garje Khamtul Rinpoche thì khuyên chúng ta: “Đối với người hấp hối và người vừa chết, cách tốt nhất mà bạn muốn giúp đỡ là phát khởi lòng bi mẫn của chính bạn. Lòng thương yêu và bi mẫn rất có lợi cho người hấp hối. Nó sẽ tạo ra bầu không khí yên bình cho người hấp hối nghĩ đến chiều hướng tâm linh cao cả và con đường tu tập của họ trong tương lai. Một điều quan trọng khác là bạn đừng xa lánh và bỏ người đang hấp hối một mình. Chết là sự thật và là một nỗi sợ hãi ghê gớm nhất đối với con người. Do đó, bạn nên ở bên cạnh họ, hoặc cầm tay họ nói lời an ủi, hoặc nhìn vào mắt họ với niềm cảm thông. Thân thể cũng có ngôn ngữ yêu thương của nó. Hãy sử dụng nó, đừng e ngại rằng họ hôi hám, dơ bẩn hoặc sợ họ bắt mình theo. Nếu bạn thể hiện được những cử chỉ trìu mến như thế, bạn sẽ đem lại cho người sắp lâm chung niềm an lạc lớn nhất ở cuối cuộc đời họ.

Khi bạn chắc chắn người ấy đã chết, bạn vẫn duy trì lòng bi mẫn và cùng với mọi người ở bên cạnh tử sàng mà tụng lớn danh hiệu chư Phật như Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà hoặc danh hiệu 35 vị Phật... Nếu niệm Phật với lòng bi mẫn vô biên, bạn sẽ giúp cho người lâm chung một bước đường tái sinh.

Vị Lạt Ma Geshe Lamrimpa cũng có những lời khuyên rất cụ thể và hữu ích. “Khi đã xác định người ấy sẽ chết, điều quan trọng là phải hoàn thành mọi ước nguyện của họ. Nếu họ tỏ ra giận dữ thì chúng ta nên làm cách nào để ngăn chặn cơn giận, giữ cho họ luôn ở trạng thái thanh thản và yên bình. Nên tránh gây ồn ào và di chuyển đi lại thường xuyên bên người ấy. Nếu người hấp hối quá quyến luyến người thân, vợ (hoặc chồng), cha mẹ con cái thì tốt nhất không cho những người này đến gần tử sàng. Nếu xác định chắc chắn rằng họ sẽ chết, chúng ta nên cho họ những thức ăn uống mà họ đòi hỏi để họ vui lòng và thỏa mãn, ngay cả thức ăn phải kiêng cữ trong thời gian điều trị. Tuy nhiên, không được cung cấp độc dược và thức ăn có thể đe dọa đến mạng sống.

Nếu họ là người tin tưởng vào sự giúp đỡ của người khác và cũng là người từng giúp đỡ kẻ khác trong đời này, chúng ta nên nhắc cho họ nhớ về công hạnh tốt ấy và chúc mừng họ. Điều đó làm tâm họ vui và sẽ tái sinh ở một nơi đầy hạnh phúc.

Đối với Phật tử và người từng thọ trì một pháp môn nào đó thì thật là thuận lợi nếu họ được chúng ta nhắc lại mười điều Phật dạy trước khi chết như sau:

1.  Không nên khởi niệm tham đắm chấp thủ mọi dục vọng ở đời này. Nên cố gắng và tránh hướng tâm ái luyến đến người thân của mình vì dẫu đời sau có gặp lại thì cũng phải chia lìa. Trong thời điểm hấp hối, ta phải bỏ tất cả mọi thứ lại phía sau. Ta cũng không nên chấp đắm tấm thân của mình vì lúc chết ta phải rời bỏ nó. Ta không luyến tiếc các thứ như thức ăn, áo quần, nhà cửa vì những thứ ấy cuối cùng cũng từ bỏ ta.

2. Ta nên phát khởi lòng bi mẫn và thương yêu đối với mọi chúng sanh.

3. Ta nên đoạn tận mọi phẫn uất và thù hằn. Nếu không nó sẽ làm hại ta trong kiếp sau.

4. Tất cả các giới pháp mà mình thọ trì nếu đã vi phạm thì phải cố gắng sám hối cho thanh tịnh trước khi chết.

5. Ta phải phát tâm trong đời vị lai sẽ thọ trì và giữ giới pháp thanh tịnh.

6. Ta phải cảm thấy đau xót về những ác nghiệp mà mình đã gây tạo cho người khác trong đời này và phải sám hối để dễ dàng tái sanh.

7. Ta phải nhớ đến những công đức mà mình đã làm trong đời này, về những công đức của người khác đã làm và phát tâm sẽ tiếp tục làm trong vị lai.

8. Ta nên nghĩ đã đến lúc mình phải ra đi để đến đời sau, không có gì sợ hãi cả vì đó là quy luật tự nhiên có sinh ắt có tử.

9. Phải quán thấy mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên sinh và cũng do nhân duyên mà hoại diệt.

10. Ta phải quán thấy rằng mọi sự vật hiện tượng đều vô ngã để ta vượt thoát khỏi sầu khổ và đạt được sự an lạc”.

Có một thực tế là nhiều người mắc bệnh nan y nên khi sắp lâm chung, họ rất đau đớn về thể xác và hãi hùng với nỗi sợ chết. Vậy làm cách nào để giúp họ vượt qua nỗi đau, nỗi sợ đó? Đức Lạt Ma Garje Khamtul Rinpoche chỉ bày: “Ở phương Tây người ta thường dùng thuốc á phiện hoặc thuốc an thần để giảm nỗi đau thể xác của người hấp hối và giúp cho họ chết trong bình an. Song theo Phật giáo, con người cần phải chết một cách đầy đủ ý thức, có sự tự chủ và tỉnh táo càng nhiều càng tốt. Vì thế cần phải kiểm soát sự đau đớn để nó không thể che mờ ý thức của người sắp lâm chung. Đó là điều kiện cốt yếu của việc làm giảm sự đau đớn về thể xác. Để giúp người sắp chết vượt qua nỗi sợ chết, trước hết, bạn phải thật bình tĩnh và chính bạn cũng phải vượt qua trước nỗi sợ ấy. Khi giúp đỡ người hấp hối, bạn cần phải để ý mỗi phản ứng của chính bạn vì phản ứng của bạn sẽ phản chiếu trên phản ứng của người sắp chết và nó sẽ góp phần rất lớn vào sự an ủi của họ hay tàn phá họ”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng chia sẻ về vấn đề này. “Trong thời Phật còn tại thế, có những thầy bị bệnh, họ rất đau đớn, khổ sở. Phật đã hướng dẫn nhiều phương pháp tu tập cho các thầy trong những ngày còn lại của đời mình. Những lời dạy ấy đã được ghi chép lại trong tạng kinh. Chúng ta có thể học hỏi để giúp cho những người khổ đau, đang vướng vào những chứng bệnh nan y và đang hấp hối. Chúng ta cũng có thể học cách áp dụng những lời dạy ấy vào trong đời sống hàng ngày của mình nếu mình đang có những nỗi lo sợ, ám ảnh về cái chết của bệnh tật.

Có những phương cách làm thuyên giảm niềm đau về thân. Chúng ta nhận diện sự có mặt của niềm đau nhức về thể xác và ôm ấp, làm êm dịu niềm đau của ta mà không nên phóng đại nó vì nỗi lo sợ và tuyệt vọng. Đức Thế Tôn có dạy, khi một người bị trúng tên, người ấy đau đớn vô cùng. Nhưng nếu có mũi tên thứ hai cũng lao trúng vào vết thương của mũi tên thứ nhất thì cơn đau không chỉ tăng gấp đôi mà nó tăng lên gấp mười lần, hai mươi lần hoặc nhiều hơn. Cũng thế, khi một người phóng đại niềm đau nhức về thể xác của mình bằng niềm lo sợ, giận hờn và tưởng tượng của mình thì niềm đau ấy sẽ tăng lên gấp trăm ngàn lần. Vì vậy chúng ta cần phải trở về với hơi thở chánh niệm, thở vào, thở ra thật sâu sắc và nhận diện niềm đau của thể xác như nó đang là, mà không nên thổi phồng, phóng đại nó vì nỗi lo sợ, giận hờn và tưởng tượng của mình. Cái đó gọi là nhận diện đơn thuần, không sinh tâm lo sợ, chán nản và tuyệt vọng, không suy tưởng về nó.

Có những phương cách thực tập khác để đối trị với niềm đau, nỗi khổ của thân và tâm. Quý vị có thể phục hồi trở lại sự thăng bằng của nội tâm để có khả năng chấp nhận và ôm lấy niềm đau của mình. Khi biết thực tập tiếp xúc, tự tưới tẩm những niềm vui, những yếu tố tích cực, những hạt giống tốt, quý vị sẽ bớt khổ rất nhiều và sẽ cảm thấy rằng mình có thể sống hòa bình và an vui với niềm đau ấy. Khi quá khổ, quá tuyệt vọng, mình có cảm tưởng rằng mình không đủ năng lực để tự chăm lo cho chính mình. Nhưng khi có một người bạn đạo đến cầm tay mình, chuyền cho mình năng lượng thương yêu, chăm sóc và khích lệ thì mình cảm thấy dễ chịu và có đủ khả năng để chấp nhận, ốm ấp niềm đau nỗi khổ của mình và vượt thắng được. Sự thật là trong tự thân của ta luôn có sẵn tiềm năng tự chữa trị rất lớn. Nếu ta trở về với tự thân để tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh, hiểu biết, thương yêu và trị liệu, thì những năng lượng tốt đẹp trong ta sẽ có cơ hội biểu hiện và giúp ta phục hồi lại sự thăng bằng trong cuộc sống. Ta sẽ có khả năng chấp nhận và ôm ấp niềm đau nỗi khổ của ta một cách dễ dàng mà không cần phải trốn chạy, loại trừ hay tuyệt vọng về chúng.

Tôi nhớ vào năm nọ, khi chị của sư cô Chân Không đang bị hấp hối trên giường bệnh tại bệnh viện ở Mỹ, cái lá gan nhân tạo của chị sư cô đã bắt đầu bị hư sau hơn ba năm hoạt động. Trong giờ phút lâm chung, bà đau đớn khôn xiết. Cuối cùng bà rơi vào cơn hôn mê. Chồng bà, con cái của bà và các bác sĩ, y tá đã cố gắng làm đủ cách để làm thuyên giảm niềm đau nhức trong bà nhưng đều bó tay. Trong cơn đau quằn quại, bà vặn vẹo, rên rỉ và khóc than không ngừng. Sau đó sư cô Chân Không tới. Sư cô biết mình không thể nói chuyện được với chị mình vì chị đang ở trong cơn hôn mê trầm trọng. Tuy thế, sư cô vẫn biết cách giúp chị mình. Sư cô biết chị từ nhỏ thường ưa tới chùa nghe các thầy, các sư cô tụng kinh, niệm Phật và những hạt giống ấy đã được gieo trồng trong tâm thức của chị từ nhỏ. Sư cô đã mang theo bên mình một băng cassette niệm danh hiệu của đức Bồ Tát Quán Thế Âm do các thầy, các sư cô Làng Mai niệm và mở lên cho chị nghe. Sư cô đặt ống nghe vào tai của chị rồi tăng âm thanh lên thật lớn. Mầu nhiệm thay, sau đó khoảng ba mươi giây, phép lạ đã xảy ra. Chị của sư cô trở nên yên bình trở lại và từ lúc đó cho đến giây phút lâm chung, bà không còn khóc rên hoặc vặn vẹo nữa.

Tâm thức của chị sư cô đã được gieo trồng những hạt giống tốt, hạt giống tu tập, chánh pháp từ nhỏ đến lớn. Bà đã từng được nghe tiếng tụng kinh cho nên tâm thức của bà đã nhận ra được những lời tụng quen thuộc mà mình đã từng được nghe trong truyền thống tâm linh của mình. Những lời kinh tụng ấy đã trở thành nguồn suối an lạc, hạnh phúc và trị liệu cho đời sống của bà trong những năm tháng qua, trong khi đó những người thân chung quanh, trong đó có cả bác sĩ, y tá đã không biết làm thế nào để giúp bà tiếp xúc với những hạt giống tốt như thế trong tâm thức của bà. Những hạt giống này đã từ lâu không được chạm đến, không được tưới tẩm mỗi ngày nên chúng đã bị hao mòn và ngủ yên trong chiều sâu tâm thức, không có cơ hội phát triển và cũng không có ai có khả năng đánh thức chúng dậy. Và trong cơn đau nhức, sợ hãi, bà đã bị trấn ngự bởi những năng lượng của sầu khổ và tuyệt vọng. Những lời tụng kinh, niệm Bụt và Bồ Tát đã thâm nhập vào tâm thức bà và đã chạm tới được nguồn năng lượng tâm linh trong bà. Khi nghe được những lời tụng niệm ấy, tự nhiên bà tiếp xúc được với nguồn năng lượng lành mạnh, mầu nhiệm của Bồ Tát Quán Thế Âm - năng lượng của tình thương, an bình trong bà. Nguồn năng lượng ấy đã cho bà đủ sức mạnh để thiết lập lại sự an bình. Nhờ vậy mà bà đã có khả năng nằm yên cho tới lúc ra đi.

Nếu thực tập những lời dạy của đức Thế Tôn thành công, ta sẽ biết làm gì trong giây phút đó để giúp những người đang hấp hối hoặc đang khổ đau có thể phục hồi lại sự bình an hoặc giúp họ ra đi một cách nhẹ nhàng. Chúng ta đã được nghe, được đọc kinh Độ Người Hấp Hối trong cuốn Nhật Tụng Thiền Môn 2000 của Làng Mai. Kinh Độ Người Hấp Hối cống hiến cho chúng ta rất nhiều phương pháp thực tập cụ thể để ta thực tập và hướng dẫn những người đang hấp hối vượt qua giây phút khó khăn của cơn bệnh trong giờ phút lâm chung.

Mỗi khi đức Thế Tôn hoặc các đệ tử lớn của Ngài viếng thăm những người đang hấp hối, các Ngài luôn luôn biết mình phải làm gì để giúp những người đang hấp hối phục hồi lại sự thăng bằng, vững chãi để họ vượt được cơn đau nhức của thể xác và thoát được nỗi sợ hãi về tử sinh. Phép thực tập là tưới tẩm những hạt giống lành mạnh, thương yêu và hạnh phúc trong người kia. Phép thực tập này luôn luôn đem lại hiệu quả tốt. Chính tôi cũng thực tập phương pháp này mỗi ngày và luôn luôn có hiệu quả, đem lại rất nhiều lợi lạc”.

Qua những chia sẻ của các bậc chân tu trên, chúng ta có thể thâu tóm lại thành mấy phương cách căn bản trong việc trợ duyên cho người hấp hối. Thứ nhất, lắng nghe, an ủi và tháo gỡ tâm tư của người sắp chết. Thứ hai, khen ngợi những điều tốt đẹp mà người sắp chết đã làm, đồng thời gỡ bỏ những ám ảnh tội lỗi đã tạo bằng các hình thức sám hối. Thứ ba, định hướng người sắp mất vững niềm tin Tam bảo. Thứ tư, bằng những dẫn dụ cụ thể, khuyên người hấp hối từ bỏ luyến ái và chấp thủ. Đây cũng là những phương cách độ người hấp hối được ghi nhận từ kinh tạng Nikaya. Độ người hấp hối tuy chỉ là phương cách mang tính trợ duyên nhưng do chuyên chở chất liệu thương yêu nên đã tạo ra những giá trị đặc thù của Phật giáo.

(Trích trong tập phóng sự “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” tập 3, phát hành ngày 12/ 7/2021).